.

Du lịch, nhìn từ góc độ giao thông

.

Khoảng chục năm trở lại đây, hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng đã có sự cải thiện rõ nét. Thế nhưng không vì vậy mà vấn đề an toàn giao thông được bảo đảm. Đây là điều làm nhiều du khách, nhất là người nước ngoài rất lo lắng khi tham gia giao thông trên đường phố Đà Nẵng.

Những câu chuyện từ du khách nước ngoài

Đường Bạch Đằng là một trong số rất ít tuyến đường của thành phố có mở lối cho người khuyết tật đi xe lăn từ lòng đường lên vỉa hè và ngược lại. 

Ngày 22-2, trong lúc làm thủ tục từ sân bay Sydney (Úc) về thành phố Hồ Chí Minh trên chuyến máy bay VN 782H, tôi tình cờ nghe được câu chuyện của một Việt kiều đưa bạn về nước du lịch. Người tiễn bạn cứ nhắc đi nhắc lại rằng, về Việt Nam thì cố dàn xếp đến thăm thành phố Đà Nẵng một lần cho biết. Đây là thành phố có thể nói đẹp nhất Việt Nam hiện nay, còn biển Đà Nẵng thì xếp hàng đầu của thế giới, ngay tại Sydney cũng khó có bãi biển nào sánh bằng. Nói vậy, tuy nhiên bà cũng không quên nhắc người bạn, về có đi gần đi xa gì cũng gọi taxi mà đi, vì giao thông phức tạp lắm, không khéo sẽ bị tai nạn thì khổ.

Cũng trong lúc làm thủ tục lên chiếc máy bay VN 332 từ Tân Sơn Nhất về Đà Nẵng, thật tình cờ tôi lại nghe một hướng dẫn viên hướng dẫn cho đoàn khách Nhật đến thăm Đà Nẵng nhắc nhở với đại ý: Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng giao thông rất lộn xộn, nên mọi thành viên phải đi thành đoàn để giảm nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT), nhất là mỗi lúc đi qua đường. Tranh thủ lúc xong việc, tôi hỏi người hướng dẫn viên vì sao lại nhắc nhở điều này, thì được anh tâm sự: Trước đây muốn yên lòng du khách nên thông tin về giao thông chỉ khi khách hỏi mới nói. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều du khách phàn nàn về tình trạng giao thông ở Việt Nam quá phức tạp khiến nhiều du khách không dám đi bộ ra đường. Vì vậy phải nhắc nhở cho du khách biết trước để chuẩn bị tâm lý.

Còn chị Mỹ Sơn, một phụ nữ Hàn Quốc theo chồng sống tại Đà Nẵng gần hai năm nay, có nhận xét khá… thực tế: Ở Việt Nam nói chung cũng như Đà Nẵng nói riêng, vỉa hè chưa chắc dành cho người đi bộ, và người đi bộ cũng ít khi đi trên vỉa hè. Chị cho biết, những ngày đầu sống tại Đà Nẵng điều làm chị gặp nhiều khó khăn nhất là mỗi khi ra đường vì không biết đi như thế nào cho đúng luật và  để được an toàn. Nhiều du khách Thái Lan đến Đà Nẵng bằng đường bộ cho biết, ngoài trở ngại về tay lái nghịch thì việc tất cả phương tiện cùng tham gia lưu thông trên một làn đường, và bất cứ vị trí nào cũng bất ngờ có người đi bộ băng qua đường là điều cực kỳ nguy hiểm.

Đến những bất hợp lý về hạ tầng giao thông

Hiện nay, mạng lưới giao thông của thành phố đã phát triển đồng đều từ vùng trung tâm đến ngoại ô, với nhiều con đường đẹp, hiện đại. Thế nhưng, dưới con mắt của những người làm công tác ATGT, thì trên chính những tuyến đường được xem là đẹp và hiện đại đó có nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT. Trước hết là việc trồng cây trên các dải phân cách hiện nay khá tùy tiện, đã khiến cho những người tham gia giao thông gặp rất nhiều khó khăn trong việc quan sát trên đường. Theo các chuyên gia về ATGT thì trên thế giới rất hiếm khi người ta trồng cây xanh trên dải phân cách nhằm mở rộng tầm quan sát cho tài xế. Đặc biệt tại các vòng xoay trong thành phố chỉ là một vòng tròn bê-tông cao hơn mặt đường vài chục cm. Trong khi đó ở Đà Nẵng các vòng xoay trồng cây xanh cao gần cả mét, khiến cho tất cả phương tiện tham gia giao thông đều bị “bịt mắt”.

Bên cạnh đó, việc tổ chức giao thông trên nhiều tuyến đường khá rối cũng làm người tham gia giao thông, đặc biệt là du khách nước ngoài rất khó khăn. Điển hình như đường Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn đều có hai đường gom nhỏ, nhưng không phân chia chiều xe khiến việc lưu thông rất dễ va vào nhau. Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất trên trục đường này là các đường rẽ nhập vào làn đường chính rất lộn xộn, khiến cho nhiều vị trí người tham gia giao thông phải đi ngược chiều, rất dễ xảy ra tai nạn.

Một tồn tại khá lớn nữa là hầu hết các tuyến đường trong nội thành  thiếu lối dẫn dành cho xe lăn từ lòng đường lên vỉa hè và ngược lại. Bên cạnh đó, việc các vạch kẻ dành cho người đi bộ qua đường không được người đi đường tuân thủ đúng luật, cũng khiến cho người khuyết tật vô cùng khó khăn đi lại trong thành phố.

Xu hướng du lịch hiện nay trên thế giới là nhóm đối tượng người cao tuổi và người khuyết tật ngày càng nhiều. Tuy nhiên, với hạ tầng và ý thức giao thông của người dân còn nhiều hạn chế như hiện nay, sẽ làm nản lòng không ít du khách đến với thành phố. Thiết nghĩ, để du lịch thu hút ngày càng đông du khách đến với mình thì rất cần cái “bắt tay” của ngành giao thông. Có như vậy Đà Nẵng mới thực sự là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.

Bài và ảnh:TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.