Từ Đà Nẵng, Huế, gần 100 nhà lữ hành và phóng viên đã nhập đoàn làm những vị khách du lịch Việt Nam đầu tiên đi hơn 2.500km đường bộ theo tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây – EWEC để đến với các tỉnh miền Đông Bắc và Bắc Thái Lan vào đầu tháng 3. Chuyến đi do Vitours tổ chức, nhằm nối kết các hãng lữ hành quốc tế hai miền Nam-Bắc cùng khai thác các tour đường bộ mới mẻ trên tuyến đường này, khi lượng du khách đến các “thiên đường” của Thái Lan như Pattaya, Bangkok, Phukhet đã gần như bão hòa.
Kỳ 1: Hành trình về xa xưa
Chúng tôi háo hức khi đến với những di tích, đền chùa cổ kính của Thái Lan đã tồn tại gần một nghìn năm trước, với toàn bộ không gian phủ trùm sắc màu Phật giáo.
Sững sờ Cố đô Sukhothai
Cố đô Sukhothai nguyên vẹn vẻ đẹp trầm tư mặc tưởng. |
Sukhothai từng là tiền đồn chính của đế quốc Khmer, đã bị hai vị hoàng tử người Thái kết hợp giành lấy và lập đô cho Vương quốc đầu tiên của người Thái vào năm 1238. Tiếp đó, một người kế vị và là chiến binh giỏi nhất của Thái Lan, Hoàng tử Pho Khun Ramkhambaeng lên ngôi vào năm 1278, đã biến Sukhothai thành một vương quốc hùng mạnh và rộng lớn. Thành tựu chính yếu nhất của thời kỳ này là sửa lại các loại mẫu tự Khmer thành hệ thống thích hợp để viết các từ của Thái. Mẫu tự do Vua sáng chế vào năm 1283 về cơ bản giống như các mẫu tự sử dụng ngày nay. Hình tượng về các tác phẩm điêu khắc Phật tổ trong kỷ nguyên Sukhothai là những báu vật văn hóa lưu truyền cảm xúc yên bình và thanh thản.
Để có thể tự mình cảm nhận và khám phá sự tráng lệ của Cố đô Sukhothai, du khách nên thuê xe đạp đi vòng quanh công viên với giá 30 baht/người/ngày (tương đương 18 nghìn VNĐ). Các đoàn khách do các công ty du lịch khai thác thường ngồi xe tuk tuk 30 chỗ. Từ Bangkok, du khách có thể đến Sukhothai theo nhiều cách: đi bằng xe buýt từ bến xe ở Bangkok, mất khoảng 5 - 6 tiếng; đi tàu hỏa từ Bangkok đến Phitsanulok và bắt xe buýt đến Sukhothai; đi máy bay thẳng tiến Sukhothai khoảng 1 tiếng đồng hồ do hãng Bangkok Airways khai thác hằng ngày vào buổi sáng.
Ấn tượng tháp vàng trên núi Doi Suthep
Các nhà sư đang cầu nguyện trong chính điện chùa Phrathat Doi Suthep. |
Khung cảnh ngôi chùa trong buổi chiều gần tắt nắng thâm nghiêm và u tịch, nhưng ngời ngời vẻ đẹp màu đồng, vàng của ngôi tháp trung tâm và những tượng Phật trong các tư thế ngồi, nằm, đứng ở khắp chùa. Tương truyền, tháp trung tâm là nơi cất giữ mảnh xương vai của Phật tổ, được dựng nên vào đầu thế kỷ 14, khi một con voi trắng mang mảnh xương thần thánh trên lưng và ngừng bước, rống lên 3 tiếng rồi quỵ chết ở ngay chốn này.
Rất nhiều người trong đoàn chúng tôi, dù có tín ngưỡng hay không, cũng muốn quỳ xuống để thành kính chiêm ngưỡng những kỳ quan độc đáo được xây dựng hơn 700 năm trước, trong tiếng kinh và lời cầu nguyện ban chiều ấm cúng, thanh bình của toàn thể sư thầy trong gian chính điện.
“Người cha lớn” đẹp đẽ
Ở tỉnh Phitsanulok (thuộc vùng Đông Bắc), có một tổ hợp chùa tháp cổ lớn nhất Thái Lan mà không du khách nào có thể bỏ qua là chùa Wat Yai, nghĩa là Chùa Lớn. Khuôn viên chùa rộng khoảng 2,5ha, và gây ấn tượng mạnh mẽ bởi tượng Phật đứng khoác áo vàng cao trên 10m được dân gian gọi là “Người Cha Lớn” (Phò Yai). Chùa xây dựng năm 1357 trong triều đại vua Phraya Lithai, với tượng Phật được đánh giá là đẹp nhất Thái Lan. Năm 1631, vua Ekatosarot tự tay dâng lên tượng Phật bộ hoàng bào dát vàng của ông, tạo thành bức tượng Phật đẹp đẽ này. Bên cạnh đó, còn nhiều thứ đáng xem khác trong khuôn viên. Đó là những cánh cửa gỗ khảm xà cừ sắc sảo và lộng lẫy được xây dựng năm 1756 như một sự hiến dâng lên đức Phật; hoặc ngôi tháp cổ cao 36m, với hàng cầu thang dẫn lên những hốc tường chứa đựng các di thể của Phật.
Ngoài những nhà dành cho sư tu học, nhà ở được phục dựng và xây mới, chùa chỉ còn lại tượng Phật đứng, nền chùa và khoảng 6 cột bằng đá ong cao vút, cùng nhiều chân cột khác đã đổ nát. Đây là điểm dừng chân giá trị nhất trong suốt hành trình gần 600km từ Mukdahan đến Phitsanulok. Vì vậy, theo ước tính của một hướng dẫn viên người Thái đi theo đoàn, mỗi ngày có khoảng 15 xe chở hơn 700 khách nước ngoài lẫn nhà sư và người dân Thái đến tham quan, chiêm bái.
Luôn bị thúc hối bởi các điều hành viên của đoàn, chúng tôi có khá ít thời gian để thỏa mắt nhìn ngắm vẻ đẹp của các phế tích cổ xưa và chiêm nghiệm sự vững chãi của nhiều công trình trước sức hủy hoại của thời gian. Không ít người trân trọng các giá trị cổ xưa đã dặn lòng sẽ quay lại, đi vào tận các ngõ ngách của phế tích, “rình” chụp ảnh khi bình minh vừa ló dạng hay lúc ánh hoàng hôn vừa buông, để các phế tích ánh lên vẻ đẹp kiêu kỳ mà sầu muộn trong từng tích tắc của ngày.
Hằng Vang