.

Lời hẹn tháng Ba

.

Sáng hôm nay 29-3, Đà Nẵng vẫn còn đông đúc, bởi nhiều đoàn khách, sau giấc ngủ muộn vì mới tham dự lễ hội pháo hoa hai đêm qua, vẫn muốn nán lại thành phố để tìm những âm hưởng dịu dàng khi bao thanh âm sôi động vừa lắng xuống.

Màn trình diễn của đội Bồ Đào Nha trong đêm thi bắn pháo hoa Đà nẵng 2010. Ảnh: Q.TÍN 

Lễ hội pháo hoa, trong vẻ đẹp rực rỡ và huy hoàng, tự dưng trở thành điểm hẹn cho những ai muốn về Đà Nẵng. Một Giáo sư người Đức, ông Gerhard Joseph Keil, năm ngoái có hứa sang Đà Nẵng trong năm nay để hỗ trợ việc chữa trị bệnh cho phụ nữ, đã chọn thời điểm đi ngay tháng Ba để nhân tiện thưởng thức pháo hoa. Nhiều cuộc họp, hội nghị được lên lịch vào cuối tháng Ba. Bao nhiêu người Đà Nẵng xa quê, nếu lỡ không về thăm nhà trong dịp Tết, cũng rạo rực nỗi nhớ và hẹn nhau về dịp pháo hoa. Lời hẹn đoàn viên nghe mà nao nức: “Pháo hoa về nghe!”. Như vậy, pháo hoa không còn là sự kiện, mà trở thành cột mốc thời gian cho những hò hẹn, và là một khoảnh khắc tuyệt vời của năm mà thông qua đó, người ta sẽ hình dung rồi nhớ về Đà Nẵng.

Đối với người Đà Nẵng, pháo hoa là một niềm tự hào. Cứ tới trước đêm pháo hoa cả tuần, người ta đã hớn hở gọi nhau đi coi mấy giàn đèn trên đường Bạch Đằng, Trần Phú, cầu sông Hàn... có gì mới chưa, có chi khác lạ hơn năm trước không. Một cụ già 70 tuổi vẫn nằng nặc đòi con cháu chở đi xem pháo hoa cho bằng được để vỡ òa trong hạnh phúc, hân hoan khi nhìn từng chùm bông pháo đủ màu bắn lên, chứ không chịu ngồi nhà coi qua màn hình ti-vi.

Một phụ nữ có bầu vẫn theo chồng lội bộ từ điểm giữ xe đến điểm bắn để mình có thể tự hào: “Dù bụng mang dạ chửa nhưng tui vẫn không lỗi thời mô nghe!”. “Không lỗi thời” nghĩa là không lỡ hẹn với một sự kiện đang làm nô nức bao người ở mọi miền, và không lỗi hẹn với những bạn bè, người thân đang rối rít “cơm đùm cơm nắm” đi chiêm ngưỡng pháo hoa. Có tưng bừng đi giữa phố xá trong đèn hoa, trong dòng người tấp nập và dòng ánh sáng mải miết chảy đi, mới thấy yêu thương thành phố nhiều hơn, và cảnh tượng này, mai sau sẽ vẫn lắng đọng mãi mãi trong trái tim mình.

Những ai nặng lòng với Đà Nẵng đều hiểu rằng, việc tổ chức thành công lễ hội pháo hoa, và làm cho sự kiện đó trở thành thương hiệu của thành phố chỉ sau một đôi lần tổ chức, là điều không dễ dàng, bởi để có một “đại tiệc pháo hoa”, những người tổ chức và cả thành phố phải bắt đầu từ việc lựa chọn, gọi mời các đội nổi tiếng tham gia, thiết kế sân khấu, lắp đặt chỗ ngồi và cả việc làm quen với pháo hoa bắn theo lập trình kỹ thuật số... Tất cả đều quá mới mẻ và phải huy động từ mọi nguồn lực.

Nhưng dù mới mẻ, lễ hội pháo hoa, nơi hội tụ của âm thanh, ánh sáng và vẻ đẹp kiêu kỳ, tráng lệ đã không phụ sự chờ đợi và những lời hò hẹn...

PHONG KHÁNH

;
.
.
.
.
.