Đoàn khách du lịch hơn 30 người từ các hãng lữ hành và cơ quan thông tấn báo chí tại miền Trung, miền Nam vừa tham gia chuyến khảo sát tuyến điểm làm cơ sở thiết kế tour hướng về Đại lễ Nghìn năm Thăng Long do Công ty Hanoitourist tổ chức trong tháng 4. Chuyến đi 4 ngày thực sự là cuộc hành hương về nguồn cội, đến những vùng đất thiêng như quê hương của 8 vị vua triều Lý, Cố đô Hoa Lư, Hoàng thành Thăng Long xưa, đền thờ các vị thần trấn thủ và gìn giữ hào khí Thăng Long...
Thắp nén hương trong sân Rồng. |
Nằm ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Đền Đô thờ 8 đời vua Lý với nét kiến trúc đặc biệt, là nơi mà bất kỳ người Việt Nam nào cũng nên một lần đến để chiêm bái, thắp nén hương thành kính lên Lý Thái Tổ, vị vua dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, khai sinh ra một triều đại huy hoàng của nền văn minh Đại Việt và những đời vua anh minh kế tiếp.
Công trình độc đáo
Theo các tài liệu lịch sử, Đền Đô được vua Lý Thái Tông, con trưởng vua Lý Thái Tổ xây dựng từ ngày 3-3 năm Canh Ngọ (1030) trong một lần về quê giỗ cha, sau đó được các triều đại phong kiến Việt Nam coi trọng tôn tạo và mở rộng. Khu Di tích lịch sử Đền Đô hôm nay là công trình được xây dựng từ năm 1989, với diện tích 31.250ha gồm 21 hạng mục ở hai khu nội và ngoại thành. Nếu điểm nhấn của khu ngoại thành là Hồ bán nguyệt, nơi dân ca quan họ của Bắc Ninh thường xuyên được biểu diễn và nhà Thủy đình, từng được chọn là hình ảnh in trên “Giấy năm đồng vàng” của Ngân hàng Đông Dương xưa và trên đồng kim loại 1.000 đồng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện nay, thì khu nội thành luôn truyền cho người lễ viếng sự xúc động khi chiêm ngưỡng sân Rồng, bước qua Ngũ long môn, nhà Tiền tế, nhà Chủ tế... Ngũ Long môn còn gọi là Năm cửa Rồng được dựng toàn bằng gỗ quý. Hai trụ cổng đều đắp tứ linh, cánh cửa bằng gỗ lim chạm hình rồng. Khi hai cánh cửa đền dang ra, đôi rồng hai bên như đang uốn lượn phóng khoáng. Cửa rồng có bốn mái đao uốn cong, giữa đắp nổi hình rồng. Ở bậc tam cấp có hai đôi rồng và mây đá chạm trên tảng đá xanh tuyệt đẹp hình tượng Thăng Long - rồng bay lên.
Hiện Đền Đô còn lưu giữ nhiều cổ vật quý, trong đó tiêu biểu nhất là tấm bia đá “Cổ Pháp Điện tạo Bi”, cao gần 2m, rộng hơn 1m được khắc dựng vào năm 1604, thời vua Lê Kính Tông, ghi lại sự kiện nhà Lê cho trùng tu Đền Đô ngay trên đất tôn miếu cũ và khắc văn bia ghi công đức của các vị vua triều Lý, từ thời vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) năm 1010 đến hết đời vua Lý Huệ Tông năm 1224. Ngoài ra, trong quá trình đào móng, xây dựng công trình, người ta còn tìm được các viên gạch cổ lát nền, xây tường, đỉnh và đôi hạc từ giếng cổ của Đền Đô...
Khí thiêng Đại Việt
Trước lư hương Thạch Long (Rồng Đá) đặt giữa sân Rồng, giữa không khí thiêng liêng của nơi thờ tự những vị vua, chúng tôi, những người con đất Việt lặng lẽ đứng thắp nén hương lòng. Trong khi đó, 3 tiếng trống âm vang nổi lên cho mọi người hành lễ: lễ Trời thiêng nguyện cầu Trời che chở, lễ Đất thiêng mong Đất cho ta chỗ đứng vững vàng trong cuộc đời, và lễ Tiên vương để Người phù hộ cho con người, đất nước Việt Nam mãi mãi trường tồn. Ba tiếng trống, ba lễ Thiên-Địa-Nhân giao hòa, hay cả vũ trụ và con người quyện hòa làm một. Và trong dư ba của tiếng chiêng, mọi người 5 lần cúi lạy đất trời, cầu nguyện cho mình, gia đình và đất nước mọi điều an-khang-phước-lộc-thọ. Khói hương bay lên làm sợi dây nối kết linh khí của đất trời với trí tuệ con người, để người người có thêm công lực, bản lĩnh, sức mạnh vững vàng mà gìn giữ non sông. Về Đền Đô, không ai bảo ai, mọi người bỗng đi nhẹ bước, chậm rãi để lắng nghe tiếng Quê Hương và âm thanh của dòng người hành hương về nguồn cội, nơi quê hương của người khai sáng Thăng Long cho Đại Việt.
Qua cổng Đền Đô, bước vào sân Rồng. |
Đền Đô còn trưng bày gần chục bức ảnh của nhiều tác giả, chụp cảnh Đền Đô ở nhiều thời điểm khác nhau ẩn hiện trong những áng mây hình rồng chói lọi giữa bầu trời xanh ngát, thể hiện khí thiêng Thăng Long. Nghệ sĩ Hoàng Tuấn Đại chụp ảnh “Bát Đế vân du”, hiện tượng lạ làm xao động cả đất trời vào giờ ngọ ngày Lễ hội rằm tháng ba năm Đinh Sửu (1997). Khoảng 18 giờ 20 ngày 2-8-2005, anh thanh niên Đinh Minh Chính lúc đang đứng ở sân Rồng cầu nguyện, đã linh cảm ngước lên bầu trời và chụp lại bức “Đền Đô thiêng” bằng điện thoại di động, trong đó đám mây như rồng cuộn với ngọn lửa tỏa hào quang rực rỡ trên đỉnh đền.
Du khách vẫn ngày ngày tới viếng thăm Đền Đô, nơi phụng thờ Lý Bát Đế, như về ngôi nhà lớn thiêng liêng của nguồn cội mình...
Bài và ảnh: HẰNG VANG