.
Famtrip Hội tụ 1.000 năm Thăng Long

Hành hương về nguồn cội - Kỳ 2: Hào khí Thăng Long

.

Trong tâm thức người Hà Nội, Thăng Long 1.000 năm vẫn trường tồn từ thuở vua Lý Thái Tổ (tức Lý Công Uẩn) quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) đến Thăng Long năm 1010, nhân thấy điềm Rồng bay lên, là nhờ vào Tứ trấn và những đền chùa, những vị thần linh thiêng của vùng đất này. 

        >> Bài 1: Về Đền Đô


Thần Long Đỗ - Thành hoàng Thăng Long

Thần Long Đỗ, vị Thành hoàng của Thăng Long được thờ trang trọng ở gian riêng mà rất hiếm người được chiêm ngưỡng. 

Đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm, xưa thuộc phường Hà Khẩu trên bờ sông Hồng cạnh cửa sông Tô Lịch, một trong Tứ trấn, trấn phía  Đông kinh thành, là nơi thờ thần Long Đỗ, vị thần gốc của Hà Nội cổ với hiệu Quảng Lợi Bạch Mã Đại vương.

Tương truyền, Long Đỗ vốn là thần núi Nùng, trong thời Bắc thuộc, khi Cao Biền, một tiết độ sứ người Tàu rất giỏi thuật phong thủy chôn đồng và sắt ở thành Đại La để yểm, thì thần đã gây mưa gió, sấm chớp đánh bật lên, làm nát vụn cả đồng và sắt. Cao Biền bèn lập đền thờ để mong được bình yên. Sau này, khi vua Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long, cứ xây xong lại đổ. Vua cho người đến đền cầu khẩn, thì có một con ngựa trắng từ trong đền đi ra chạy một vòng khép kín ngược chiều kim đồng hồ rồi biến mất trong đền. Vua cứ theo vết chân ngựa xây thành thì thuận lợi. Vua bèn cho sửa lại đền và phong thần là Quảng Lợi Bạch Mã tối linh thượng đẳng thần (Vị thần linh thiêng vào bậc nhất), và được xem như Thành hoàng của Thăng Long, tức Thành hoàng của cả đất nước Việt Nam.

Trong một lần đến thăm đền vào năm Đinh Hợi, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đã đề tặng bài thơ:

Chỉ huy quỷ dữ ba ngàn lính
Đàn áp yêu ma mấy vạn khinh
Muôn nhờ uy đức yên bể Bắc
Để cả non sông hưởng thái bình

Với những biến thiên của lịch sử, đền Bạch Mã đã qua nhiều lần tu sửa, và kiểu kiến trúc hiện thấy là thuộc thời Nguyễn. Các lớp kiến trúc gối nhau chạy sâu vào trong với nhiều bia đá và đồ thờ trọng thể. Thần Long Đỗ được thờ ở một gian riêng mà chỉ người thủ từ (giữ đền) mới có chìa khóa. Theo thủ từ Nguyễn Văn Sâm, rất hiếm khách du lịch được bước vào tham quan gian nhà linh thiêng này, để bảo đảm sự thanh sạch, yên tĩnh cao nhất cho nơi trú ngụ của vị Thành hoàng làng đất Việt.

Cùng với đền Long Đỗ, 3 trấn còn lại là đền Voi Phục thờ thần Linh Lang trấn phía Tây, nằm ở Công viên Thủ Lệ cạnh cửa Ô Cầu Giấy; đền Kim Liên thờ thần Cao Sơn trấn phía Nam, thuộc làng Kim Liên phường Phương Liên; đền Quán Thánh thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ trấn phía Bắc, ở góc đường Thanh Niên và đường Quán Thánh, tạo thành 4 góc vững chãi bảo vệ kinh đô và Việt Nam trước những biến động.

Trấn Quốc – ngôi chùa cổ nhất Việt Nam

Gốc bồ đề trong sân chùa Trấn Quốc, vốn được tách nhành từ cây bồ đề ở Tây Trúc, nơi Phật Thích Ca Mâu Ni đã thành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ. 

Ban đầu chùa mang tên là Khai Quốc (mở nước), được dựng từ thời Lý Nam Đế (541-547) tại thôn Yên Hoa, gần bờ sông Hồng. Đến năm 1616, chùa được dời vào trong đê Yên Phụ, dựng trên nền cũ cung Thúy Hoa (thời Lý) và điện Hàn Nguyên (thời Trần). Trong thế kỷ 17-19, chùa được tiếp tục trùng tu, mở rộng, nay tọa lạc phía Nam hồ Tây, đường Thanh Niên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Những bậc cao tăng và danh nhân thời trước như Đức Vân Phong pháp sư, Khuông Việt pháp sư, Tịnh Không... đều được thờ tự ở đây. Vào thời Lý, bà Thái hậu Ỷ Lan thường mở tiệc Trai tăng và hỏi chư tăng về đạo Phật. Ngoài vườn tháp với nhiều tháp lớn nhỏ u tịch, chùa Trấn Quốc còn có nhà bái đường với nhiều tượng Phật từ thấp đến cao, từ to đến nhỏ, vàng son lấp lánh, và gốc bồ đề nguyên sinh từ Tây Trúc nơi Phật Thích Ca Mâu Ni đã thành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ, được Tổng thống Ấn Độ mang đến.

Người vào chùa Trấn Quốc, ngoài việc thành tâm lễ Phật, còn thỏa sức chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc hài hòa với cỏ cây, mây nước, tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp, ngày ngày soi bóng xuống dòng nước Hồ Tây diễm lệ, nổi lên thanh bình, tịch mịch ngay giữa phố phường ồn ào, tất bật.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.