.

Kẹt vé máy bay

.

Đến thời điểm hiện tại, các chuyến bay đi theo chặng mới Đà Lạt-Đà Nẵng và ngược lại gần như không còn chỗ trống. Các chặng khác từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng cũng tương tự. Trong tình hình vé máy bay khá căng và có giá cao, các  hãng lữ hành phải tìm cách thay đổi phương tiện vận chuyển hoặc tách tiền vé khỏi giá tour cho khách du lịch.

Chặng Đà Nẵng-Đà Lạt và ngược lại: hết vé đến giữa tháng 7

Khách du lịch nội địa đến nghỉ biển ở Đà Nẵng ngày càng tăng, vé máy bay Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng càng căng.  

Đó là thông tin mới nhất do Văn phòng đại diện Vietnam Airlines (VNA) tại miền Trung đưa ra. Mới khai trương đường bay từ ngày 30-6, vé được mở bán từ ngày 15-6, đến nay, cả hai chặng bay với số ghế mỗi chuyến từ 65-68 đã không còn chỗ đến ngày 15-7. Vì khách hàng đăng ký bay quá nhiều, ngay cả các hãng lữ hành cũng không thể tìm được vé một chiều với giá thấp nhất được áp dụng là 500 nghìn đồng (chưa tính thuế, phí).

Ông Trịnh Hoài Nguyên, Trưởng phòng Kinh doanh Chi nhánh Saigontourist tại Đà Nẵng cho hay: “Vì là đối tác lớn của VNA nên chúng tôi được ưu tiên hơn trong việc mua vé. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ được ưu tiên “có chỗ”, nghĩa là có cơ hội mua vé được trong những ngày quá căng thẳng, có vé giá nào là mua giá đó”. Mức giá phổ biến nhất cho chặng bay này thường vào khoảng 1,2 triệu đồng/vé.

Sau khi đường bay trên hoạt động, việc bán tour cho khách du lịch từ miền Trung đi Đà Lạt ở các hãng lữ hành rôm rả hẳn. Ông Nguyên đánh giá: “Thay vì đi xe trên quãng đường quá dài, qua nhiều đèo dốc như trước kia, nay đi bằng đường bay tuy giá đắt hơn chút nhưng khách vẫn sẵn sàng chi tiền. Với tình hình này, tôi tin rằng đường bay này sẽ khai thác khách tốt hơn nữa trong tương lai”. Các hãng lữ hành cũng linh hoạt bán sản phẩm theo kiểu đặt giùm vé máy bay và phòng khách sạn để lấy hoa hồng từ nhà cung cấp dịch vụ.

Tăng thêm chuyến từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng

Nhu cầu đến Đà Nẵng nghỉ biển mùa hè ngày càng tăng khiến VNA cũng tăng thêm nhiều chuyến mà vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu. KS ven biển Mỹ Khê - Tourane cho biết, công suất hơn 60 phòng của KS từ hơn một tháng nay luôn “ngấp nghé” mức 100%, với khoảng 90% lượng khách đến từ Hà Nội. Trong khi đó, ngoài 1.800 ghế mỗi ngày, tính từ đầu tháng 6, VNA đã tăng 180 ghế/ngày/chặng vào các ngày thứ sáu và chủ nhật đối với chặng TP. Hồ Chí Minh-Đà Nẵng. Tương tự, từng đó ghế cũng được thêm vào 1.550 ghế như thường lệ vào thứ năm và thứ bảy cho chặng Hà Nội-Đà Nẵng. Lượng khách trên được VNA cho là tăng từ 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng cường chỗ ngồi vẫn được duy trì đến hết mùa du lịch nội địa vào khoảng cuối tháng 8. VNA vẫn đang cân đối nguồn lực để có thể tăng thêm nếu nhu cầu vượt quá cao so với số ghế hiện tại, nhất là đối với chặng Hà Nội-Đà Nẵng.

Tìm ra vé máy bay với giá “dễ thở” vào khoảng 1,344 triệu đồng/vé, thậm chí chỉ cần có vé đang làm nhiều hãng lữ hành nghẹt thở. Ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty Du lịch Việt Đà than phiền: “Nhiều ngày chúng tôi đặt giùm vé cho khách tới hơn 2 triệu đồng/vé. Có khi có tiền mà vẫn không mua được vé”. Vì giá vé máy bay quá cao, ông Nguyên nói rằng, nếu giữ giá vé trong giá tour sẽ không thể cạnh tranh nổi với các hãng lữ hành khác: “Trong mùa cao điểm, tốt nhất là tách giá vé ra khỏi giá tour. Nếu quá căng, có thể chuyển giờ bay hoặc cho khách đi tàu hỏa”.

Theo ông Lộc, không chịu nổi giá vé cao, vài đoàn đã hủy tour. Các công ty lữ hành nhỏ phải mua lại vé máy bay ở các hãng lớn hơn với phí dịch vụ khoảng 100 nghìn đồng/vé. “Chúng tôi phải chờ đợi các hãng lớn trả lời “có hoặc không có vé”, nên khá lúng túng trong việc điều tour. VNA cần nới rộng phạm vi hợp tác cho các hãng lữ hành nhỏ nhưng làm ăn uy tín, để họ có thể mua được vé trong mùa cao điểm”, ông Lộc kiến nghị.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.