Làng đá mỹ nghệ Non Nước nằm ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng là một trong số rất ít làng nghề truyền thống còn lại trên địa bàn thành phố và cũng là làng nghề có quy mô hoạt động lớn nhất và có tiềm năng phát triển nhất hiện nay.
Sản phẩm đá Non Nước dưới bàn tay các nghệ nhân. (Ảnh tư liệu) |
Sau năm 1975, cùng với các loại hình kinh tế quốc doanh, Hợp tác xã Đá mỹ nghệ Non Nước được thành lập và đi vào hoạt động. Trong thập niên 80, Hợp tác xã với 130 xã viên đã góp phần tham gia xây dựng tượng đài chiến thắng và nghĩa trang liệt sĩ ở nhiều địa phương trong cả nước, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển ngành nghề truyền thống địa phương. Từ năm 1986, nền kinh tế đất nước phát triển, lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và làng nghề tuyền thống đá Non Nước tăng nhanh. Sản phẩm làng nghề mang tính khác biệt, có giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao.
Năm 2006, Hội làng nghề truyền thống điêu khắc đá Non Nước-Ngũ Hành Sơn được thành lập và tiến hành Đại hội lần thứ nhất. Hội đã phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng xây dựng Đề án Xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu làng nghề, tổ chức thành công cuộc thi sáng tác Logo Làng nghề. Đến nay làng nghề đã có hơn 20 doanh nghiệp, 430 cơ sở sản xuất - kinh doanh lớn, nhỏ với hơn 4.500 lao động.
Quy mô và tốc độ phát triển sản xuất làng nghề không ngừng gia tăng, giải quyết nhu cầu việc làm của người lao động với thu nhập bình quân đầu người từ 2-3 triệu đồng/tháng. Doanh thu hằng năm của làng nghề đạt khoảng 60-70 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu là 52% và doanh thu trong nước là 48%, đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội và trở thành niềm tự hào của thành phố Đà Nẵng.
Sự phát triển của làng nghề đá Non Nước còn gắn liền với ngành du lịch. Nằm trên trục đường du lịch quan trọng từ trung tâm thành phố đi Ngũ Hành Sơn và phố cổ Hội An, làng đá là điểm dừng chân lý tưởng của khách du lịch, hằng năm thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, mua sắm. Trong năm 2008, làng đá đã đón khoảng 327 nghìn lượt khách, chiếm 27,25% tổng số lượt khách đến thành phố, trong đó có hơn 232 nghìn lượt khách trong nước và 95 nghìn lượt khách quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, làng nghề vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về thị trường tiêu thụ, trình độ tay nghề và đặc biệt là chưa có chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm của mình. Làng nghề hiện nay cũng là nguy cơ ảnh hưởng môi trường sinh thái của Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường du lịch và cảnh quan đô thị.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đá mỹ nghệ phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch, tranh mua, tranh bán, nhái kiểu dáng, chất lượng sản phẩm bị lai tạp làm giảm giá trị thẩm mỹ và uy tín của làng nghề. Hội Làng nghề tuy đã được thành lập nhưng thiếu nguồn lực nên hoạt động chưa hiệu quả. Theo kết quả khảo sát năm 2009 với 300 hộ sản xuất- kinh doanh thuộc Làng đá Non Nước, chỉ có 8,6% doanh nghiệp có xuất khẩu hằng năm; 77% doanh nghiệp nhận định rằng thị trường không ổn định; tình hình đăng ký sở hữu trí tuệ còn rất hạn chế (0,3% có đăng ký nhãn hiệu, kiếu dáng công nghiệp), đa số doanh nghiệp không có kế hoạch quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại (94,7%).
Trước thực trạng đó, nhất là sau khi thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước luôn được lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành quan tâm, tạo điều kiện để phát triển. Để định hướng, thúc đẩy khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành các quyết định như: Quyết định số 9479/QĐ-UB ngày 9-12-2005 phê duyệt Đề án phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống thành phố Đà Nẵng, trong đó xác định trọng tâm là phát triển làng nghề truyền thống Non Nước; Quyết định số 9138/QĐ-UBND ngày 26-12-2006 về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng và phát triển các làng nghề thành phố Đà Nẵng đến năm 2015 có xét đến năm 2020, trong đó có Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước.
Cùng với những chủ trương chung của thành phố về phát triển làng nghề, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã đề ra định hướng phát triển làng nghề từ nay đến 2020. Trước mắt, UBND quận Ngũ Hành Sơn quy hoạch lại làng nghề, triển khai đầu tư khu sản xuất tập trung của làng nghề trên diện tích 30ha tại vị trí mới, cách xa khu dân cư và khu du lịch, với cơ sở hạ tầng đồng bộ như đường, điện, hệ thống xử lý nước thải… Dự kiến từ nay đến 2012 sẽ đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Chương trình 68 của Chính phủ (Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp), Sở Khoa học-Công nghệ thành phố Đà Nẵng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt triển khai Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Non Nước” cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ đá của làng đá Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng”. Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển làng nghề nói riêng và đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của quận Ngũ Hành Sơn và thành phố Đà Nẵng nói chung.
Với những chủ trương đúng đắn của thành phố và sự nỗ lực của làng nghề, hy vọng rằng trong thời gian tới Làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước của thành phố Đà Nẵng sẽ ngày càng khẳng định được tên tuổi và vị thế của một làng nghề truyền thống tiêu biểu không chỉ của thành phố Đà Nẵng mà còn là của cả nước, góp phần làm cho thương hiệu đá Non Nước, Ngũ Hành Sơn trở nên hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.
(Còn nữa)
T.H