.

Tìm lại nguồn khách Thái

.
Trước đà suy giảm đáng kể của nguồn khách đường bộ Thái Lan qua miền Trung trong khoảng 2 năm qua do nhiều nguyên nhân, ngành du lịch đã đưa ra các biện pháp cần thiết để ổn định tình hình đón khách Thái được xem là khá lộn xộn hiện nay.

Mô tả ảnh.
Lượng khách Thái Lan vào miền Trung Việt Nam giảm mạnh vào năm 2009, có dấu hiệu phục hồi nhẹ trong năm nay. Trong ảnh: Du khách Thái Lan chờ làm thủ tục ở cửa khẩu Savannakhet (Lào) để tiếp tục hành trình đến miền Trung Việt Nam.
 
Chào giá tour dưới mức huề vốn

Nguyên nhân sụt giảm chủ yếu, theo ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc một công ty du lịch đón khách Thái hàng đầu tại Đà Nẵng – Vitours, là do sự cạnh tranh không lành mạnh của những doanh nghiệp (DN) chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Một trong nhiều “thủ thuật” để đạt được lợi nhuận mà không cần bỏ vốn liếng, công sức ra là “bán tư cách pháp nhân”. Nghĩa là, các công ty du lịch ở Lào khi đưa khách Thái sang Việt Nam không kết nối cho DN Việt Nam dẫn khách, mà chỉ cần mua chương trình tour với giá 5-10 USD từ một số công ty Việt và trực tiếp dẫn khách đi, làm giảm chất lượng tour.

Ông Dũng dẫn chứng thêm: “Không ít DN trả thẳng tiền mặt cho các cơ sở cung cấp dịch vụ mà không hề có hóa đơn, thuế má. Bằng cách đó, họ có thể giảm giá tour xuống mức thấp nhất mà chúng tôi không tài nào cạnh tranh nổi”. Vì vậy, ông Nguyễn Hữu Chánh, Giám đốc Công ty Du lịch Chánh Trinh cho biết, giá tour các công ty như trên đưa ra nhiều khi chỉ còn 90 USD, dưới cả mức giá huề vốn, trong khi đó, giá có lãi trung bình mà DN khai thác khách Thái chào bán thường vào khoảng 120 USD. “Giá quá thấp  đồng nghĩa với giảm mạnh về chất lượng, làm mất uy tín của cả ngành du lịch miền Trung. Các công ty Lào và chính các DN Việt Nam tự gây khó cho mình”, ông Chánh gay gắt.

Trong khi vào giai đoạn đỉnh điểm năm 2007, mỗi ngày có cả ngàn xe tour chở khách Thái sang miền Trung Việt Nam, thì từ cuối năm 2008, số này đã giảm hẳn. Ngoài một số nguyên nhân như do khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị kéo dài ở Thái Lan, điểm đến miền Trung không còn mới, thì tình hình cạnh tranh “kéo” chất lượng xuống thấp đã làm lượng khách năm 2009 tiếp tục giảm sâu ở mức 40-60% theo ước tính của nhiều công ty lữ hành. Còn số liệu tổng hợp từ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Đà Nẵng cho thấy, khách Thái đến thành phố năm 2009 giảm 31% so với năm trước đó.

Lựa chọn doanh nghiệp đủ chuẩn đón khách đường bộ

Năm 2010, cùng đà phục hồi của nền kinh tế thế giới, nguồn khách Thái có dấu hiệu phục hồi nhẹ. Tuy nhiên, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VH-TT-DL khẳng định: “Nếu không có chiến lược thu hút khách lâu dài, chẳng mấy chốc, một trong những thị trường khách trọng điểm này với nguồn khách lớn, chi tiêu khá sẽ bỏ chúng ta”.

Trước tình hình này, mới đây, sau khi họp bàn với các công ty lữ hành miền Trung, Tổng cục Du lịch (TCDL) giao cho hai công ty lữ hành quốc tế Vitours và Hương Giang xây dựng dự thảo quy chế hoạt động của CLB DN Lữ hành quốc tế đón khách đường bộ qua các cửa khẩu miền Trung, để làm cơ sở quản lý chặt chẽ hoạt động này. Trong tương lai, chỉ những công ty được TCDL chọn lựa đủ điều kiện mới được phép đón khách đường bộ.

Tuy chưa có quyết định chính thức, nhưng ông Dũng cho rằng, sự ra đời của CLB trên với sự kiểm soát chặt chẽ của TCDL là cần thiết, thông qua đó quy định giá sàn để chống phá giá và trốn thuế của các công ty làm ăn không nghiêm túc. “Nhưng phải lựa chọn thật công bằng, kiểm soát giá cả dịch vụ và có kế hoạch xúc tiến mạnh mẽ ở thị trường Thái Lan”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Ngô Quang Vinh, các ngành chức năng Việt Nam cần nhanh chóng giải tỏa những vướng mắc về thủ tục hải quan ở cửa khẩu và làm việc với tỉnh Savannakhet (Lào), tạo điều kiện cho DN Việt Nam về việc vận chuyển khách du lịch trên vùng đất này.

Bài và ảnh: HẰNG VANG
;
.
.
.
.
.