Không như dự đoán của các hãng lữ hành rằng đến cuối năm 2010, luồng khách quốc tế truyền thống từ các thị trường xa như Mỹ, châu Âu sẽ phục hồi nhẹ sau khủng hoảng kinh tế, hiện số khách này đến Đà Nẵng vẫn không nhiều. Trong khi đó, khách ở thị trường gần như Trung Quốc, Nhật Bản tăng lên cùng sự khởi động của các chuyến bay thuê chuyến trực tiếp đến Đà Nẵng trong thời gian tới.
Đón khách lẻ tẻ
Đón khách lẻ tẻ
Ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Đà so sánh: “Nếu thời điểm này năm ngoái, chúng tôi có thể đón nhiều đoàn khách châu Âu với số lượng trên dưới 100 người/đoàn, thì năm nay, vài ngày mới có khách lẻ tẻ theo nhóm 2-5 người”. Theo ông Trịnh Hoài Nguyên, Trưởng phòng Kinh doanh Chi nhánh Công ty Du lịch Saigontourist tại Đà Nẵng, đây mới là thời điểm khách quốc tế ở thị trường xa bị khủng hoảng kinh tế chi phối nặng nề. “Luồng khách này thường lên kế hoạch du lịch trước một năm. Do vậy, cuối năm ngoái, nhiều đoàn khách truyền thống đã không lên lịch đi nghỉ cho năm nay. Chỉ có khách tàu biển là giữ được nhịp độ tăng tương đối”, ông Nguyên giải thích.
Vì lẽ trên, tại các công ty lữ hành lớn như Saigontourist, Vitours…, lượng khách quốc tế truyền thống (Mỹ, Úc, Tây Ban Nha) đến Đà Nẵng không có sự tăng trưởng đột phá như trong những năm “hoàng kim”. Bù vào đó, số khách ở các thị trường châu Á như Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản đang có xu hướng tăng lên do nhiều đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng khai trương. Từ Đà Nẵng, doanh nghiệp lữ hành cũng trông chờ vào việc khai thác khách Việt Nam đi nước ngoài theo chiều ngược lại.
Các chuyến bay trực tiếp nối nhau
Từ đây đến mồng 1 Tết Tân Mão là thời gian rộn rịp các chuyến bay thuê chuyến (charter) quốc tế đến Đà Nẵng, hứa hẹn mở ra một năm mới phấn khởi hơn cho du lịch thành phố. Gần đây nhất là chuyến Hong Kong-Đà Nẵng khai trương vào tối 26-11 mang theo 184 khách quốc tế, do Vietnam Airlines và Công ty Du lịch quốc tế Vietlink phối hợp thực hiện. Đường bay được duy trì trong nửa năm với 46 chuyến. Tiếp đó, nhiều đường bay trực tiếp khác sẽ nối gót, trong đó giữ đầu bảng về số lượng là các chuyến bay từ Trung Quốc và Đài Loan trong tháng 12 năm nay như Quảng Châu, Thành Đô, Côn Minh, Thượng Hải, Macao, Đài Bắc. Theo ông Lê Tấn Thanh Tùng, Trưởng phòng Điều hành của Vitours, trong thời gian gần đây, lượng khách Trung Quốc đến Đà Nẵng không ngừng tăng trưởng, bởi đa số du khách này quan tâm đặc biệt tới biển. Sắp tới, các hãng lữ hành sẽ chia nhau đón khách “mệt nghỉ”.
Vietnam Airlines cũng đã thông báo chính thức lịch bay thuê chuyến trực tiếp theo hành trình SiemRiep (Campuchia)-Đà Nẵng-Icheon (Hàn Quốc)-Đà Nẵng - SiemRiep trong một tháng từ đầu đến cuối tháng 1-2011. Một trong những đường bay được trông đợi nhất là chuyến bay thẳng Narita (Nhật Bản)-Đà Nẵng-TP. Hồ Chí Minh-Narita với tần suất 7 chuyến/tuần sẽ kéo dài từ 15-12 đến 26-3. Các chuyến bay đều được VNA khai thác trên loại máy bay Airbus A321 với 184 ghế/chuyến.
Cùng với nhiều đơn vị lữ hành khác của Đà Nẵng, Vitours cho hay sẽ bán tour cho khoảng 70% số khách trên, đồng thời tranh thủ khai thác số lượng tương tự khách Việt Nam từ Đà Nẵng bay theo các chiều ngược lại. Hầu hết các đoàn khách quốc tế bay trực tiếp đều có mức chi tiêu cao, thường nghỉ ngơi, ăn uống ở các khách sạn 4-5 sao tại Đà Nẵng, sau đó mới đi tham quan các di sản thế giới ở miền Trung là cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn.
Bài và ảnh: HẰNG VANG