.

Đà Nẵng trước làn sóng khách Trung Quốc

.
Gần đây, làn sóng khách du lịch người Trung Quốc đến Đà Nẵng đã trở thành hiện tượng đáng chú ý của giới làm du lịch. Theo đánh giá của nhiều nhà lữ hành, luồng khách này nếu được duy trì tốt thông qua các chuyến bay thuê bao trước mắt và các đường bay ổn định lâu dài có thể qua mặt các thị trường khách châu Âu truyền thống của Đà Nẵng.

Mô tả ảnh.
Biển Đà Nẵng là điểm hấp dẫn nhất đối với khách Trung Quốc. (Ảnh tư liệu)
 
Đa số khách Trung Quốc ­“ghiền” biển Đà Nẵng
Trong khi nhiều đoàn khách châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc thường lấy Đà Nẵng làm trung điểm để tỏa đi các Di sản thế giới ở miền Trung, thì khách Hoa từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan lại dành thời gian nghỉ dưỡng và tham quan, giải trí ở các resort lớn dọc bờ biển. Ông Cyril Chan, Quản lý khu nghỉ mát Silver Shores cho hay: “Họ rất thích sử dụng các trò chơi tại câu lạc bộ giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài của chúng tôi. Ngoài ra, họ còn kết hợp tham quan các danh lam thắng cảnh, thực hiện các hoạt động đa dạng khác như chơi gôn, tổ chức gặp gỡ thân mật, hội họp hay tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, v.v…”.
 
Sau chuyến đi quảng bá Đà Nẵng tại Hội chợ Du lịch quốc tế Trung Quốc - CITM 2010 tại Thượng Hải diễn ra vào gần cuối tháng 11, ông Nguyễn Duy Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch (TTXTDL) Đà Nẵng đánh giá: “Các doanh nghiệp (DN) lữ hành, khách sạn lớn, người dân Trung Quốc rất ngạc nhiên khi thấy biển Đà Nẵng đẹp như vậy. Họ rất quan tâm và chụp hình rất nhiều về bãi biển Đà Nẵng. Thêm vào đó, Đà Nẵng còn được đặc biệt chú ý với những lợi thế vượt trội được chúng tôi nhấn mạnh như môi trường sạch sẽ, không bị ô nhiễm, an ninh được bảo đảm, không bị kẹt xe, không cướp của giết người, không ồn ào, bãi biển xanh, sạch, đẹp, có thể du lịch tắm và nghỉ dưỡng biển hầu hết các mùa trong năm, đội cứu hộ hoạt động 24/24 giờ”.
 
Theo thống kê tại Hội chợ này, hiện lượng khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài rất cao với số lượng mỗi năm lên tới 54 triệu người. Chính vì vậy, ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cho rằng, đây là thị trường mà Đà Nẵng cần đưa vào trọng tâm khai thác và đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá. Đối với nhiều chuyến bay thuê bao trực tiếp từ khu vực trên đến Đà Nẵng từ cuối năm 2010 đến khoảng tháng 5 năm sau, Vitours đã khai thác khoảng 70% số khách đi các tour khắp miền Trung và Đà Nẵng.
 
Nhà quản lý phải ngồi lại với doanh nghiệp

Ông Tiêu Công Minh, Giám đốc Công ty Du lịch Phương Đông Quốc tế (PĐQT) chuyên đón khách Hoa hy vọng một tương lai sáng sủa: “Người Trung Quốc rất đông, chỉ cần một tỉnh, thành đi du lịch là đã muốn “choáng” rồi. Nếu có đường bay lâu dài sau này, thì mỗi tháng ít nhất Đà Nẵng cũng đón hơn 2 nghìn khách. So với các thị trường khách châu Á khác, chi tiêu của luồng khách này thuộc mức cao, bình quân trên 100 USD/người/tour, chủ yếu dành cho việc ăn đồ hải sản tươi sống”.

Cũng như Vitours và P­­ĐQT, nhiều công ty lữ hành quốc tế khác tại Đà Nẵng tỏ ra rất quan tâm đến thị trường khách Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông Dũng, các nhà quản lý và DN phải ngồi lại, cùng đưa ra kế hoạch khai thác lâu dài mới bảo đảm được tính bền vững của thị trường. “Nhiều thời điểm khách tới dồn dập làm chúng tôi bị dồn ép, căng thẳng cực độ. Chính quyền cần làm đầu tàu xác định nguồn khách, thời gian bay của các chuyến thuê bao, xác định các DN đủ tư cách đón khách, có cam kết dài hạn. Thành phố phải cùng DN tham gia định hướng, kiểm soát thị trường để bảo đảm mang lại cho khách chất lượng dịch vụ tốt nhất. Nếu không, dần dần, Đà Nẵng sẽ mất đi sức hút”.

TTXTDL Đà Nẵng cũng cho biết sẽ đẩy mạnh việc quảng bá du lịch Đà Nẵng tại Hồng Kông và Trung Quốc đại lục như Thượng Hải, Quảng Châu, dưới hình thức tham gia các Hội chợ do Tổng Cục Du lịch, Vietnam Airlines phát động, cùng các khách sạn, resort, hãng lữ hành của Đà Nẵng có tiềm lực mạnh quảng bá về điểm đến mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Triêu Nhan
;
.
.
.
.
.