Được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây, liên kết du lịch giữa các tỉnh duyên hải miền Trung vẫn chưa được thực hiện, mà nguyên nhân chủ yếu, theo nhiều chuyên gia về du lịch, là do tính địa phương quá cao.
Ai làm tổ trưởng?
“Tính địa phương chủ nghĩa là rào cản quá lớn trong liên kết”, ông Hồ Việt, nguyên Trưởng Văn phòng Tổng cục Du lịch tại miền Trung, người đã có nhiều đề tài nghiên cứu về các sản phẩm liên kết du lịch miền Trung, thẳng thắn nói. Theo ông, các nhà quản lý du lịch cũng đã từng ngồi lại với nhau, nhưng khi giải quyết khâu “Ai điều hành?” thì không ai chịu ai, ai cũng muốn điều hành để mang lợi về cho địa phương mình trước hết. Từ đó, liên kết vẫn được để trên giấy, hoặc nếu có, cũng khá dè dặt. Phía Công ty lữ hành Vitours, nơi đã thực hiện thành công các tour liên kết “Con đường di sản miền Trung”, Hành lang Kinh tế Đông Tây – EWEC, đưa ra ví dụ điển hình: Bộ ba nằm cạnh nhau, có lợi thế du lịch nhất là Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam mà vẫn chưa liên kết tốt. “Đó là nhóm dễ liên kết nhất mà vẫn chưa làm được, nay cộng thêm một số địa phương khác không có nhiều tiềm năng du lịch thì lại càng khó hơn”, ông Cao Trí Dũng, Giám đốc Vitours cho hay.
Thực ra, ba địa phương đã có một số hoạt động cùng nhau trong khoảng 5 năm trở lại đây như làm ấn phẩm, thực hiện các buổi giới thiệu, xúc tiến quảng bá du lịch ở nhiều nơi trong nước, với tinh thần “Ba địa phương một điểm đến”. Theo đó, mỗi địa phương lần lượt thay phiên nhau điều hành và chịu trách nhiệm chính từng năm. Nhưng hoạt động chỉ dừng lại ở đó, và chưa ai đưa ra được minh chứng cụ thể là lượng khách đến đã tăng nhờ sự phối hợp này.
Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam đã có một số hoạt động liên kết như xúc tiến quảng bá, giới thiệu điểm đến... nhưng còn nhiều hạn chế. Trong ảnh: Du khách tham quan Thánh địa Mỹ Sơn. |
30 hay 70?
“Lúc điều hành, các tổ trưởng đưa ra chương trình chung quá chậm so với kế hoạch năm của các địa phương kia, thành ra chúng tôi gặp khó khăn không ít khi bắt tay vào làm chương trình chung”, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho biết. Nguồn kinh phí cấp Sở hạn hẹp cũng là nguyên nhân khiến các bên không mặn mà liên kết. Theo ông Vinh, chỉ có địa phương liên kết mới bảo đảm được kinh phí cho ngành du lịch trong các chiến dịch liên kết.
“Mỗi địa phương có một thế mạnh và mạnh ai nấy làm chứ không đầu tư đồng bộ”, ông Việt đánh giá. Hệ quả là cộng đồng dân cư không được hưởng lợi mấy và địa phương cũng bị giảm nguồn thu. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vietravel nói rằng, các nước trong khu vực và thế giới chỉ tập trung đầu tư để lấy 30% nguồn thu trực tiếp từ du lịch, nhưng lại đưa ra những chính sách, chủ trương thu hút mạnh mẽ đầu tư vào hệ thống dịch vụ phục vụ cho du khách ngoài xã hội, nhằm tạo ra khoản thu 70% khổng lồ từ du khách mà chính người dân được hưởng và Nhà nước sẽ được hưởng theo thông qua chính sách thuế. Trong khi đó, du lịch miền Trung lại không quan tâm thấu đáo vấn đề này nên không thu hút được khách lưu trú tiêu dùng tại địa phương.
“Liên kết là xu thế tất yếu, có thể làm tăng sức mạnh toàn vùng lên 20%. Chỉ cần tháo gỡ tính địa phương, “anh” mạnh bù cho “anh” yếu thì liên kết sẽ dễ dàng”, ông Hồ Việt nhấn mạnh.
Bài và ảnh: HẰNG VANG