.

Ẩm thực ngoại ở Đà Nẵng

.
Ở Đà Nẵng hiện có khoảng trên 20 nhà hàng, khách sạn kinh doanh ẩm thực ngoại (chỉ tính những địa điểm có tính chuyên biệt). Các đơn vị này chủ yếu hoạt động độc lập theo hình thức kinh doanh tư nhân, nộp thuế cho Nhà nước.

Và theo ông Lê Tấn Thanh Tùng, Trưởng phòng Điều hành Công ty Lữ hành Vitours thì, “Điều còn thiếu bây giờ là sự liên kết giữa các đơn vị này để hình thành các khu ẩm thực có quy mô, tập trung trong các ngày lễ, ngày cuối tuần thì sức hút đối với du khách sẽ khả quan hơn. Tất nhiên đây không phải là chuyện ngày một, ngày hai và cần có sự tham mưu của các cấp chính quyền”.
 
Ngoại 80%...

Mô tả ảnh.
Tìm đến những nhà hàng ngoại để thưởng thức các món đặc sản từ các nước cũng là lựa chọn của nhiều bạn trẻ Đà Nẵng.
Đó là nhận xét của một người Singapore khi đến thưởng thức các món ăn tại nhà hàng Singapore Lioncity thuộc khách sạn Sông Thu, mới mở trên đường Trần Phú. Sales Executive của nhà hàng, anh Nguyễn Công Ngọc cho biết: “Tại nhà hàng, từ nguyên liệu cho đến công nghệ chế biến đều từ Sin, tất nhiên có qua bước trung gian là Sài Gòn. Cách bài trí nhà hàng, trang phục, thái độ phục vụ của nhân viên… đều theo phong cách Sin. Tuy nhiên, ở đây người Hoa sinh sống không đông như Sài Gòn nên đối tượng phục vụ chủ yếu vẫn là người Việt, những người thích làm phong phú khẩu vị thường ngày, hay muốn tạo một không gian đặc biệt cho người thân, những người bạn đặc biệt, những đối tác làm ăn quan trọng… do đó, phong vị món ăn phần nào đó cũng tự nhiên thích ứng với khẩu vị Việt chứ không thể 100% nguyên bản Singapore”.

Chị Trần Thị Quyên, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hàng Phì Lũ 3 cũng có chung lý giải: “Nhập gia phải tùy tục” em à, bên cạnh các món Trung Quốc, Phì Lũ còn linh động làm một số món Đà Nẵng theo nhu cầu của khách hàng. Bố chị là người gốc Hoa, nhưng ông không có ý kiến gì về điều này”.

“Một thực tế không ai phủ nhận là khách du lịch đến Đà Nẵng thường nghỉ lại khoảng một ngày đêm, nhiều lắm là hai ngày và người ta sẽ dành thời gian ngắn ngủi này để thưởng thức các đặc sản của Đà Nẵng và đương nhiên, chuyện tìm lại phong vị quê nhà trên đất khách là hơi khó. Nên đối tượng phục vụ chủ yếu của các nhà hàng ẩm thực ngoại ở Đà Nẵng nếu là người ngoại quốc thì chỉ có những người sống và làm việc lâu năm ở đây, và số này không nhiều so với tổng dân số toàn thành phố”. Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Trưởng phòng Điều hành Công ty Lữ hành Vitours nói về cái khó của các đơn vị doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực ngoại ở Đà Nẵng.

Ưu thế phong vị châu Á

Đến Đà Nẵng, người ta sẽ nghe nói nhiều về các nhà hàng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… thể hiện ưu thế đặc biệt của ẩm thực châu Á trên đất Đà thành. “Điều này cũng dễ hiểu, vì chúng ta là người châu Á, ngoài phục vụ đối tượng khách hàng lớn là người sở tại (như trên đã nói), người làm ăn và khách du lịch từ các nước châu Á đến Đà Nẵng những năm gần đây luôn chiếm số đông. Cung phải được nảy sinh từ cầu. Đó là điều tất yếu”, Trưởng phòng Điều hành Công ty Lữ hành Vitours lý giải.
Chủ nhà hàng Mr Pizza (45 Trần Phú) cho hay: “Mặc dù ở tiệm chúng tôi, các món ăn mang đặc trưng của ẩm thực Ý, nhưng khi khách hàng có nhã ý muốn thêm một vài gia vị cho hợp với thói quen ăn uống của người Việt thì mình sẽ không thấy phiền, miễn là các yêu cầu không làm thay đổi quá lớn cấu trúc và hương vị đặc trưng của nước Ý”.
 
Lê Hoàng Anh, sinh viên Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng thường dẫn bạn gái đến Mr Pizza vì ở đây đồ ăn ngon, không gian nhà hàng ấm cúng. Cũng như Hoàng Anh, mỗi người đều chọn cho mình lý do để tự “sở hữu” một nhà hàng “ruột” nào đó.

Mỗi nơi một phong cách, có thể nói, sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhà hàng, khách sạn kinh doanh ẩm thực ngoại tại Đà Nẵng trong những năm gần đây đã góp thêm những sắc màu văn hóa phong phú đến đời sống của cư dân nơi đây.

Bài và ảnh: Ngọc Dung
;
.
.
.
.
.