.

Đầu bếp các nhà hàng: Tự học là chính

.
Tròn 16 năm trong nghề bếp và từng làm việc ở 4 khách sạn lớn tại Đà Nẵng và Hội An, anh Nguyễn Văn Hóa (bếp trưởng khách sạn 5 sao Hoàng Anh Gia Lai) đúc kết ngắn gọn: “Đào tạo nghề bếp tại Việt Nam vẫn... tự đào tạo là chính”.
 
Mô tả ảnh.
Để trở thành một đầu bếp giỏi, cần phải học liên tục.
Anh cho biết, bản thân anh khởi nghề bằng cách vào TP. Hồ Chí Minh một năm chỉ học chuyên về các món ăn Âu, thế nhưng khi về làm việc tại bộ phận bánh của khách sạn Furama rất lúng túng. Rất may lúc đó tại đây có nhiều đầu bếp cả Việt lẫn Tây đều rất giỏi và sẵn sàng dạy nghề nên anh mới có thể đáp ứng công việc.
 
Tuy nhiên, việc học cũng chỉ dừng lại các loại bánh châu Âu, còn các món ăn của nước khác cũng như Việt Nam thì anh vẫn chưa biết gì. Để có thể nâng cao tay nghề thì không cách nào khác, buộc phải “nhảy” đi các khách sạn khác, lần lượt là Hội An Riverside, Hội An Pacific, cứ mỗi nơi anh có dịp được học thêm từ các đàn anh đi trước cũng như các đầu bếp người nước ngoài. Hiện nay đã có thâm niên 16 năm trong nghề và đang là bếp trưởng, anh Hóa khẳng định vẫn phải học, học liên tục, nếu không sẽ bị tụt lùi ngay. Học ở đây theo anh là học từ đồng nghiệp, từ sách báo và cả việc mạnh dạn xin khách hàng nhận xét về các món ăn mình nấu để rút kinh nghiệm cho lần sau.

Sẽ thành lập Hiệp hội nghề bếp Đà Nẵng

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng cho biết, trung tâm tham mưu và đã được lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch ủng hộ thành lập Hiệp hội nghề bếp Đà Nẵng. Dự kiến trong năm 2012, Hiệp hội sẽ ra đời và hoạt động theo mô hình của thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã làm. Hiệp hội sẽ là nơi giao lưu sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ nhau cùng phát triển nghề của mình.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho rằng: “Hiện nay, tại Đà Năng có 2 trường đào tạo nghề, trong đó có đào tạo nghề bếp là Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng và Trường dạy nghề Việt-Úc. Trung tâm chúng tôi cũng thường xuyên mở các lớp về nghề bếp, vì vậy có thể nói, nguồn nhân lực cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn không thiếu. Tuy nhiên, chúng ta đang thiếu những người có tay nghề cao”. Cũng theo anh Hóa, bây giờ những người xin vào làm bộ phận bếp đều có chứng chỉ đào tạo nghề, tuy nhiên với chứng chỉ học nghề vài ba tháng, thậm chí hơn một năm thì có thể nói là mới biết căn bản, chưa đủ sức một mình đứng bếp. Vì vậy, cái chính vẫn là tiếp tục tự học bên cạnh sự giúp đỡ của các đồng nghiệp đi trước, mới có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà hàng.

Đầu bếp nấu món ăn Việt đã hiếm, đầu bếp biết nấu món ăn Tây và nấu ngon, hợp khẩu vị của khách nước ngoài càng hiếm hơn. Ngay như nhà hàng Read of Life tại số 4 Đống Đa do bà Kathleen người Mỹ làm chủ, vốn được khách hàng nước ngoài đánh giá cao, thì tất cả đầu bếp tại đây cũng được đào tạo theo kiểu... nghề dạy nghề. Theo bà Kathleen, bản thân bà biết gì là chỉ lại cho nhân viên. Tuy nhiên, để nâng cao tay nghề cho nhân viên, bằng quan hệ cá nhân, thỉnh thoảng có vài bạn bè đến nhà hàng trực tiếp chỉ dẫn thêm cho các đầu bếp tại đây. “Trong hoàn cảnh hiện nay, chỉ có thể đào tạo theo kiểu nghề dạy nghề là chính”, bà Kathleen nhìn nhận.

Bài và ảnh: Thanh Vân
;
.
.
.
.
.