.
Doanh nghiệp du lịch:

Tìm cách thu hút nhân lực

.

Sự phát triển quá nhanh các cơ sở du lịch trong thời gian gần đây đã dẫn đến một hệ quả là các khách sạn, khu nghỉ mát thiếu nguồn nhân lực trầm trọng, và từ đây đã nảy sinh tiếp hệ lụy là các đơn vị tìm đủ mọi cách “rút ruột” nhân lực của các đơn vị khác.

Mô tả ảnh.
Lực lượng có tay nghề các trò chơi thể thao dưới nước đang thiếu trầm trọng.

 

Có thể nói, Furama Resort là “nạn nhân” điển hình nhất về tình trạng “chảy máu” nguồn nhân lực. Là một trong những khu nghỉ mát đầu tiên đạt chuẩn 5 sao tại miền Trung, Furama Resort tập trung rất nhiều công sức trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho mình. Thời gian đầu, gần như tất cả vị trí chủ chốt, các trưởng bộ phận đều do người nước ngoài đảm nhận, nhưng sau khoảng 5 năm đi vào hoạt động, dần dần các vị trí này đều do người Việt Nam đảm nhận và làm rất tốt. Thế nhưng hiện nay, số người gắn bó với đơn vị từ những ngày đầu thành lập chỉ còn vài chục người. Ước tính sơ bộ của đơn vị, trong hơn 15 năm đi vào hoạt động, Furama Resort đã có khoảng trên 400 lượt nhân viên rời đơn vị về đầu quân cho các khu nghỉ mát, khách sạn ở  Đà Nẵng và Hội An.

Theo chị N. T. K. S, một trưởng bộ phận của Furama Resort từ những ngày khu nghỉ mát này mới thành lập cho biết, nguyên nhân làm cho chị cũng như các đồng nghiệp chuyển đến nơi khác làm việc thì có rất nhiều, nhưng cái chính là thu nhập được cải thiện rõ rệt. Từ chỗ lương khởi điểm chỉ 180 USD/tháng, rồi nâng lên 400USD/tháng, nhưng chị cũng xin đi và lần lượt chuyển đến 2 khu nghỉ mát khác, hiện nay làm việc tại Palm Garden Resort ở Hội An với mức lương 800 USD/tháng.

Không riêng gì chị mà gần như hầu hết nhân viên bộ phận nhân sự trước đây đều đã rời Furama Resort và đều được bổ nhiệm vị trí cao hơn so với đơn vị cũ và dĩ nhiên mức lương cũng cao hơn nhiều. Không những ở những bộ phận đòi hỏi trình độ, mà ở các bộ phận khác chủ yếu lao động phổ thông như chăm sóc cây xanh, dọn buồng phòng... cũng liên tục mất người. Một ví dụ là trường hợp anh H.V.T, khởi đầu là một nhân viên rửa chén ở Furama Resort, qua hai lần chuyển chỗ làm, hiện nay anh đã được “lên chức” trợ lý bộ phận bếp một khu nghỉ mát ở Sơn Trà với mức lương trên 7 triệu đồng/tháng.

“Rút ruột” nhân lực theo kiểu dùng lương cao khiến chính các khách sạn, resort đã trở thành nạn nhân của nhau. Hơn 2 năm trước, L.Resort đi vào hoạt động đã “rút ruột” hàng loạt nhân viên có kinh nghiệm của các đơn vị khác, khiến các đơn vị này phải cấp tốc thông báo tuyển dụng mới. Thế nhưng mới đây, khi tiếp xúc với chúng tôi, trưởng bộ phận nhân sự của resort này đã thốt lên: “Thiếu người ở các bộ phận chủ chốt, lẫn lao động phổ thông có kinh nghiệm vì các đơn vị khác chèo kéo mạnh quá”(!?).

Trên thực tế, nhu cầu tuyển dụng nhân viên ở các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp rất cao. Các khách sạn mới như Mercure, Continental, Vina Capital… đều đến các trường có đào tạo ngành Du lịch để tìm người. Tuy nhiên, theo chị Hà Thị Vy (Phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Nghề du lịch Đà Nẵng), nơi này không thể đáp ứng được số lượng nhân viên từ 100 - 150 người cho mỗi nơi vì chưa đào tạo kịp. “Họ vẫn giữ liên lạc với chúng tôi hoặc nhờ giáo viên của trường đến liên kết đào tạo trong khoảng 1 tháng”, chị Vy cho hay. Vì lao động có chuyên môn du lịch khá khan hiếm, nên rất nhiều resort cao cấp chỉ yêu cầu trình độ ở mức trung cấp, cao đẳng và không cần quá giỏi về ngoại ngữ, bởi họ sẽ tổ chức đào tạo lại trước khi đưa nhân viên vào làm ở các bộ phận. Tuy được chọn là trường trọng điểm về quản trị resort ở miền Trung, nhưng cho đến năm 2013, trường mới bắt đầu tuyển sinh, nghĩa là phải đến 6 năm nữa, nguồn nhân lực có chuyên môn cao cho các resort mới ra “lò”.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Bắc Mỹ An, thẳng thắn nhìn vào thực trạng: “Khách sạn  này lấy người của khách sạn kia, miễn có đủ nhân viên để hoạt động. Lâu nay chúng ta chỉ lo xây dựng phần cứng, còn phần mềm là con người lại chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành Du lịch”. Ông lo ngại việc cạnh tranh, lôi kéo nhân viên gây nên việc làm giá ảo trong thị trường nhân lực, nghĩa là người lao động được “chào” giá cao không tương xứng với năng lực. “Các đơn vị nên cùng bàn bạc phương cách làm sao để cung ứng nhanh nguồn nhân lực có chất lượng cho nhu cầu thị trường thay vì đi giành giật của nhau. Phải cùng “mang lưới ra đại dương đánh con cá lớn”, thu hút thật nhiều khách về cho thị trường Đà Nẵng, chứ không thể mạnh ai nấy làm để tự kéo chất lượng nhân lực ngày một đi xuống và hệ quả là khách sẽ bỏ đi hết”, ông Vinh kết luận.

Bài và ảnh: T.S - V.H

;
.
.
.
.
.