.

Cò kéo du khách - Kỳ 2: Taxi chạy lòng vòng

.

Nhiều khách du lịch đến Đà Nẵng than phiền tài xế taxi cố tình đi vòng để kéo dài đoạn đường lấy được nhiều tiền của khách.

Mô tả ảnh.
Các du khách đến Đà Nẵng đều cần sự minh bạch về giá cả, quãng đường, hướng đi... của taxi.

Hoàng Anh thành… Hội An

Lợi dụng sự bất đồng ngôn ngữ, các tài xế biến những đoạn đường gần thành những hành trình xa mấy chục kilômét. Ông Amir Amad Mohamad, Tổng quản lý KS Hoàng Anh Gia Lai kể lại: Một khách hàng của ông đã than phiền rằng tài xế taxi trong sân bay đã cố tình hiểu sai “Hoàng Anh Hotel” (KS Hoàng Anh) thành Hội An để chở khách từ đây vô tới phố cổ khoảng 30km và lấy giá gần 2 triệu đồng, trong khi quãng đường từ sân bay đến KS chỉ khoảng 1km. 

Tương tự, chị Lê Thị Cẩm, Quản lý kinh doanh và marketing của KS  Hoàng Anh Gia Lai cho biết, một tài xế taxi đã nhờ chị can thiệp khi một du khách nước ngoài không chịu trả hơn 2 triệu đồng như trên đồng hồ, mà chỉ trả đúng 100 nghìn đồng. Nguyên do là du khách gọi taxi từ sân bay Đà Nẵng đến KS Mercue ở khu biệt thự Đảo Xanh. Tài xế “Yes, Madam” (Vâng, thưa bà), nhưng lại chở đi hết đường này tới đường khác, rồi vòng xuống Bạch Đằng... Sốt ruột, người khách bảo: “Cho xuống một KS 5 sao nào đó gần đây”, tài xế mới chở vào KS Hoàng Anh Gia Lai và đòi hơn 1 triệu đồng. Sau khi đặt phòng, cất hành lý xong xuôi, người khách mới quay ra trả 100 nghìn đồng. Tài xế nhờ chị Cẩm can thiệp, nhưng chị kiên quyết: “Tại anh cố tình chở đi vòng vòng. Vì đúng ra, nếu tới KS Mercue, họ chỉ trả cho anh vài chục nghìn đồng”.

Theo chị, đây là hai trong số không ít trường hợp mà du khách đã than phiền với KS, chưa kể nhiều tài xế taxi còn từ chối không chở khách từ sân bay đến KS Hoàng Anh Gia Lai hoặc ngược lại vì quãng đường quá ngắn.

Lắp hộp đen để quản lý tài xế taxi

Ông Võ Thành Nhân, Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn Mai Linh Bắc Trung Bộ, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng thừa nhận tình trạng chạy vòng vòng để lấy tiền cao của một số “con sâu” đã làm rầu cả “nồi canh”, dù các hãng taxi thường xuyên chấn chỉnh và nhắc nhở nhân viên. Song hiện nay, việc phát hiện vi phạm chỉ dựa vào phán đoán là chủ yếu, nên không có bằng chứng thuyết phục để xử lý triệt để. “Sắp tới, các hãng taxi sẽ lắp các hộp đen để có thể xác định rõ ràng ngày nào, giờ nào, tài xế nào phục vụ khách. Như vậy, tài xế sẽ không dám manh động và chúng tôi sẽ phục vụ khách hàng tốt hơn”, ông Nhân chia sẻ. Tuy nhiên, theo ông, chi phí lắp hộp đen sẽ rất cao, vào khoảng 2 tỷ đồng cho gần 300 chiếc taxi của đơn vị này.

Phản ánh của một số hãng lữ hành còn cho thấy, taxi “dù” cắm trong sân bay đón khách, gây phiền hà về giá cả, chất lượng phục vụ khiến nhiều du khách có ấn tượng không tốt về Đà Nẵng.

Để khách hàng của mình không gặp phiền nhiễu khi đi lại, chị Cẩm cho hay phải áp dụng chính sách đón khách tại sân bay vào bất kỳ thời điểm nào ngay khi khách gọi. Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Trưởng phòng Điều hành Công ty CP Du lịch Vitours cho biết, các hãng lữ hành thường thông báo trước cho du khách về quãng đường từ sân bay đến KS hoặc đến chỗ tập trung của đoàn, giá tiền… để du khách khỏi bị “chém”. Ông Amir khá bức xúc khi nói rằng, trong khi Đà Nẵng đang nỗ lực tạo nên một thương hiệu du lịch với sự chung tay của cả cộng đồng, thì một số tài xế taxi đã làm xấu đi hình ảnh đó.

Ông Võ Thành Nhân, Tổng Giám đốc Công ty CP tập đoàn Mai Linh Bắc Trung Bộ, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng:

Chúng tôi dự kiến, khi nhà ga mới Sân bay quốc tế Đà Nẵng hoàn thành, các hãng taxi sẽ công bố tại đây đường dây nóng của các chủ doanh nghiệp, các hướng vận chuyển khách, quãng đường, giá cả… để tạo sự minh bạch và hạn chế tối đa những tiêu cực trong việc phục vụ, đưa đón khách. Các hãng đều rất ý thức về việc xây dựng một thương hiệu bền vững không chỉ cho doanh  nghiệp mà cho cả cộng đồng taxi của Đà Nẵng.

 Bài và ảnh:  TRIÊU NHAN

;
.
.
.
.
.