Từ đầu tháng 11 đến nay, cảng Tiên Sa đã bắt đầu nhộn nhịp những chuyến tàu cập cảng. Mặc dù các sở, ban, ngành và các công ty du lịch, lữ hành chuyên khai thác tàu biển tại Đà Nẵng đang nỗ lực trong công tác cung ứng dịch vụ, song nhìn chung, các dịch vụ cho khách du lịch tàu biển vẫn còn nghèo nàn.
Nhân viên Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đón khách tại cảng Tiên Sa. |
Là một trong những công ty khai thác mạnh về du lịch tàu biển, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist - Chi nhánh Đà Nẵng ngay khi có lịch trình các tàu cập cảng tham quan đã lên kế hoạch chuẩn bị sẵn các dịch vụ như xe, hướng dẫn, điểm tham quan, nơi mua sắm, ăn uống… cho khách. Để bảo đảm cung ứng tốt các dịch vụ cho khách du lịch tàu biển, anh Huỳnh Minh Hoàng, phụ trách điều hành Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist - Chi nhánh Đà Nẵng, cho biết: “Công ty đã bố trí các phương án dự phòng để kịp thời phục vụ trong thời điểm khách đông, đồng thời chuẩn bị sẵn một bác sĩ dự phòng, trang bị túi cứu thương cho các hướng dẫn viên (HDV) để trong lúc đưa khách đi tham quan có thể xử lý nhanh các tình huống xảy ra”.
Đại diện Chi nhánh Công ty Dịch vụ Du lịch OSC (SMI) tại Huế cũng cho biết, ngoài sự chuẩn bị về đội ngũ HDV, điều động xe đưa đón, công ty cũng thông báo cách xử lý cho các HDV khi gặp một số tình huống xấu xảy ra như khách bị trượt ngã, đau bụng, say xe… Sở VH-TT&DL Đà Nẵng tổ chức các quầy thông tin và đội tình nguyện đón khách tàu biển tại khu vực phía trước Nhà hát Trưng Vương để hỗ trợ thông tin ban đầu cho khách nếu khách có nhu cầu tự do tham quan, mua sắm….
Trước mùa du lịch tàu biển, Sở cũng đã có công văn gửi các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các trường hợp vi phạm như bán hàng rong, bu bám, chèo kéo khách du lịch… Những việc làm trên đã tạo được sự thân thiện cho du khách, không những thế, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại các điểm tham quan, khu mua sắm. Tuy vậy, nhìn chung các dịch vụ phục vụ khách du lịch tàu biển vẫn chưa tương xứng, một phần do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, hiện đại, các sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa dạng, sản phẩm lưu niệm ít ỏi, đơn điệu, không đặc trưng, không hấp dẫn…
Du lịch tàu biển là loại hình du lịch hạng sang, vì vậy, du khách mong muốn được hưởng các dịch vụ chất lượng cao, có xe vận chuyển tốt, đội ngũ hướng dẫn viên giỏi và có những nơi tham quan, mua sắm lý tưởng. Nhưng hầu hết, các cảng mà tàu cập bến do là cảng bốc xếp hàng hóa nên đều chung tình trạng thiếu các dịch vụ phục vụ khách du lịch tàu biển: Các bến bãi đỗ chưa đạt tiêu chuẩn, vệ sinh môi trường chưa tốt, nhà vệ sinh ít ỏi, nhỏ hẹp; đội ngũ HDV vẫn còn thiếu; chất lượng xe chưa được đồng bộ…
Phải nói rằng, các cơ quan chức năng và các công ty khai thác tàu biển những năm gần đây rất nỗ lực trong công tác chuẩn bị các dịch vụ tốt nhất cho du khách, song không chỉ miền Trung, mà ngay trong cả nước, chất lượng dịch vụ cũng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu du khách. Tại Đà Nẵng, sau khi tàu cập cảng Tiên Sa, du khách thường lên bờ và đi tham quan thành phố, chợ Hàn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bán đảo Sơn Trà, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn… Hoặc sau khi cập cảng Chân Mây (Thừa Thiên-Huế), khách có thể đi tham quan Đại Nội, chùa Thiên Mụ, lăng Minh Mạng, Tranh thêu XQ, ăn cơm Cung đình… nhưng do những điểm đến này chỉ có hệ thống buôn bán nhỏ lẻ, các quầy hàng lưu niệm ít ỏi, không tập trung khiến khách du lịch tàu biển không “tiêu tiền” được.
Trong 10 tháng của năm 2011, đã có 43 tàu du lịch cập cảng Đà Nẵng với hơn 12.000 du khách và hơn 9.000 thuyền viên. Dự kiến 2 tháng cuối năm sẽ có 19 tàu du lịch cập cảng Đà Nẵng với hơn 18.000 du khách. Đây là con số đáng ghi nhận về khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng trong thời gian qua. Tuy nhiên, để Đà Nẵng thực sự là điểm đến hấp dẫn cho những chuyến tàu biển, thành phố và các doanh nghiệp du lịch cần quan tâm và có sự đầu tư phù hợp, nhất là du lịch tàu biển để ngành du lịch ngày càng thu hút nhiều khách quốc tế đến với Đà Nẵng và miền Trung.
Bài và ảnh: Thanh Tình