.

Thiếu xe phục vụ

.
Từ những chuyến tàu du lịch đầu tiên cập cảng Tiên Sa chủ yếu mang tính thăm dò cách đây ít năm, hiện nay Đà Nẵng đã trở thành điểm đến thường xuyên  của các hãng tàu du lịch lớn nổi tiếng  trên thế giới như Star Cruises, Eurora, Costa Anllera...
 
Mô tả ảnh.
Xe du lịch dưới 29 chỗ ngồi rất nhiều, còn xe 45 chỗ ngồi trở lên rất ít.
 
Đây là một tín hiệu vui cho ngành du lịch thành phố. Tuy nhiên, các đơn vị du lịch đang gặp khá nhiều khó khăn trong việc huy động số lượng lớn xe 45 chỗ ngồi phục vụ các đoàn đi thăm danh lam thắng cảnh của thành phố, Quảng Nam và Huế.

 Thống kê từ Sở Giao thông-Vận tải cho biết, hiện nay có 276  doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động vận tải hành khách dưới dạng hợp đồng, xe du lịch, với tổng số 1.038 đầu phương tiện. Nếu so với thời điểm khoảng 3 năm trước, số DN và đầu xe đều tăng gần gấp đôi. Mặc dù số đầu xe tăng nhanh như vậy nhưng chủ yếu là tăng các loại xe nhỏ từ 25 ghế trở xuống, còn số xe từ 29 ghế trở lên chỉ có 176 chiếc, riêng xe 45 chỗ ngồi lại càng ít hơn với khoảng 50 xe. Số lượng xe 45 chỗ ngồi đã ít như vậy, nhưng số xe đủ tiêu chuẩn phục vụ chở khách của các tàu du lịch biển lại càng ít hơn, do yêu cầu đưa ra từ các đoàn khách này rất cao. Theo ông Bùi Thanh Thiện, Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở Giao thông-Vận tải, chính việc này khiến cho Sở luôn gặp khó khăn mỗi khi cần huy động số lượng lớn xe có 45 ghế trở lên để phục vụ các hoạt động lớn của thành phố, cũng như đón các đoàn tàu du lịch biển.

Còn ông Hồ Văn Tùng, Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Hải Vân cho rằng, vận chuyển khách các tàu du lịch biển đang rơi vào tình cảnh vừa thừa vừa thiếu. Ông cho biết: “Như đơn vị tôi trước đây chỉ có vài xe chở khách du lịch 45 chỗ ngồi, do nhu cầu thực tế, đơn vị đã mua thêm và nay có 12 chiếc. Tuy nhiên, để 12 xe này có “việc làm” quanh năm là cả một cố gắng. Do trung bình mỗi tuần chỉ có 1 tàu du lịch cập bến, mỗi lúc như vậy không đủ xe chạy, nhưng những ngày khác lại không có khách. Để giải quyết bài toán này, nhiều năm qua, DN đã chủ động liên hệ với cảng Chân Mây của Thừa Thiên-Huế để nhận hợp đồng vận chuyển khách tàu biển. Cố gắng là như vậy nhưng mùa hoạt động cao điểm chỉ kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau, còn lại những tháng khác rất khó khăn”.

Chính khó khăn này mà khi trao đổi với chúng tôi, nhiều DN cho biết chưa dám “nhảy” vào lĩnh vực vận tải du lịch tàu biển, cho dù lĩnh vực này đang rất tiềm năng. Ông Trần Đoan, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ hỗ trợ ô-tô vận tải và xe du lịch thì phân tích kỹ hơn: “Với xe 45 chỗ chở khách bình thường thì chỉ cần đầu tư khoảng từ 1 đến 1,2 tỷ đồng là được, trong khi cũng xe 45 chỗ phục vụ chở khách tàu du lịch biển thì phải là dòng xe có giá trị từ 2 tỷ đồng trở lên. Với lãi suất ngân hàng hiện nay là 1,3%/tháng thì số ngày chạy trong tháng phải trên 20 ngày mới không lỗ, trong khi đó, xe chở khách du lịch tàu biển giỏi lắm mỗi tháng chạy được 5-10 ngày, như vậy lỗ là cái chắc”.

Trong 2 tháng cuối năm này, theo lịch trình đã đăng ký sẽ có 19 tàu du lịch nữa cập cảng Tiên Sa với hơn 18 ngàn du khách. Những con số này cho thấy khách du lịch tàu biển đang là một thế mạnh đầy tiềm năng của Đà Nẵng, chính vì vậy bài toán đặt ra là làm sao phát triển thêm nhiều xe du lịch 45 chỗ ngồi? Trước mắt vẫn là tiếp tục cách huy động hỗ trợ từ các DN ở Huế và Hội An, tuy nhiên về lâu dài, các DN rất cần sự hỗ trợ của thành phố về lãi suất ngân hàng, có như vậy ngành du lịch mới chủ động được xe phục vụ tàu biển nói riêng và công tác vận tải hành khách nói chung.

Bài và ảnh: Thanh Vân
;
.
.
.
.
.