Trong lúc các cấp, các ngành của Đà Nẵng ra quân quyết liệt dẹp nạn hàng rong, lang thang ăn xin, ăn xin biến tướng, tình trạng hàng rong chèo kéo du khách lại tái diễn.
Hàng rong bu bám khách trên đỉnh đèo Hải Vân. Ảnh: K.NGÂN |
Tung hoành ở đỉnh đèo
Tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, việc quản lý tình trạng hàng rong bu bám khách được siết chặt nhưng tại đèo Hải Vân (quận Liên Chiểu), công tác này dường như bị bỏ ngỏ. Hải Vân quan vốn trở thành một trong những điểm tham quan khá hấp dẫn sau khi hầm đường bộ Hải Vân được đưa vào sử dụng. Cũng vì thế, đội quân hàng rong ngày càng hoạt động công khai, bát nháo, nhiều lúc gây nên nỗi khiếp sợ với du khách.
Một ngày cuối tháng 3, tại đỉnh đèo Hải Vân, khá nhiều xe du lịch dừng lại bên đèo để khách ngắm cảnh. Một chiếc vừa dừng bánh, lập tức gần 30 người, trên tay nào giỏ, nào mẹt hàng ăn uống, nào hàng lưu niệm… bám sát. Một khung cảnh tranh giành hỗn loạn diễn ra... “Tao chọn bà mặc váy đỏ rồi đấy nhé!”, một phụ nữ đứng tuổi hét lên. “Còn lâu, tao thấy trước mà!”, một người đàn ông cãi lại. Tranh thủ lúc hai người cự cãi, một cậu bé nhỏ thó chen lên, mời chào bằng mấy câu tiếng Anh “bồi”. Vậy là cuộc “hỗn chiến” lại diễn ra khiến nhiều du khách lắc đầu ngán ngẩm.
Đội quân bán hàng rong sau khi “chấm” được “con mồi” liền đeo bám tới cùng, bất kể khách tây hay ta bằng những lời chào mời. Vài người khách nước ngoài tỏ vẻ bất bình nhưng cũng miễn cưỡng mua hàng để được yên thân. Một vị khách tách được ra khỏi đám đông chen lấn hỗn loạn thì tranh thủ chạy lên đỉnh đèo chụp ảnh, lập tức một thanh niên trông thấy liền bám theo. Vị khách phàn nàn rồi miễn cưỡng mua vài món hàng lưu niệm để không bị người thanh niên quấy rầy nữa. Những mặt hàng lưu niệm, đồ ăn được đội quân này “hét” giá cao hơn gấp 2-3 lần bình thường. Một chiếc xe du lịch khác cũng vừa trờ tới, cả đám lại nhanh chóng chuyển mục tiêu, lập tức tuôn ra một tràng tiếng Anh “bồi” với những du khách nước ngoài. Một cuộc tranh giành mới lại bắt đầu. Các mẹt hàng cứ vơi dần trong sự khó chịu, lo sợ từ phía du khách. Một vài chiếc xe thấy vậy không dừng lại như dự định mà chạy thẳng xuống chân đèo.
Thấy chúng tôi chụp ảnh, một thanh niên hù dọa: “Chụp cái gì mà chụp! Có muốn ăn đòn không? Định làm mất mối làm ăn của tụi tao hả”. Chủ một quầy hàng lưu niệm ở đây cho biết: “Lực lượng chức năng cũng đã lên kiểm tra, nhưng rồi khi đoàn quay đi thì đâu lại vào đấy. Đội quân này bu bám dữ quá khiến du khách không dám vào mua hàng của chúng tôi. Bọn chúng dữ dằn lắm”.
Xử lý dứt điểm?
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho biết: “Chúng tôi biết việc những người bán hàng rong chèo kéo khách trên đỉnh đèo và đã phối hợp với lực lượng Biên phòng kiểm tra, nhắc nhở. Hiện có 3 chiến sĩ Biên phòng túc trực trên đỉnh đèo để làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, lực lượng bán hàng rong quá đông, khách du lịch đến nhiều và đi theo từng nhóm nhỏ nên khó kiểm soát hết. Chúng tôi đang đề nghị chính quyền thành phố công nhận đèo Hải Vân thành điểm du lịch và quận Liên Chiểu nhận quản lý. Khi đó sẽ dễ dàng hơn để có thể treo bảng cấm hàng rong, cấp bảng tên, đồng phục, ra quân siết chặt việc kiểm tra để hạn chế tình trạng này, đồng thời phối hợp với tỉnh Thừa Thiên-Huế, bởi có nhiều đối tượng ở bên kia đèo đến đây hoạt động”.
Một trường hợp lợi dụng người khuyết tật để ăn xin trên đường Nguyễn Văn Linh vừa bị phát hiện. |
Ngoài điểm nóng là đỉnh đèo Hải Vân, các bãi tắm dọc tuyến đường Hoàng Sa-Trường Sa, Nguyễn Tất Thành cũng xuất hiện hàng rong chèo kéo khách, nhưng số đối tượng này đi rải rác chứ không theo nhóm. Bà Trịnh Thị Phương, chủ một quán nhậu trên đường Nguyễn Tất Thành, cho biết: “Cứ khoảng 17 giờ trở đi là nhiều phụ nữ với các mẹt hàng bắp luộc, đậu phụng, trứng cút xuất hiện nài nỉ khách. Chúng tôi ngăn cản nhưng họ vẫn tiếp tục bu bám khách”.
Theo quan sát của phóng viên Báo Đà Nẵng, sau hơn một tháng Sở LĐ-TB&XH triển khai đợt cao điểm ra quân xử lý, tình trạng ăn xin, ăn xin biến tướng, bán hàng rong, lang thang đánh giày trên địa bàn thành phố giảm hẳn, nhất là ở những nơi trước đây là điểm nóng như: Chùa Bát Nhã, Chùa Linh Ứng… Thông tin từ Sở LĐ-TB&XH cho hay, cơ quan chức năng đã nhắc nhở, cảnh cáo 188 trường hợp bán hàng rong không đúng nơi quy định, sử dụng người khuyết tật để bán hàng, trong đó cảnh cáo 60 trường hợp, vận động 128 trường hợp buộc trở về địa phương nơi cư trú. Đồng thời, phối hợp đội kiểm tra của các quận, huyện, xã, phường tập trung 52 trường hợp lang thang xin ăn và xin ăn biến tướng vào Trung tâm Bảo trợ xã hội. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Hiện có gần 500 cơ sở kinh doanh ký cam kết phối hợp với chính quyền địa phương giữ gìn an ninh trật tự. Tuy nhiên, việc lợi dụng bán hàng rong để chèo kéo khách, ăn xin trá hình rất khó phát hiện và xử lý”.
K.NGÂN - N.H