Dịp lễ hội pháo hoa và lễ 30-4, 1-5 vừa qua đánh dấu sự xuất hiện của nhiều sản phẩm lưu niệm “made in Danang” tại các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm trên đường Bạch Đằng. Song, các mẫu thuyền gỗ, đá, áo phông… mang đặc trưng Đà Nẵng chưa thật sự “hút” hàng.
Những tác phẩm đá đẹp nhưng có giá cao nên chưa được khách du lịch nội địa chọn mua. |
Sau khi nghiên cứu thị trường tại Đà Nẵng và các địa phương lân cận như Hội An, Huế…, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Danaland, đơn vị đăng cai quầy bán hàng lưu niệm ở vỉa hè đường Bạch Đằng quyết định cho ra đời các mô hình tàu thuyền đánh cá bằng gỗ, thuyền cổ châu Âu, du thuyền hiện đại và các “phụ kiện” khác trong ngành hàng hải như hải đăng, bánh lái…, phù hợp với thế mạnh về du lịch biển Đà Nẵng. Chị Tưởng Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Danaland cho hay, các sản phẩm này được bán 2 tháng nay và nhân dịp lễ hội pháo hoa mới giới thiệu rộng rãi với du khách trong và ngoài nước. Được ưa chuộng nhất vẫn là những sản phẩm có giá bình dân từ 120.000 - 250.000 đồng/sản phẩm. Sự yêu thích của khách du lịch đối với dòng sản phẩm trên khiến doanh thu của đơn vị “nhỉnh” hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu là thu để bù các chi phí về mặt bằng, nhân lực trong mấy ngày lễ hội.
Hội Sinh vật cảnh Đà Nẵng cũng tự hào khi trưng bày hàng trăm sản phẩm đá “tuyệt chiêu” của mình, bao gồm những phiến đá trầm tích tạo hình lấy từ vùng đất Duy Xuyên, Quảng Nam với độ cứng và màu sắc khác biệt hẳn với đá của các vùng khác trên toàn quốc. Ông Ngô Văn Hà, một hội viên nói rằng, hội chơi đá của Đà Nẵng nổi tiếng cả nước về giá trị đá và tính nghệ thuật. Những tác phẩm mang tên Thiền sư, E ấp, Non hồ, Trúc hóa long, Dáng Việt… có khi giá lên tới 150 triệu đồng/tác phẩm. Theo ông Hà, tác phẩm đá có giá trị cao, nên chủ yếu được khách châu Âu, châu Mỹ mua trực tiếp hoặc đặt hàng từ xa, còn khách nội địa dù thích nhưng vẫn không dám mạnh tay chi tiền.
Những chiếc áo phông, hộp đồ chơi mang hình những chú voọc chà vá chân nâu của bán đảo Sơn Trà là những sản phẩm lưu niệm không mới nhưng cũng mang tính riêng của Đà Nẵng do CLB Yêu thiên nhiên và môi trường TP. Đà Nẵng bày bán, nhằm khuyến khích cư dân, du khách tham gia bảo vệ loài vật quý hiếm này. Theo anh Trần Hữu Vỹ, hội viên CLB, 500 sản phẩm đã được bán ra và gian hàng cũng thu hút rất nhiều du khách đến tìm hiểu về voọc. Số tiền bán hàng sẽ được CLB dùng để triển khai chiến dịch thu gom rác tại bán đảo Sơn Trà, đưa học sinh một trường tiểu học đi tham quan và giáo dục về bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, thực hiện chiến dịch truyền thông về môi trường…
Tuy nhiên, thông tin từ các gian hàng cho biết, lượng mua vẫn khá thấp nếu so với lượng khách đến Đà Nẵng trong dịp lễ hội. Theo anh Vỹ, tâm lý chung là du khách vẫn thích mua những đặc sản có thể ăn được để làm quà biếu, hơn là mua các mẫu hình, sản phẩm tượng trưng. Ngoài ra, giá cả cao đối với các sản phẩm đá; mẫu áo, mũ chưa phong phú là những rào cản khiến nhiều du khách chưa mặn mà với hàng lưu niệm Đà Nẵng. “Cần có sự hỗ trợ, kết nối với các hãng lữ hành để đưa du khách tới nhiều hơn, mới mong phát triển được các sản phẩm này”, chị Ngọc kết luận.
Bài và ảnh: HẰNG VANG