.

Tập trung đón khách Nga

.

 Đà Nẵng đang trở thành tâm điểm của thị trường du khách Nga, nhất là sau khi đường bay thuê bao trực tiếp Nga-Đà Nẵng khai trương đầu tháng 5. Tuy nhiên, vì tiếng Nga là tiếng “hiếm”, nên các đơn vị du lịch đang tăng cường tuyển nhân viên, đào tạo nhân lực nhanh để cung cấp cho thị trường này.

Du khách Nga đến Đà Nẵng ngày càng nhiều.
Du khách Nga đến Đà Nẵng ngày càng nhiều.

Gấp rút đào tạo tiếng Nga

Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc điều hành khách sạn (KS) Varna, việc không có lễ tân biết tiếng Nga đã khiến việc giao dịch với khách Nga trở nên khó khăn. Trong đoàn khách thường chỉ có 1-2 người biết một chút tiếng Anh, nên nhân viên KS cũng khó có thể hiểu toàn vẹn nội dung mà khách Nga yêu cầu. Ông Tuấn đang chọn lựa một trong những ứng viên biết tiếng Nga nộp hồ sơ vào KS. “Những người này thường sống ở Nga nhiều năm, hoặc tốt nghiệp ngành tiếng Nga từ ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng. Trong khoảng từ nay đến tháng 10, lượng khách Nga thường xuyên đến theo các đường bay thuê bao, ở lại KS từ 3-7 ngày. Trong tương lai, thị trường khách này sẽ đến Đà Nẵng ngày càng nhiều, việc tuyển nhân viên biết tiếng Nga ở KS chúng tôi trở nên hết sức cần thiết”, ông nói.

Còn ông Phan Đình Sơn, Trưởng phòng Điều hành Công ty Ánh Dương, đơn vị duy nhất khai thác khách Nga trên các chuyến bay thuê bao trực tiếp từ Nga sang Đà Nẵng cho hay, với 12 hướng dẫn viên (HDV) chính thức theo đoàn, cùng khoảng 15 HDV thuyết minh tại điểm, đón tiễn, hỗ trợ khách tại sân bay và KS, đơn vị vẫn thiếu khoảng 30% lượng HDV tiếng Nga dành cho số khách đi theo từng chuyến bay. “Trung bình mỗi ngày chúng tôi bán ra 10 chương trình tour, phải cần tới 10 HDV. Nhưng nếu nhóm khách cao cấp chỉ muốn đi theo nhóm 1-3 người thì chúng tôi sẽ thiếu người ngay”. Bởi vậy ông Sơn cho rằng, Đà Nẵng cần phải chú tâm đào tạo nguồn nhân lực qua các lớp bồi dưỡng giao tiếp nhanh, nhất là nhân viên tại các KS trực tiếp liên quan đến nhu cầu ăn nghỉ của du khách.

 Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đã làm việc với Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng về việc đào tạo nhân lực lâu dài để đáp ứng tốt cho thị trường này. Dự đoán trước sự sôi động của thị trường Nga, ngay từ nửa năm trước, các khu nghỉ dưỡng ven biển cao cấp như Vinpearl Luxury, Hyatt Regency… đã chủ động thu hút nhân lực thạo tiếng Nga và tiến hành huấn luyện các kỹ năng làm việc.

Ngày càng nhiều du khách Nga đến Đà Nẵng

Đà Nẵng đang là tiêu điểm đối với khách Nga, đặc biệt là luồng khách đi theo các chuyến bay thuê bao từ đầu tháng 5 đến nay. Ông Phan Đình Sơn cho biết, theo kế hoạch trước khi lên máy bay, có đến 65% số khách muốn đi du lịch Hội An. Nhưng sau đó đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ: Phân nửa số khách tham quan và lưu trú tại Đà Nẵng tối thiểu là 11 đêm, tối đa là 13 đêm. Nguyên nhân được giải thích là do thị trường Đà Nẵng gần đây đã có tiếng, nhiều điểm vui chơi, mua sắm hơn, và thuận tiện cho việc đi lại, tham quan…

Lưu trú tại Đà Nẵng, du khách Nga tham gia các chương trình tour chủ yếu đi Bà Nà Hills, bán đảo Sơn Trà, danh thắng Ngũ Hành Sơn, suối khoáng nóng Phước Nhơn và mua sắm ở chợ Hàn, đường Hùng Vương. Theo ông Sơn, Đà Nẵng được gần 300 khách vừa trở về Nga đánh giá là “có chương trình tham quan hấp dẫn, phong phú so với Phan Thiết và Nha Trang”. Vì vậy, Đà Nẵng cần tăng cường, nâng cao việc bảo dưỡng dịch vụ biển, các khu vệ sinh và giữ gìn an ninh trật tự để giữ nguồn khách lâu dài.

Ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP du lịch Vitours cũng nhận định: “Đà Nẵng là điểm đến mới trong khu vực Đông Nam Á, và gần hơn Bali, Phukhet, Singapore… Hơn hết, Đà Nẵng và miền Trung có bờ biển đẹp, hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, cơ sở hạ tầng khá tốt là cơ sở để phát triển mạnh mẽ thị trường khách Nga trong tương lai”. Ông cho hay, xác định Nga là một thị trường trọng điểm, Vitours cũng đang tập trung nguồn lực để khai thác.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.