.

Trải nghiệm cùng dù bay

.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Hải (ảnh), đại diện Công ty Airea - Nhật Bản, một trong những đơn vị tư vấn Cuộc thi Dù bay quốc tế Đà Nẵng 2012, cho biết khán giả sẽ được thưởng thức những màn biểu diễn hấp dẫn, độc đáo.

Cuộc thi Dù bay quốc tế mang chủ đề “Đà Nẵng tầm cao mới” sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 27-5 tới.

* Lịch sử dù bay trên thế giới như thế nào, thưa ông?

ông Nguyễn Bá Hải (ảnh), đại diện Công ty Airea - Nhật Bản, một trong những đơn vị tư vấn Cuộc thi Dù bay quốc tế Đà Nẵng 2012
ông Nguyễn Bá Hải (ảnh), đại diện Công ty Airea - Nhật Bản, một trong những đơn vị tư vấn Cuộc thi Dù bay quốc tế Đà Nẵng 2012

- Năm 1954, Walter Neumark cho rằng có thể cất cánh bằng chân khi chạy trên một con dốc với đôi cánh bằng vải. Sau đó, một vài vận động viên (VĐV) leo núi đã dùng cách này để lao xuống núi cho nhanh thay vì leo tại dãy núi Anpơ của Thụy Sĩ.

Năm 1961, kỹ sư người Pháp Pierre Lemoigne cải tiến chiếc dù của lính dù (para-commander) bằng cách cắt bớt một phần phía trước và bên hông của một dù tròn, có thể kéo lên cao nhờ dây thừng, ngày nay được gọi là dù kéo (parasailing).

Năm 1964, Domina Jalbert - một người Mỹ phát minh ra chiếc dù vuông thể thao mà ngày nay các VĐV môn rơi tự do vẫn dùng. Khi bay, dù căng lên giữ biên dạng cho cánh dù tương tự biên dạng cánh máy bay, được gọi là dù vuông thể thao “parafoil”. Các loại dù sau này dùng phương pháp bơm căng bằng không khí như vậy gọi là loại dù “Ram air” (dù không khí).

Từ những năm 1960, dù lượn đã phát triển hệ thống treo phức tạp hơn và hệ thống lái giúp điều khiển thay vì phụ thuộc vào luồng gió. Song, tất cả các loại dù này đều dựa trên thiết kế ban đầu của Jalbert. Dần dần dù lượn thu hút được rất nhiều người quan tâm, tham gia và trở thành môn thể thao cuốn hút.

* Trên thế giới, bộ môn này hiện phát triển như thế nào?

- Tại nhiều nước trên thế giới, thể thao hàng không rất được ưa chuộng. Dù bay (Paramotor) có gắn động cơ trên cơ sở phát triển của dù lượn là môn thể thao hàng không rất lý thú và thông dụng, được xếp vào một trong bộ môn chính thức thi đấu, biểu diễn trong các giải thi đấu quốc tế của Liên đoàn Thể thao Hàng không thế giới.

* Cấu tạo và cách điều khiển dù bay ra sao?

- Gọi là dù nhưng không phải là dù theo nghĩa một vòm dù làm giảm tốc độ rơi của người nhảy dù. Với dù bay, vòm dù thực chất là đôi cánh mềm có dạng khí động học tạo ra lực nâng như cánh máy bay khi di chuyển trong không khí. Dù bay là một trong những cách đơn giản nhất để con người có thể bay lên được. Khi cất cánh, người bay phải chạy lấy đà để cánh dù căng phồng lên nhờ gió và sau đó tăng ga để tăng tốc độ và lấy độ cao. Để lái dù bay, có hai dây lái nối từ mép sau vòm dù đến tay người lái, khi cần chuyển hướng về phía nào, người lái kéo dây phía đó. Khi cần giảm tốc độ thì kéo hai dây cùng một lúc.

Hệ thống đai ngồi giúp phi công có thể ngồi thoải mái hàng giờ để bay lượn. Với dù bay, người bay cũng có thể lựa theo các dòng không khí nóng để lấy độ cao cả ngàn mét và bay xa hàng trăm ki-lô-mét. Trong trường hợp không có các luồng khí nóng hỗ trợ, với động cơ, VĐV vẫn có thể bay rất cao và xa tùy theo lượng nhiên liệu mang theo. Với việc gắn động cơ, dù bay đã trở thành tàu bay siêu nhẹ để đưa con người bay lên bầu trời. Động cơ có thể được tắt hay khởi động trong suốt quá trình bay.

Dù bay là môn thể thao khá mới mẻ ở Việt Nam.
Dù bay là môn thể thao khá mới mẻ ở Việt Nam.

* Các hình thức thi đấu và biểu diễn dù bay trong các giải quốc tế của Liên đoàn Thể thao Hàng không thế giới?

- Các hình thức thi đấu thường được tổ chức cho dù bay như: bay việt dã, bay lượn tránh chướng ngại vật, bay và đáp chính xác, bay nhào lộn. Ngoài ra, dù bay còn được ứng dụng vào công tác tuần tra, cứu hộ, nghiên cứu khoa học… Chẳng hạn, trong trận động đất và sóng thần lớn xảy ra tại khu vực phía Bắc Nhật Bản vào tháng 3-2011, nhiều VĐV dù bay cũng đã tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn.

* Tại cuộc thi dù bay quốc tế Đà Nẵng 2012 sẽ thi đấu những nội dung nào?

- Có 4 nội dung thi đấu: bay tốc độ, bay lượn tránh chướng ngại vật, bay đội hình và bay cứu hộ. Cuộc thi hứa hẹn mang đến cho khán giả những màn biểu diễn hấp dẫn, độc đáo. Sức hút của cuộc thi chính là du khách sẽ cảm nhận về những cánh dù đa màu sắc chao lượn trên bầu trời và thỏa mãn ước muốn được bay lên của con người. Du khách còn có cơ hội cùng bay trải nghiệm với những VĐV quốc tế với chi phí khoảng 1,3 triệu đồng/người/lượt.

* Trong số 25 VĐV đến từ các nước Nhật Bản, Pháp, Hoa Kỳ và Ba Lan, duy nhất có một VĐV nữ?

- Đó là Emilia Plak, VĐV người Ba Lan, một trong các phi công nữ đầu tiên trên thế giới thí điểm bộ môn paramotor (dù bay có động cơ). Chiến thắng gần đây của cô trong bộ môn này là vô địch thế giới năm 2009 tại Cộng hòa Czech.

* Hiện nay, ở Việt Nam, bộ môn dù bay phát triển như thế nào?

- Dù bay là môn thể thao khá mới mẻ ở Việt Nam, rất phù hợp cho các bạn muốn tự do bay lượn trên không trung. Tuy nhiên, việc chơi dù bay ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn, như trang thiết bị tốn kém (khoảng 3.000 - 7.000 USD/bộ thiết bị cơ bản), số lượng người chơi ít, chưa có trường lớp đào tạo cơ bản...

* Xin cảm ơn ông!

VĂN NỞ thực hiện

;
.
.
.
.
.