Trong tác phẩm “Rượu trắng Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa” thì rượu Hồng Đào (Quảng Nam) được đề cập như một trong những loại rượu nổi tiếng của Việt Nam, ngay hàng rượu Làng Vân (Bắc Ninh), rượu Bầu Đá (Bình Định)… Người đất Quảng luôn tự hào về sản phẩm này, niềm tự hào ấy được thể hiện qua câu ca dao nổi tiếng “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm, rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say”.
Lò bát quái dùng để nấu rượu Hồng Đào (ảnh trái) và một loại rượu Hồng Đào được người tiêu dùng ưa chuộng (ảnh phải). |
Gần hai chục năm nay, Công ty TNHH Thực phẩm Minh Anh đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền để sản xuất, kinh doanh rượu Hồng Đào trên phạm vi cả nước và thế giới. Thời kỳ cực thịnh, công ty đã có tới hàng chục đại lý bán sản phẩm này tại thành phố Hồ Chí Minh - nơi tiêu thụ số lượng rượu Hồng Đào lớn nhất, chiếm tới 50% sản phẩm công ty, với 3 loại rượu mang nhãn hiệu Hồng Đào Tằm Công Tử, Hồng Đào Tứ Quý, Hồng Đào Linh Chi.
Lãnh đạo Công ty TNHH Thực phẩm Minh Anh cho biết: nguồn gốc và quy trình nấu rượu Hồng Đào như sau: Lúa để nấu rượu Hồng Đào phải là lúa mới gặt chưa quá 100 ngày, được xay trong các cối xay bằng tre để bóc vỏ trấu, hạt gạo còn màu trắng đục ngà xanh của vỏ cám. Trong đó, lúa Nếp Hồng trồng ở khu vực Bà Rén là ngon nhất. Hạt cơm nấu từ gạo này để làm rượu không được nở to, bề mặt hạt cơm trơn bóng. Sau khi để nguội, trộn với một ít men lá (người vùng cao hiện nay vẫn dùng sản xuất rượu cần) và ủ trong những chum sành khoảng một tuần sau mới đem chưng cất. Men rượu tự nhiên trong lá sẽ chuyển cơm thành rượu (lên men) có mùi thơm nồng đượm, đặc trưng của mùi gạo lúa mới còn nguyên cám. Sau đó ủ tiếp rượu mới cất với quả đào chín thái mỏng trong các chum sành và chôn cả chum rượu dưới đất. Sau hơn 100 ngày mới đào lên, rượu Hồng Đào lúc này có màu hồng đỏ óng ánh và mùi thơm rất quyến rũ.
Tuân thủ quy trình nấu rượu như trên, Công ty Minh Anh đã có cải tiến, xây dựng công nghệ nấu rượu mang tính công nghiệp, nhằm nâng cao sản lượng. Năm 2003, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng nhãn hiệu độc quyền rượu Hồng Đào cho Công ty Minh Anh. Công ty đang lập kế hoạch quy hoạch các vùng trồng lúa nếp Bà Rén tại địa bàn các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Núi Thành, Thăng Bình (Quảng Nam) để tạo thành vùng sản xuất, cung cấp nguyên liệu cho công ty và tạo việc làm cho người dân nông thôn, song do gặp một số khó khăn khách quan nên dự án này chưa được triển khai. Thêm vào đó là khâu quảng bá, đầu tư thiết bị hiện còn hạn chế… nên rượu Hồng Đào chưa trở thành mặt hàng lưu niệm cho du khách khi đến Quảng Nam, Đà Nẵng. Vài năm gần đây, Công ty Minh Anh chỉ sản xuất mặt hàng này vào dịp Tết âm lịch với số lượng không nhiều.
Việc làm của Công ty Minh Anh nhằm phát triển một mặt hàng nổi tiếng như rượu Hồng Đào rất đáng trân trọng. Nếu được đầu tư thích đáng, rượu Hồng Đào rất có triển vọng để trở thành mặt hàng lưu niệm cho khách du lịch trong tương lai.
ĐỨC THỊNH