.

Sản phẩm lưu niệm: Giá cao vì trung gian

.

Bài 1: Nhìn mặt đặt giá!

Tùy vào đối tượng khách, tùy mức chi hoa hồng cho những trung gian đưa khách tới, các cơ sở sản xuất và kinh doanh hàng đá mỹ nghệ ở Ngũ Hành Sơn có cách bán với nhiều mức giá khác nhau. Chính số tiền chi trà nước, phần trăm… đã khiến giá sản phẩm lưu niệm bằng đá bị đội lên cao hơn nhiều so với giá trị thật.

Thật khó để định giá thật của sản phẩm đá mỹ nghệ bằng mắt thường.
Thật khó để định giá thật của sản phẩm đá mỹ nghệ bằng mắt thường.

Sẵn sàng chi 20% trên hóa đơn

Trên đường chở chúng tôi từ Hội An về Đà Nẵng theo cung đường Trường Sa, tài xế L. (*) của một hãng taxi tại Đà Nẵng cứ nài nỉ chúng tôi vào cơ sở điêu khắc đá X. Tài xế này nói: “Mấy chị chỉ cần vô đứng chơi là tụi em có 200.000 đồng rồi. Nếu chị mua hàng, em được thêm 10% trên giá trị hóa đơn”. Cũng theo hướng dẫn viên V.L.Đ thuộc Công ty CP du lịch V., hầu hết các xe đi du lịch Ngũ Hành Sơn và Hội An đều ghé các “trạm” là các cơ sở đá mỹ nghệ dọc đường. Mỗi xe đều được trả tiền “trà nước” từ 100.000-200.000 đồng/lần và lái xe, hướng dẫn viên đưa khách tới đều nhận được mỗi người 10% tổng giá trị hàng bán ra.

Trong vai là những người mới thành lập công ty du lịch và có người quen ở nước ngoài, muốn tìm “mối” để dẫn khách tới, chúng tôi đến một số cơ sở sản xuất và kinh doanh đá Non Nước trên đường Huyền Trân Công Chúa và Trường Sa. Tại cơ sở N.H, nhân viên tên P. quả quyết với chúng tôi là cơ sở sẽ chi tới 20% hoa hồng trên hóa đơn, dù khách mua ít hay nhiều, nếu chúng tôi dẫn khách vào thẳng cơ sở này đầu tiên. “Khách của chị đi đọ giá các nơi rồi mới tới đây, tụi em chỉ chi 5-10%, dù tổng giá tiền mua có lớn tới đâu đi nữa”, nhân viên tên P. cho hay. Thấy chúng tôi kỳ kèo thêm hoa hồng, nhân viên trên nói rằng, nếu tăng hoa hồng, cơ sở sẽ tăng giá bán cho khách: “Ở đây tụi em bán giá nào cũng được, và sẽ trích cho mấy chị số tiền chênh lệch đó, chỉ sợ khách đọ giá thấy quá cao rồi không mua”.

Tại cơ sở X., một cơ sở lớn có tiếng tại làng đá, hàng chục nhân viên bán hàng đang giới thiệu, chào bán sản phẩm đá cho khách nước ngoài và nội địa đang tấp nập vào ra. Ông N.V.X, chủ cơ sở cho biết sẽ chi 10-20% hoa hồng, tùy vào giá bán của sản phẩm. “Trong trường hợp khách gay quá, tụi anh phải bán giá sát để họ không đi đâu được nữa, thì phải bớt hoa hồng của tụi em lại. Trả tiền tươi trên hóa đơn luôn”, ông X. cho biết. Cũng như nhiều cơ sở khác, ông X. sẵn sàng “nuôi” đội quân bao gồm lái xe, hướng dẫn viên du lịch, các tài xế taxi…, mà dù khách có mua hàng hay không, cơ sở vẫn phải trả tiền “trà nước”.

Người mua khó định giá sản phẩm

Theo lời một người mua bán lâu năm trong ngành kinh doanh đồ đá mỹ nghệ tại Đà Nẵng, việc chi hoa hồng, tiền “trà nước” được gọi là tiền “vô cửa”, khiến giá sản phẩm lưu niệm bị đội lên cao hơn nhiều so với giá trị thật của nó.

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, mặt hàng đá được xem là “vô giá” khi bằng mắt thường, người mua rất khó để nhận biết giá trị thật. Giá bán ra không hề được niêm yết rõ ràng, và cao hay thấp hầu hết là do mánh lới, cách ăn nói của người bán. Cũng một dạng vòng tay, nhưng mỗi nơi mỗi giá, thường dao động từ 200 đến 900.000 đồng/cái. Cùng vào cửa hàng A. với chúng tôi, một du khách đến từ Hà Nội phải trả tới 790.000 đồng cho một vòng cổ được nhân viên quảng cáo là bằng pha lê. Trong khi đó, so sánh giá sản phẩm cùng loại với một số cơ sở nhỏ hơn và chợ Hàn-nơi bán khá nhiều mặt hàng này cho du khách, chúng tôi nhận thấy giá chỉ bằng một nửa hoặc ít hơn. Nhân viên tên P. của cơ sở N.H lý giải là giá cả có thể do tùy người thợ làm ra, hoặc vân đá, màu sắc… Tuy nhiên, HDV Đ. nói rằng, dù thường xuyên dẫn khách vào các cơ sở đá, anh vẫn không tài nào phân biệt được đồ thật-đồ giả để tư vấn thêm cho du khách. Và du khách cứ thế mua về, không thể mặc cả gì thêm.

Tương tự, cùng là sản phẩm độc bình lớn thường dùng để trang trí tiền sảnh làm bằng đá ngọc có màu vân xanh óng ánh, cao khoảng 1,5m, ở cơ sở này có giá tới 600 triệu đồng, nhưng cơ sở kia chỉ 350 triệu đồng. Người bán tha hồ quảng cáo về giá trị của khối đá, đường vân, tay nghề… Nhưng theo nhận xét bằng mắt thường của chúng tôi, sự chênh lệch đến gần 300 triệu đồng thật khó biện giải. Nhân viên P. của cơ sở N. khẳng định rằng phải thấy khách, nhìn mặt họ và cân nhắc khó dễ, mới đưa ra giá hợp lý để cơ sở vừa có ăn, vừa đủ tiền để “chung chi” cho người dẫn mối.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

(*): Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
 

;
.
.
.
.
.