.

Du lịch hè: Khách đông nhưng chi tiêu ít

.

Lượng khách nội địa đến Đà Nẵng trong mùa hè năm nay vẫn tấp nập, nhưng do tình hình kinh tế khó khăn, đa số du khách thắt chặt chi tiêu bằng cách thuê từng nhóm dịch vụ riêng lẻ, hoặc chỉ dùng dịch vụ chuẩn 2-3 sao để tiết kiệm tiền.

Đi các điểm đến gần và dịch vụ trung bình là lựa chọn của đa số du khách trong mùa hè này. Trong ảnh: Đoàn khách tham quan Bà Nà do Công ty Du lịch Việt Đà khai thác.
Đi các điểm đến gần và dịch vụ trung bình là lựa chọn của đa số du khách trong mùa hè này. Trong ảnh: Đoàn khách tham quan Bà Nà do Công ty Du lịch Việt Đà khai thác.

Khách nhiều nhưng doanh thu không cao

Túi bụi với những cuộc điện thoại, hẹn gặp đối tác, anh Lê Tấn Thanh Tùng, Trưởng phòng Điều hành Công ty CP Du lịch Việt Nam-Vioturs lắc đầu: “Năm nay lữ hành nào cũng bận hơn, đàm phán với khách hàng nhiều hơn, nhưng hiệu quả doanh thu lại không cao”. Đó gần như là tình hình chung của hầu hết các công ty khai thác khách du lịch tại Đà Nẵng. Nguyên nhân chính được các công ty giải thích là do ảnh hưởng của kinh tế khó khăn, khách du lịch tính toán chi li hơn và thường không mua trọn gói từ A đến Z như mọi khi, mà mua lẻ từng nhóm dịch vụ vốn khá khó mua trong mùa cao điểm như vé máy bay, phòng lưu trú. “Chỉ khi đến Đà Nẵng rồi, cần thiết lắm họ mới tiếp tục gọi chúng tôi mua suất ăn hay đưa đi tham quan”, anh Tùng cho hay. Bằng cách đó, những nguồn khách trước đây khá hào phóng trong chi tiêu như khách từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nay có thể kiểm soát được dịch vụ và chi tiêu.

Ông Bảo Duy Linh, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty Du lịch Vietravel cũng nhận xét: “Du khách có xu hướng dùng dịch vụ trung bình từ 2-3 sao, với giá cả và chất lượng vừa phải. Nếu sử dụng dịch vụ cao cấp chuẩn 4-5 sao, du khách sẽ rút bớt thời gian đi tour để tiết kiệm tiền”. Các năm trước, các khách sạn (KS) 4-5 sao ven biển và trung tâm thành phố thường tràn ngập khách nghỉ dưỡng và sẵn sàng chi mạnh tay cho dịch vụ chất lượng cao, thì nay, những cơ sở kinh doanh dịch vụ 2-3 “ăn nên làm ra” hơn.  Theo ông Linh, một phần do rất nhiều doanh nghiệp giải thể dẫn đến lượng khách theo đoàn công ty giảm và trong tình hình Chính phủ chủ trương kiềm chế lạm phát, người tiêu dùng cân nhắc rất kỹ khi sử dụng dịch vụ, chọn giải pháp dịch vụ vừa phải, không cần sang trọng. Nhiều hãng lữ hành lớn ngay từ đầu năm đã dự trù phân khúc 2 sao để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.

Khách du lịch “thông minh” hơn

Nắm bắt tình hình người dân thắt chặt chi tiêu, nhiều công ty du lịch nhỏ cạnh tranh dữ dội bằng cách giảm giá thật thấp, khiến các hãng lữ hành lớn cũng phải giảm lãi xuống để giữ khách. “Chúng tôi có thể giảm 2 - 3% tiền lãi để giữ khách, nên giá tour không tăng bao nhiêu so với năm ngoái”, ông Linh chia sẻ.

Du khách cũng “thông minh” hơn, khi không tập trung đến Đà Nẵng vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 như các năm, mà rải đều qua các tháng để tránh căng thẳng dịch vụ và không chịu giá cao. Thêm vào đó, lượng KS trung tâm và ven biển cũng xuất hiện nhiều hơn, có sức chứa nhiều hơn trước từ 1.000 - 1.500 người/đêm nên năm nay, dịch vụ và giá cả cũng không thể làm khó du khách. Giá của các KS ven biển không tăng theo kiểu hai giá mùa đông, mùa hè, thậm chí còn giảm hơn so với các năm.

Tuy nhiên, theo nhiều hãng lữ hành, giá vé máy bay quá cao là nguyên nhân chính khiến lượng khách không tăng nhiều và không sử dụng nhiều dịch vụ. Giá vé khứ hồi cao nhất từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội hiện nay đã là 3,5 đến 4,1 triệu đồng/vé; may mắn lắm, lữ hành mới có thể mua vé giá rẻ vào giờ đẹp vào khoảng 2,2 đến 2,5 triệu đồng/vé. “Chúng tôi phải mất thời gian ngồi trên hệ thống nhiều hơn, “canh” chỗ lâu hơn và quan hệ nhiều hơn để có vé rẻ cho khách hàng”, một điều hành tour cho biết.

“Khách đang mong chờ sự giảm giá của các hãng vào tháng 8 để có sự tăng lên đáng kể”, ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty Du lịch Việt Đà dự đoán.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.