Ngày 5-3-2012, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1629/QĐ-UBND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch. Quyết định này thể hiện quyết tâm của thành phố về việc thúc đẩy sản xuất các sản phẩm du lịch trong tương lai.
Những sản phẩm của cơ sở Thạch ảnh (ảnh trên đá) của cơ sở Nguyễn Vĩ (quận Sơn Trà) đang được du khách ưa thích. TRONG ẢNH: In hình cô gái trên lá (ảnh trái), Danh nhân Ấn Độ Indira GanDi (ảnh giữa) và Bản đồ Việt Nam và bản Đại cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi được khắc trên đá (ảnh phải). |
Theo đó, các sản phẩm phải đạt các yêu cầu cơ bản như: Thể hiện được đặc trưng riêng biệt của Đà Nẵng; có tính độc đáo, sáng tạo và mỹ thuật; được làm từ các chất liệu an toàn cho sức khỏe con người; có dòng chữ “Đà Nẵng – Việt Nam” trên sản phẩm sẽ được xét hỗ trợ kinh phí từ chương trình này. Tuy nhiên, việc hỗ trợ chỉ mang tính biểu trưng, động viên là chính.
Tại cuộc họp triển khai quyết định này do Sở Công thương chủ trì vừa qua với gần 100 doanh nghiệp tham dự, các ý kiến phát biểu cho thấy còn nhiều lúng túng trong việc triển khai. Với những tiêu chuẩn trên thì chỉ có các sản phẩm mang tính truyền thống (làng nghề) và sản phẩm mang tính gia truyền mới đạt yêu cầu. Nhưng để đạt được yêu cầu này cần có thời gian, có khi hàng chục năm, nhất là những sản phẩm nhỏ lẻ, mang tính gia đình.
Ông Lê Nguyên Vĩ, nghệ nhân khắc ảnh trên đá - một sản phẩm đang được nhiều du khách ưa thích, song nhiều năm qua ông chỉ sản xuất tại gia đình và bán trong một quầy nhỏ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Sản phẩm của ông rất khó lọt vào danh sách sản phẩm lưu niệm được hưởng các chế độ ưu đãi vì không có chữ Đà Nẵng. Bà Dương Thị Thu Thanh, chủ cơ sở đồ gỗ cao cấp Thanh Phi, có nhiều khách du lịch đến mua hàng. Trước đây cơ sở của bà sản xuất tại quận Cẩm Lệ ít dân cư, nhưng nay khu dân cư tại đây ngày càng đông đúc. Theo quy hoạch, cơ sở sản xuất phải di dời nhưng chưa biết kiếm mặt bằng ở đâu để sản xuất. Bà Thanh cho rằng con đường vào các khu công nghiệp đối với cơ sở của bà khá mờ mịt, tương lai phải đóng cửa do không có mặt bằng khá rõ.
Những bức tượng đá (Non Nước) rất đẹp, nhưng rất khó cho du khách làm hàng lưu niệm. |
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, chủ cơ sở sản xuất Trúc Xanh (quận Hải Châu), chuyên sản xuất sản phẩm đá mỹ thuật trên các loại đá quý, mới được du nhập vào thành phố. Việc vẽ các bức tranh, con vật, chữ thư pháp trên đá có thể dạy cho người khuyết tật làm được. Đã có lúc cơ sở có trên 15 người khuyết tật làm việc. Hằng năm vào các dịp lễ và Tết Nguyên đán, cơ sở đều có bày bán các sản phẩm phục vụ thú chơi đá của du khách. Nguyện vọng của bà chỉ mong thành phố cho đặt một quầy hàng trên các tuyến đường du lịch, hoặc một vị trí thuận tiện nào đó để bán hàng và giới thiệu với du khách, cũng như các chế độ khác mà thành phố ưu tiên cho cơ sở sản xuất sản phẩm du lịch theo tinh thần của quyết định nói trên. Song nhiều năm nay bà đã đi nhiều nơi vẫn không được giải quyết.
Hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch là quyết định đúng đắn. Các ngành chức năng của thành phố đã có nhiều nỗ lực để phát triển các mặt hàng này, song các tiêu chí để được hưởng ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ của thành phố theo quy định là quá khó đối với nhiều cơ sở sản xuất. Vì vậy, đề nghị UBND thành phố và các ngành chức năng xem xét, mở rộng các tiêu chuẩn nhằm tạo thuận lợi cho nhiều cơ sở có tiềm năng phát triển được hưởng ưu đãi của thành phố vào việc phát triển mặt hàng. Ngoài ra, thành phố cũng dành một vị trí thuận lợi (tập trung hoặc quy định khu vực được trưng bày) để các cơ sở giới thiệu sản phẩm đến với du khách.
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH