Để giảm chi phí trong tình hình kinh tế khó khăn, xu hướng hiện nay của khách du lịch chỉ mua một vài sản phẩm của các công ty du lịch, như đặt phòng khách sạn, mua vé máy bay... hoặc tự lo trọn gói chuyến du lịch của mình. Điều này đã trở thành nhân tố “kích cầu” cho mô hình “xe hợp đồng” phát triển khá rầm rộ như hiện nay.
Vào mùa hè, dọc đường Trường Sa có rất nhiều “xe hợp đồng” chở khách du lịch. (Ảnh có tính minh họa) |
Nếu chịu khó quan sát tại những khu du lịch của thành phố như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, đường Bạch Đằng, các tuyến đường dọc các bãi biển, danh thắng Ngũ Hành Sơn... rất dễ nhận ra có nhiều xe có dán chữ “xe hợp đồng”. Theo ông B.H.T, một chủ xe đang chạy tuyến Đà Nẵng - thành phố Hồ Chí Minh, đây là cách làm của các doanh nghiệp vận tải trong thời kỳ khó khăn hiện nay. Với xe 30 chỗ ngồi, nếu chạy theo tuyến cố định, vừa đi vừa về, gặp thuận lợi mất 4 ngày, cộng thêm kỳ nghỉ giữa phiên, tính ra mỗi tháng được từ 6 - 7 phiên, trừ hết chi phí tiền tài xế, phụ xe, xăng dầu và các loại phí thì giỏi lắm kiếm được từ 10 - 15 triệu đồng. Với thu nhập như vậy, nếu vay của ngân hàng từ 500 triệu đồng trở lên thì coi như làm vừa đủ ăn, chứ không hề có khoản nào khấu hao phương tiện. Trong khi chỉ cần mỗi tháng kiếm được khoảng 4 hợp đồng chở khách đi với tổng số thời gian khoảng 20 ngày, thì thu nhập gần như gấp đôi so với chạy theo tuyến cố định.
Chính vì vậy, ông B.H.T cho biết, hiện nay, nhiều chủ doanh nghiệp ở Đà Nẵng cũng như các địa phương khác mặc dù đăng ký chạy theo tuyến cố định, nhưng có được hợp đồng chở khách du lịch thì ngay lập tức báo “xe hỏng” để tranh thủ cải thiện thu nhập. Đặc biệt với cánh tài xế thì chạy “xe hợp đồng” gần như là đồng ý cả hai tay, bởi theo anh Trần Văn Hoàn chạy tuyến Đà Nẵng-Huế cho biết, mức chủ xe trả cho tài xế mỗi ngày là 250 ngàn đồng, ăn uống tự lo. Thế nhưng, nếu chạy “xe hợp đồng” chở khách du lịch thì trung bình mỗi ngày được 300 ngàn đồng, lại còn được bao ăn, chỗ ngủ (chạy các tuyến xa). Ngoài ra, việc chạy “xe hợp đồng” còn tránh được áp lực thời gian như chạy theo tuyến cố định, bên cạnh đó còn nhận được tiền “bồi dưỡng” từ khách du lịch nếu thái độ phục vụ tốt.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một nhân viên yêu cầu không nêu tên đang làm việc tại Bến xe Trung tâm thành phố cho biết: “Trong bối cảnh khách đi giảm sút mạnh như hiện nay thì việc nhà xe báo “xe hỏng” để tranh thủ chạy “xe hợp đồng” vận chuyển khách du lịch tham quan có thể thông cảm được. Mặc dù như vậy bến xe sẽ thất thu vì mất tiền thu xuất, nhập bến”. Trong khi đó, đại diện các hãng lữ hành du lịch cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo hình thức vận chuyển khách du lịch bằng “xe hợp đồng” này vì chất lượng dịch vụ kém. Tuy nhiên điều lo ngại nhất là hình thức “xe hợp đồng” này thường không mua bảo hiểm cho hành khách, vì vậy nếu lở xảy ra TNGT sẽ rất khó xử lý, và phần thiệt thòi sẽ thuộc về du khách.
Theo quy định hiện nay của Bộ GTVT, “xe hợp đồng” chở khách du lịch phải có hợp đồng kinh tế kèm theo danh sách hành khách, lộ trình đi cụ thể, tuy nhiên trên thực tế gần như không có “xe hợp đồng” nào thực hiện nghiêm túc vấn đề này. Nguyên nhân chính xuất phát từ công tác kiểm tra, xử phạt của các cơ quan chức năng còn chưa quyết liệt. Hơn nữa, muốn xử lý được tình trạng này cần có lực lượng liên ngành như CSGT, Thanh tra Giao thông, Kế hoạch-Đầu tư, Thuế... Thế nhưng trên thực tế, ngoài các đợt hoạt động cao điểm trong năm, còn lại gần như không có đội liên ngành này hoạt động. Cũng chính vì lỗ hổng này mà lâu nay trên địa bàn thành phố tồn tại nhiều doanh nghiệp như ĐN, XT, TC... vẫn ngang nhiên hoạt động chở khách núp danh “xe hợp đồng”. Điều này không những khiến cho các đơn vị vận tải khách du lịch bức xúc mà ngay cả đối với các xe chạy tuyến cố định cũng phản đối. Vì “xe hợp đồng” của các doanh nghiệp này ngoài việc chở khách du lịch, còn chạy dưới dạng xe dù để rước khách dọc đường.
Du khách cần cẩn thận trước khi quyết định đi “xe hợp đồng” để khỏi làm hỏng kỳ du lịch của mình.
Bài và ảnh: THANH VÂN