8 - 10 tiếng là khoảng thời gian du khách tàu biển tham quan Đà Nẵng và miền Trung trong mỗi lần cập cảng Tiên Sa. Số lượng khách trên mỗi chuyến tàu rất lớn, nhiều chuyến gần 1.500 khách, nhưng Đà Nẵng vẫn chưa khai thác được chi tiêu của lượng khách này khi dừng chân tham quan thành phố.
Ngành du lịch vẫn chưa khai thác tốt chi tiêu của du khách tàu biển đến Đà Nẵng. |
Theo thống kê từ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, riêng trong quý 1 năm nay có 48 chuyến tàu biển du lịch đến Đà Nẵng, chở theo khoảng 45.000 lượt du khách quốc tế, đạt mức tăng trưởng gần 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy, sự nhộn nhịp của thị trường tàu biển năm nay thể hiện từ những ngày đầu năm, với các chuyến tàu “khủng” có sức chứa trên dưới 1.500 người như tàu Henna, Gemini, Volendam... Trong các tháng cao điểm từ tháng 1 đến tháng 3, nhiều tàu còn đến Đà Nẵng hằng tuần với tần suất 2 - 3 chuyến/tuần. Nếu tính theo tỷ lệ khách tàu biển so với tổng lượt khách quốc tế đến Đà Nẵng hằng năm, thì con số này thường vào khoảng 1/5. Lượng khách đông, đi tập trung và có khả năng chi tiêu cao là những ưu điểm nổi bật của dòng khách tàu biển vốn được mệnh danh là “khách nhà giàu”. Tuy nhiên, cho đến nay, ngành du lịch Đà Nẵng vẫn chưa có một nghiên cứu riêng cho thị trường tàu biển, cũng như mức chi phí họ có thể bỏ ra cho một ngày tại điểm đến..., nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội khai thác chi tiêu của luồng khách thường có thời gian “vàng” khoảng 8 - 10 tiếng cho mỗi lần lên bờ.
Theo ông Huỳnh Minh Hoàng, Trưởng phòng Vận chuyển-hướng dẫn, điều hành, Trung tâm tàu biển của Saigontourist tại miền Trung, hiện Đà Nẵng chỉ mới khai thác được phương tiện vận chuyển và mua sắm do khách tàu biển thường ngủ trên tàu với tiện nghi 5 sao, rất hiếm khi ở lại qua đêm trên bờ. Năm 2013, sự chuyển biến về thị trường khách còn khiến Đà Nẵng lỡ dịp khai thác chi tiêu hơn nữa. “Khách Trung Quốc chiếm số lượng chủ yếu trong tổng số khách cập cảng thường ít mua sắm vật dụng, quần áo, giày dép tại Đà Nẵng, vì giá cả các mặt hàng này ở nước họ còn thấp hơn ở mình”, ông Hoàng cho hay. Vì vậy, hàng hóa mua sắm của du khách chủ yếu là sản phẩm lưu niệm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng nói rằng, Đà Nẵng có rất nhiều sản phẩm lưu niệm và đặc sản được du khách ưa chuộng, nhưng lại tản mác nhiều nơi, không thuận lợi cho du khách. Chính điều này đã dẫn tới việc mỗi nơi mỗi giá, manh mún, không thống nhất. “Sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, chưa phải là những sản phẩm được đầu tư riêng cho du lịch”, một người khai thác du khách tàu biển lâu năm tại Đà Nẵng và Huế nhận xét.
Để khắc phục tình trạng này, UBND thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương cho phép Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch triển khai cụm quầy hàng lưu niệm tại quảng trường đối diện Nhà hát Trưng Vương, vốn là địa điểm đón khách tàu biển từ trước đến nay. “Đó là giải pháp trước mắt chúng tôi sẽ làm, tập trung các sản phẩm được sản xuất tại Đà Nẵng như thổ cẩm, quế... để du khách có thể tiếp cận được với hàng hóa đặc trưng của Đà Nẵng. Điều chúng tôi mong mỏi là việc hình thành một khu bán hàng du lịch đặc trưng tại đường Nguyễn Thái Học, và điểm đón du khách sẽ là vỉa hè đường Bạch Đằng”, ông Bình cho biết. Theo ông Bình, với cách tổ chức tập trung khách từ mỗi chuyến xe trung chuyển, hướng dẫn khách đi một vòng qua đường Bạch Đằng, lên chợ Hàn và đến khu lưu niệm mua sắm sẽ không mất thời gian, đi lại nhiều điểm, hạn chế được cánh “cò mồi” chèo kéo khách, người bán sẽ đưa ra các mức giá sòng phẳng, thống nhất cho mọi đối tượng khách. Như vậy, Đà Nẵng mới kích thích nhu cầu mua sắm và có thể khai thác được chi tiêu của du khách nhiều hơn. Cũng theo ông Bình, việc nghiên cứu thị trường du khách sắp tới cần được xây dựng chi tiết và đầy đủ hơn để không bỏ lỡ những “giờ vàng” của du khách tàu biển tại Đà Nẵng.
Hiện tại, các doanh nghiệp khai thác thị trường này “kéo” chi tiêu của du khách về phía Đà Nẵng bằng nhiều cách. Saigontourist, hãng khai thác phần lớn các chuyến tàu du lịch cập cảng Tiên Sa cho hay, đơn vị đang tăng dần chi tiêu của du khách thông qua việc thực hiện các tour đi Đà Nẵng là chính. Theo đó, thay vì đi Huế như trước đây, từ năm ngoái đến nay, Saigontourist đã thay bằng các chương trình tại Đà Nẵng như đi xem biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, viếng chùa Linh Ứng, mua sắm tại chợ Hàn, Siêu thị BigC... Đây là cách vừa khai thác chi tiêu tốt hơn, vừa có thể quảng bá mạnh cho du lịch Đà Nẵng.
Bài và ảnh: HẰNG VANG