(ĐNĐT) - "Làm sao để tạo ra sản phẩm du lịch (DL) mang tính cạnh tranh giữa các địa phương đồng thời phải mang tính bổ trợ cho nhau, tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến nhằm kéo dài thời gian lưu trú và gia tăng chi tiêu của khách du lịch" là những vấn đề được nhiều người quan tâm trong buổi “Tọa đàm Xúc tiến đầu tư phát triển DL vùng duyên hải miền Trung” trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung diễn ra ngày 22-3, tại Đà Nẵng.
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Du lịch phát triển manh mún, riêng lẻ
Nằm trải dài từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, duyên hải miền Trung có nguồn tài nguyên DL khá đa dạng và phong phú, đặc sắc với nhiều tiềm năng, ưu thế nổi trội về phát triển DL biển; có nhiều thuận lợi để kết nối với tài nguyên DL núi rừng Tây Nguyên tạo thành chuỗi DL kết hợp núi rừng và biển đảo; nhiều tiềm năng DL nhân văn gắn liền với những giá trị văn hóa, lịch sử mang đậm dấu ấn văn hóa biển và văn hóa Chăm, nhất là Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng…
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thực trạng phát triển DL của vùng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và sự quan tâm đầu tư phát triển DL của các địa phương trong vùng.
“DL muốn phát triển cần sự chuyên nghiệp. Nhưng cốt lõi vấn đề là các doanh nghiệp làm DL ở Việt Nam còn yếu, chính sách phát triển DL cũng chỉ ở mức độ thấp, tầm nhìn còn hạn chế. Địa phương nào cũng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch riêng nên phát triển còn manh mún, cạnh tranh theo kiểu địa phương nhỏ hẹp”, ông Thiên nói.
Ông Quốc Anh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Ninh Thuận cũng đồng tình với quan điểm nêu trên và cho rằng, nên có thật nhiều các hội thảo, các buổi tọa đàm của các ngành DL mỗi địa phương để cùng thống nhất với nhau, tạo ra tiếng nói chung giữa đơn vị quản lý nhà nước và các doanh nghiệp DL trong vùng .“Lãnh đạo các địa phương nên ngồi lại với nhau để cùng tổ chức chuỗi các sự kiện, các lễ hội… nhằm tránh sự rời rạc, mạnh ai nấy làm”, ông Quốc Anh kiến nghị.
“Vì mạnh ai nấy làm nên các địa phương trong vùng chưa tìm được tiếng nói chung trong công tác quảng bá, xúc tiến DL. Theo tôi, việc thành lập một Hiệp hội DL miền Trung, tạo ra một diễn đàn đối thoại chung cho các địa phương nhằm hỗ trợ sự phát triển chung là rất cần thiết”, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam đề xuất.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Các ý kiến tại buổi tọa đàm cũng thống nhất cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa sự quan tâm, thu hút vốn đầu tư, cần có chính sách đảm bảo cho các nhà đầu tư yên tâm. Điều này có tác động lớn đến quyết định của các nhà đầu tư, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành DL nói chung, khu vực miền Trung nói riêng.
Ông Kai Marcus Schroter, Phó Chủ tịch Ủy ban Du lịch châu Âu, ví von hiện nay ngành DL vùng duyên hải miền Trung của Việt Nam đang giống như những “điệu nhảy tăng-gô”, cứ tiến ba bước thì lại lùi hai bước. Mặc dù môi trường đầu tư cơ bản là đã làm tốt, nhưng quan trọng là làm sao để tạo niềm tin lớn hơn cho các nhà đầu tư. Các chính sách cũng như các thủ tục hành chính cần đơn giản hơn, minh bạch và thống nhất”.
Ông Ngô Đình Chính, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng, cần có môi trường tốt thì mới có thể dễ dàng hơn trong việc thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm tới DL.
Định hướng phát triển DL vùng
Theo ông Trần Đình Thiên, vùng duyên hải miền Trung có đủ chiều dài để tạo sự liên kết vững bền. Nhưng để DL của vùng ngày càng hấp dẫn với khách du lịch trong nước và quốc tế thì cần có chính sách phát triển đồng bộ về môi trường, giao thông và đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.
Du khách nước ngoài tham quan phố cổ Hội An (Quảng Nam). |
Các ý kiến góp ý khác cũng nhấn mạnh, muốn các tỉnh, thành trong vùng phát triển DL tương xứng với điều kiện vốn có, cần tạo sự đột phá, tập trung vào 3 nút thắt cơ bản về hệ thống sản phẩm, loại hình DL đặc trưng chất lượng cao, thị trường khách DL trọng điểm và phát triển không gian.
Trong đó, tập trung phát triển mạnh hệ thống sản phẩm DL biển; xây dựng các khu DL biển quy mô tầm cỡ quốc tế; phát triển sản phẩm DL văn hóa gắn với di sản, lễ hội, tham quan, nhất là văn hóa biển và văn hóa Chăm; phát triển DL làng nghề và DL cộng đồng kết hợp nhà nghỉ tại nhà dân; kết nối các tour, tuyến, điểm, khu DL nhằm phát triển đa dạng các loại hình DL: biển, văn hóa, sinh thái, MICE…
Việc phát triển không gian DL cũng là một hướng đi quan trọng trong xây dựng sản phẩm DL. Theo đó, cần phát triển DL trong vùng với không gian, quy mô phù hợp, khai thác lợi thế về tài nguyên DL đặc trưng của vùng; hình thành các trung tâm trung chuyển DL của vùng và cả nước gắn với các cảng hàng không quốc tế…
Bên cạnh việc phát triển mạnh thị trường khách nội địa, thì việc tăng cường, mở rộng khai thác nguồn khách quốc tế cả khu vực gần (Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…) cho tới khách cao cấp (Pháp, Đức, Nga, Canada…) cần được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, cần coi trọng các liên kết vùng trong phát triển DL bao gồm liên kết để hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông; liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp phục vụ DL (nhất là các ngoại ngữ Anh, Nga, Nhật…) và tăng cường quảng bá rộng rãi các sản phẩm DL đặc trưng của vùng đến du khách trong và ngoài nước.
Bài và ảnh: Đắc Mạnh