.

Thị trường “ấm” dần với cầu Rồng và cáp treo

.

Trong khi giá cả dịch vụ tăng là nguyên nhân khiến nhiều du khách phải đắn đo trước khi chọn tour đến Đà Nẵng xem pháo hoa; thì việc đưa vào các sản phẩm mới như cầu Rồng phun lửa, cáp treo Bà Nà đạt 4 kỷ lục thế giới... đang làm cho thị trường “ấm” dần lên.

Với các sản phẩm mới như cầu Rồng, cáp treo đạt 4 kỷ lục thế giới, lượng khách đến Đà Nẵng xem pháo hoa sẽ tăng.
Với các sản phẩm mới như cầu Rồng, cáp treo đạt 4 kỷ lục thế giới, lượng khách đến Đà Nẵng xem pháo hoa sẽ tăng.

Giá các dịch vụ đều tăng

Đến thời điểm này, giá các dịch vụ phục vụ cho du lịch dịp pháo hoa như vé máy bay, phòng khách sạn (KS) và xe đều rất cao. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm bớt nhu cầu đến Đà Nẵng của du khách trong kỳ nghỉ 30-4 và 1-5. Theo đánh giá của các hãng lữ hành, hiện tại, giá vé máy bay khứ hồi giữa thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng có giá gần 4,5 triệu đồng/vé, giá xe tăng 50 - 70%, giá phòng KS nhiều nơi đang bán cao hơn mức cho phép là 50%, khiến nhiều du khách phải suy tính lại. Chị Nguyễn Thị Kim Liên, Phó phòng Chuyên đề-Liên kết, Công ty CP Du lịch Việt Nam-Vitours, cho hay: “Dù năm ngoái và năm nay, Đà Nẵng thắt chặt hơn việc kiểm soát giá, nhiều KS chùn tay không dám đội giá quá cao, nhưng cũng không tránh khỏi những trường hợp ngoại lệ. Một số KS 3 sao báo giá cho chúng tôi từ 1 - 1,2 triệu đồng/phòng, tăng hơn 100% so với ngày thường”.

Do chưa thể thỏa thuận giá với khách hàng, nhiều công ty vẫn đang thực hiện động tác giữ phòng kỹ thuật, giữ phòng theo dự đoán của mình trước khi có khách đăng ký. Nhưng theo quan sát của những người làm du lịch, năm nay, rất có thể tình trạng nhả phòng sẽ diễn ra vào khoảng đầu tháng 4, khi các KS không thể có được lượng khách mình mong muốn với giá cao ngất ngưởng. “Nếu KS giữ mức tăng 50%, chúng tôi còn bán được, chứ tăng quá đà như vậy làm giá tour đội lên tới 50% thì các doanh nghiệp du lịch phía Bắc và phía Nam sẽ không mặn mà đưa khách đến Đà Nẵng. Những người làm du lịch phải nghĩ đến cái lợi chung, không thể để chúng ta mất hết vì cái lợi của chỉ hai ngày này được”, một người làm du lịch lâu năm phân tích.

Thị trường đang “ấm” dần

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho biết, trước Tết, dự đoán về lượng khách đến Đà Nẵng xem pháo hoa có thể chỉ bằng năm ngoái, do du khách e ngại giá cao trong tình hình kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, thị trường du khách đến Đà Nẵng dịp pháo hoa đang “ấm” dần lên từ sau Tết, khi Đà Nẵng thông tin về nhiều sự kiện lớn, các sản phẩm mới như cầu Rồng phun lửa, tuyến cáp treo đạt 4 kỷ lục thế giới... Theo ông Cường, xu hướng năm nay, phần đông du khách sẽ tự đến Đà Nẵng thay vì phải thông qua các công ty lữ hành như mọi năm. Do đó, số khách đăng ký phòng KS mới phản ánh con số chính xác nhất về lượng du khách trong dịp pháo hoa.

 “Theo khảo sát của chúng tôi, khoảng 70% lượng phòng từ 3-5 sao đã được đặt trước trong tuần diễn ra Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế 2013”, ông Cường cho hay. Chị Xa Doãn Hồng Thủy, Giám đốc Chi nhánh Công ty Du lịch Fiditour tại Đà Nẵng nói rằng, với việc quảng bá các sản phẩm mới lạ và việc kiểm soát giá hiệu quả, chị kỳ vọng sẽ hút thêm một lượng khách đáng kể. “Hiện chúng tôi giữ khoảng 150 phòng với các mức giá tăng khoảng 50% so với ngày thường do có quan hệ tốt với các đối tác KS”, chị Hồng Thủy chia sẻ.

Năm nay, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú phải kê khai giá từ 25-1. “Các KS phải kê khai giá từ đầu tháng 3 đến 30-4 và giá của các tháng trước đó, để tránh việc nhập nhằng, lách quy định về bình ổn giá. Chúng tôi sẽ cho đăng công khai giá phòng đã niêm yết lên các trang web thuộc sở, cổng thông tin điện tử thành phố, báo chí, truyền hình để tránh tình trạng các đơn vị làm 2-3 bảng giá, qua mặt khách hàng và cơ quan chức năng”, ông Cường cho biết thêm.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.