.

Giảm giá tour, “tiền nào của nấy”

.

Du lịch giá rẻ đang trở thành xu hướng lựa chọn của không ít cá nhân, tập thể không rỉnh rang tiền bạc. Khách hàng có thể kỳ kèo trả giá cho chuyến du lịch của mình. Tuy nhiên, sự cạnh tranh trên từng nấc thang giữa các đơn vị tổ chức có giúp khách hàng thực sự hưởng lợi?

Cáp treo Bà Nà, một trong những sản phẩm du lịch của Đà Nẵng.
Cáp treo Bà Nà, một trong những sản phẩm du lịch của Đà Nẵng.

Trả giá như đi chợ

Thứ bảy tuần qua, chúng tôi cùng đại diện của một công ty liên doanh nước ngoài đóng tại KCN Hòa Khánh đi khảo sát giá tour cho gần 60 người đi tham quan Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Được người quen giới thiệu, một công ty du lịch của TP. Hồ Chí Minh tại Đà Nẵng báo giá 530.000 đồng/người/ngày, trong khi đó một hãng lữ hành khác trên địa bàn đưa ra mức giá 570.000 đồng. Ở một đơn vị du lịch khác giá chỉ có 510.000 đồng. Như vậy, cùng một tour, cùng chế độ khuyến mãi và cùng thực đơn, nhưng ở 3 đơn vị có 3 giá khác nhau. Và rồi, chất lượng không rõ thế nào, người đại diện bên mua chọn gói tour thấp nhất.

Chuẩn bị cho chuyến du lịch 4 ngày “Hành trình di sản miền Trung”, nhóm bạn chị Hải Linh (trú Thụy Khê, Tây Hồ, Hà Nội) tham khảo một số nhà tổ chức với các mức giá lần lượt 5,98 triệu đồng (Đông Dương Travelink), 6,1 triệu đồng (Liên Minh Travel), 5,5 triệu đồng (Itour Travel)… Tất nhiên, với giá đó, các khách hàng đều được đi bằng máy bay và ở khách sạn 3 sao trở lên. Nhóm chị Linh đề nghị bớt khoản chi phí cho mỗi người 300.000 đồng và hầu như hãng nào cũng linh hoạt chấp nhận. Thực sự sau chuyến đi đó, nhóm khách mới biết mình chỉ là đơn vị lẻ đi ghép theo đoàn du lịch khác nên giá nào cũng được duyệt là dễ hiểu. Đáng nói là, chất lượng chuyến đi và dịch vụ còn phụ thuộc vào mức độ “tiền nào của nấy”. Không như quảng cáo ban đầu, các điểm tham quan bị cắt bớt, kể cả khách sạn hạng sang chỉ là một nhà nghỉ cao cấp. Đó là chưa kể, nếu gặp sự cố xảy ra khách hàng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Anh T.V.K (nhân viên Công ty V.N, KCN Hòa Khánh) kể rằng: “Trong lúc lặn biển ở Cù Lao Chàm tôi bị cụm san hô cứa rách chân. Sau đó phải thuê xe ôm đến trạm xá để khâu mấy mũi nhưng khi yêu cầu hãng du lịch thanh toán bảo hiểm thì họ nói phải có hóa đơn, mà đi xe ôm và khâu chân thì lấy đâu ra hóa đơn…” .

Với kinh nghiệm đã có, chị Hà, nhân viên kinh doanh Hanoi Open Tourism khuyến cáo, trước khi chọn chương trình, du khách phải tìm hiểu kỹ các dịch vụ kèm theo mà doanh nghiệp đưa ra cũng như lịch trình cụ thể để so sánh về tiêu chuẩn. Song, cũng không nên quá chú tâm so sánh giá cả, bởi các công ty lữ hành có uy tín không chỉ cạnh tranh bằng giá mà bằng chất lượng.

Tìm cách cạnh tranh

Nhìn nhận từ thị trường, hiện vào mùa du lịch nhưng ảnh hưởng từ tình hình kinh tế khó khăn, nhiều đơn vị làm tour rơi vào cảnh ế ẩm. Dù đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn song vẫn chưa thu hút khách hàng tham gia. Trên thực tế, giá cả các chương trình du lịch đưa ra cho khách hàng rất vô chừng. Bà Nguyễn Thị Thùy Thuận, Giám đốc BenThanh Tourist, Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, trong thời điểm làm ăn khó khăn, không ít doanh nghiệp tư vấn khách hàng bằng chiêu bài giảm giá sốc, nhiều ưu đãi, nhưng chất lượng lại không như cam kết. Nhiều nơi còn nhập nhằng theo kiểu cho du khách đến điểm tham quan đúng lịch trình, nhưng dịch vụ kèm theo bị cắt bớt hoặc giảm đáng kể. Một số doanh nghiệp tư nhân không có tiếng tăm còn mạnh tay giảm giá dưới mức bằng cách thỏa thuận không xuất hóa đơn, thông báo ở khách sạn 3 sao nhưng thực tế chỉ bố trí khách sạn 2 sao…

Đại diện Công ty lữ hành Vitour nhìn nhận, so với nhiều địa phương khác, hiện nay sự cạnh tranh giá tour giữa các công ty lữ hành ở Đà Nẵng diễn ra không nhiều và gay gắt. Bởi một số nhóm sản phẩm du lịch chung được các công ty bán bằng giá không cạnh tranh nằm trong chương trình kích cầu du lịch hè. Các công ty phải liên kết với nhau và cam kết bán sản phẩm đồng giá, nếu một công ty nào đó vi phạm sẽ bị dừng quyền thành viên tham gia chương trình kích cầu. Nếu có cạnh tranh thì chỉ diễn ra giữa các công ty lữ hành của Đà Nẵng với các công ty lữ hành ở các tỉnh lân cận khác để thu hút khách du lịch về Đà Nẵng.

Trong khi đó, một số nhà thiết kế các tour tuyến lại giải thích sự không đồng nhất về giá cả là do phải cạnh tranh với nhau. Ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty Du lịch Việt Đà, nói: “Chúng tôi đang thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi để đưa ra giá tour hấp dẫn nhất cho du khách. Việc giảm giá là một sự cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm mặt bằng chung về chất lượng dịch vụ và lợi nhuận chứ không vì giữ chân khách bằng mọi giá mà chất lượng đi xuống”.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.