.

Cẩn thận với tour du lịch giá rẻ

.

(ĐNĐT) - Cứ mỗi độ vào hè, các cơ quan, trường học thường lên kế hoạch cho những chuyến du lịch dài ngày. Thế nhưng, vụ tai nạn thảm khốc xảy ra với đoàn khách du lịch của Trường Tiểu học số 2 Hòa Phước (huyện Hòa Vang) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng dịch vụ của các tour du lịch giá rẻ.

Chuyến xe định mệnh

Đã hơn mười ngày trôi qua kể từ khi vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra với các thầy cô của Trường Tiểu học số 2 Hòa Phước, nhưng với những người còn sống sót, nỗi đau vẫn chưa hề vơi đi. Ít ai ngờ rằng, chuyến du lịch mơ ước mà họ tích góp cả 4 năm trời lại trở thành chuyến đi định mệnh, chia lìa tất cả. 7 người chết và hơn 20 người bị thương, một con số khủng khiếp khiến nhiều người phải giật mình sửng sốt. Thầy Trần Sơn, Hiệu trưởng trường Hòa Phước cho biết, trước khi tổ chức, nhà trường đã hỏi giá ở nhiều công ty du lịch cho tour trọn gói Đà Nẵng - Nha Trang - Đà Lạt. Có nhiều đơn vị báo giá, riêng Công ty Du lịch TNHH Vân Phong Việt (quận Cẩm Lệ) đưa ra giá “mềm” hơn 300.000 đồng/người nên nhà trường đồng ý. Sau đó, công ty này lại hợp đồng xe với Công ty Du lịch dịch vụ Hoàng Hải Tùng.

Thị trường du lịch hiện nay tiềm ẩn nhiều rủi ro do chất lượng xe không đảm bảo. TRONG ẢNH: Khách bắt xe tại Bến xe trung tâm Đà Nẵng.
Thị trường du lịch hiện nay tiềm ẩn nhiều rủi ro do chất lượng xe không đảm bảo. TRONG ẢNH: Khách bắt xe tại Bến xe trung tâm Đà Nẵng.

Theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, vào ngày xảy ra tai nạn (7-6), xe khách 43S-6320 của Công ty Du lịch dịch vụ Hoàng Hải Tùng lẽ ra phải đưa đi kiểm định bắt buộc tại trung tâm đăng kiểm, thế nhưng, xe lại thong dong trên đường mà không biết trước “tử thần” đang chờ chực sẵn.

Trước đó, ngày 3-6, khi đón khách tại Chợ Miếu Bông (quận Cẩm Lệ), công ty này lại bố trí xe 24 chỗ ngồi trong khi đoàn khách hơn 30 người. Khi các thầy cô phản ứng, đơn vị này mới miễn cưỡng đổi xe giường nằm, nhưng yêu cầu mỗi người trong đoàn bù thêm 250.000 đồng nữa. Tính tổng toàn bộ chuyến đi là 2.850.000 đồng/người, thực chất cũng chẳng rẻ so với các công ty khác. “Tưởng giá rẻ, nào ngờ nhiều người phải trả cái giá “đắt” bằng chính mạng sống của mình. Cái chết đau lòng của các thầy cô và người thân, cũng như nhiều thầy cô phải chịu thương tật suốt đời khiến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi”, thầy Sơn trải lòng.

Chất lượng dịch vụ mù mờ

Được biết, trên thị trường du lịch nở rộ như hiện nay, bên cạnh những doanh nghiệp uy tín cũng xuất hiện không ít công ty "chui" hút khách bằng việc tung ra những tour du lịch với giá siêu rẻ nhằm “câu” khách. Khi ký hợp đồng với khách, các công ty này thường “gạ gẫm” bằng việc đưa ra những dịch vụ chất lượng nhưng suốt chuyến đi, nhiều dịch vụ không được đáp ứng như trong hợp đồng khiến khách hàng đành phải chịu “tiền mất tật mang”. Ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam (Vitours) chia sẻ: “Khách hàng nên lựa chọn những công ty du lịch uy tín, có chất lượng phục vụ tốt để mua tour. Với những tour du lịch dài ngày nên yêu cầu nhà xe có lịch trình nghỉ ngơi chứ không nên chạy cả đêm lẫn ngày”.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Đà Nẵng, nhiều công ty du lịch hợp đồng phương tiện với các đơn vị vận tải chỉ bằng “lời nói” nên không tránh khỏi những vi phạm xảy ra. Để tiết kiệm chi phí đầu vào, chào giá tour “mềm” cạnh tranh với các hãng khác, đôi khi nhà xe không sử dụng đội ngũ tài xế đúng quy định. Khi lên xe rồi, mọi chuyện hầu như phó mặc cho hành khách tự xoay xở.

Thị trường du lịch hiện nay tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nhưng việc khách hàng tự bảo vệ mình dường như nằm ngoài tầm kiểm soát. “Mỗi chuyến đi chơi theo tour, có ai làm hợp đồng yêu cầu là xe phải máy tốt, vỏ ruột đảm bảo và nhất là lái xe phải có kinh nghiệm và chạy tử tế không? Đã vậy, nếu có thắc mắc cũng khó có được câu trả lời trung thực từ các doanh nghiệp bán tour”, anh Nguyễn Hải Sơn (quận Hải Châu) cho biết. Nhiều người vì ham chọn tour giá rẻ đành phải chịu ấm ức, tặc lưỡi cho qua khi chất lượng các dịch vụ không đúng như hợp đồng ban đầu. “Khó để chọn tour đảm bảo chất lượng. Chúng tôi mới đi dọc Hành trình di sản miền Trung, chọn đơn vị giá thấp hơn 500.000 đồng/người so với các hãng khác. Nhưng khi đi rồi mới biết mình bị ghép đoàn, ghép tour, thay đổi lịch trình liên tục”, anh Sơn cho biết thêm.

Không chỉ quyền lợi của du khách bị xâm phạm mà uy tín của những công ty lữ hành lớn cũng bị ảnh hưởng, khối “u nhọt” nhức nhối tồn tại lâu nay đã đến lúc các ngành chức năng phải vào cuộc rốt ráo.

Nhiều tour du lịch bị hủy

Nhìn nhận thị trường du lịch trong những ngày qua, nhiều công ty lữ hành cho biết, các vụ tai nạn xảy ra trong thời gian gần đây đã khiến khách hàng rất dè chừng khi đặt tour. Nhiều đoàn khách đặt tour trước đó hơn cả tháng với chuyến đi dài ngày đã lên lịch trình sẵn thì nay rút lại đi tour ngắn ngày và ít di chuyển bằng ô tô, thậm chí cũng có đoàn đã hủy tour dù phải chịu mất một khoảng tiền đặt cọc không nhỏ. “Kỳ nghỉ hè, chúng tôi định đi du lịch vào tháng sáu này nhưng vụ tai nạn ở trường Hòa Phước khiến chúng tôi ám ảnh, hủy bỏ cả chuyến đi. Không riêng gì trường chúng tôi đâu mà nhiều trường khác cũng chung tâm trạng như vậy. Bây giờ đi du lịch thấy ớn quá!”, cô Nguyễn Thị Quế, giáo viên Trường Tiểu học Mai Đăng Chơn (quận Ngũ Hành Sơn) chia sẻ.

Theo khảo sát tại một số doanh nghiệp du lịch lớn trên địa bàn thành phố, mỗi tuần các công ty thường tổ chức tour cho khoảng từ 400-500 khách, trong đó chiếm 15-20% là đoàn khách của các trường học. “Vào dịp hè, chúng tôi nhận được rất nhiều đơn đặt hàng đi tour từ các trường học. Thế nhưng, những ngày qua, một vài trường học đã hủy tour do ám ảnh bởi những vụ tai nạn xảy ra liên tiếp gần đây, làm cho thị trường du lịch hè năm nay trở nên xấu đi”, đại diện một công ty lữ hành cho biết.

Bài và ảnh: MAI KHÔI

;
.
.
.
.
.