(ĐNĐT) - Cầu Rồng - cây cầu độc nhất vô nhị của cả nước đã khánh thành từ ngày 29-3-2013 nhưng đến nay, sức hút của nó vẫn không hề thuyên giảm. Cây cầu đã trở thành một điểm nhấn ấn tượng, độc đáo, tạo sức hút mạnh về du lịch cho thành phố.
Cầu Rồng lung linh khi đêm về. Ảnh: M.H |
Điểm thưởng ngoạn mới
Hằng ngày, bà Thu Ba (quận Hải Châu) cùng chồng đi bộ hóng mát trên cầu Rồng. Bà cho biết, từ ngày có cây cầu đặc biệt này, vợ chồng bà thường đi bộ lên đây tập thể dục và ngắm dòng người qua lại. “Tôi có cảm giác thư thái và trẻ ra đến vài tuổi khi đi dạo trên cây cầu tuyệt đẹp này”, bà Thu Ba nói. Khi chiều xuống, dọc hai bên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, đoạn gần cầu Rồng, rất đông người dân đứng hóng gió, những người trung niên đến đây thư giãn, trò chuyện với bạn bè sau một ngày làm việc, hay các bạn thanh niên, học sinh, sinh viên tìm đến nơi thoáng đãng này để “xả hơi” sau các tiết học mệt mỏi.
Cả trẻ em cũng thích thú khi được cùng cha mẹ đến đây để ngắm “cây cầu đặc biệt”. “Em thích nhất là nhìn cây cầu đổi màu, cứ như là thay áo mới ấy”, em Quang Vinh, học sinh Trường Tiểu học Tiểu La hào hứng nói. Còn chị Đoàn Thị Tâm, một du khách đến từ Phú Thọ vui vẻ tâm sự: “Tôi đến Đà Nẵng được 2 ngày rồi và sẽ ở lại đến Chủ nhật để được xem "rồng phun lửa". Tôi ấn tượng với cây cầu đặc biệt này bởi kiến trúc độc đáo, màu sắc cầu thay đổi liên tục, in bóng xuống dòng sông, tạo nên một khung cảnh rất thơ mộng”.
Đặc biệt, vào những tối cuối tuần, cầu Rồng luôn đông đúc bởi lượng người chờ xem rồng phun lửa, phun nước. “Lượng khách đến xem rồng phun lửa, phun nước vào thứ 7, Chủ nhật vẫn rất đông, có hôm gây ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhưng chúng tôi rất vui vì công việc vận hành cầu đem lại niềm vui cho người dân cũng như khách du lịch”, ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó phòng Quản lý dự án Ban Quản lý cầu Rồng chia sẻ.
Đa dạng dịch vụ
“Trước đây, tôi chụp ảnh ở cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, nay có cầu Rồng nên tôi chuyển qua đây. Thường thì cái gì mới người ta cũng thích, cũng đến xem đông nên thu nhập của tôi cũng tăng. Tôi chụp ảnh cho du khách từ khoảng 19h đến 21h cũng được hơn 10 tấm, khá hơn ngày xưa nhiều”, chị Nguyễn Thị Thiên Thanh, thợ chụp ảnh ở cầu Rồng cho biết.
Sự xuất hiện của cầu Rồng đã thu hút người dân và du khách đến ngày càng đông, kéo theo hàng loạt dịch vụ hình thành, tạo thêm điểm vui chơi, giải trí vào ban đêm cho người dân. Dọc hai bên đường dẫn lên cầu, hơn 20 thợ chụp ảnh làm việc, đem lại những tấm ảnh kỷ niệm đẹp với cầu Rồng cho người dân và du khách. Bên bờ phía Đông của cầu Rồng, hàng loạt hàng quán mọc lên, không chỉ góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương mà còn đáp ứng nhu cầu ăn uống, giải khát của đông đảo du khách.
Hàng quán đông đúc bên bờ phía Đông cầu Rồng. Ảnh: Q.T |
Ông Nguyễn Viết Tuyên, chủ quán ăn A. Tuyên phía Đông cầu Rồng chia sẻ: "Nhà tôi nằm trong diện quy hoạch nhưng vì nhiều lý do chưa di dời được. Vì ở sát chân cầu lại chưa có việc làm nên tôi mở quán ăn để thêm thu nhập, cải thiện kinh tế. Mặt khác, các quán quanh đây cũng là điểm dừng chân cho du khách sau khoảng thời gian tham quan ngắm cầu”.
Việc hình thành các dịch vụ “ăn theo” cầu Rồng đôi khi cũng gây nên những bất cập về trật tự đô thị. Về việc này, bà Huỳnh Thị Liễu Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, cho biết: "UBND quận đã chỉ đạo Đội Quy tắc đô thị thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người dân không được buôn bán dưới lòng đường, vỉa hè, gây mất mỹ quan, mất trật tự đô thị. Những hộ buôn bán tại nhà (trong vùng quy hoạch) thì chúng tôi vẫn tạo điều kiện cho họ làm ăn để tăng thêm thu nhập, đồng thời hướng dẫn họ buôn bán bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường”.
Vẻ đẹp của cầu Rồng đã nức tiếng gần xa, tuy nhiên để cầu luôn là hình ảnh đẹp trong mắt du khách, rất cần sự chung tay giữ gìn của mỗi người dân thành phố. Để rồi, bất cứ ai khi đặt chân đến Đà Nẵng đều chọn đây là điểm đến không thể bỏ qua, và khi rời đi, ấn tượng đẹp về cầu Rồng và thành phố bên bờ sông Hàn sẽ lưu giữ mãi trong ký ức mỗi người.
Quỳnh Trang