Ước tính đến năm 2015, ngành du lịch Đà Nẵng cần trên 20.000 lao động, trong khi số sinh viên tốt nghiệp mỗi năm chỉ đáp ứng được 1/5 nhu cầu. Đó là báo cáo của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tại Hội thảo “Nhân lực ngành du lịch: Thực trạng và giải pháp” do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng tổ chức vào ngày 21-6. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết đến dự.
Nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu đã khiến ngành du lịch Đà Nẵng trong những năm qua phải đối mặt với nhiều khó khăn như cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực ngày càng gay gắt, đầu tư cho các dự án du lịch thiếu hiệu quả, tạo sức ép chi phí lên doanh nghiệp, thiếu gắn bó lâu dài giữa doanh nghiệp và người lao động, chất lượng du lịch giảm sút, giảm lượng du khách đến Đà Nẵng… Nhiều đại biểu cho rằng, cần phải có sự liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch và trường nghiệp vụ để xây dựng các mô hình đào tạo ngắn hạn, trung hạn về du lịch, đồng thời khuyến khích các tổ chức quốc tế thành lập các trường đào tạo du lịch tại miền Trung. Muốn vậy, thành phố cần có chính sách phù hợp cho sinh viên, học viên vay vốn học tập để trau dồi nghiệp vụ chuyên môn.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết nhận định, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng chưa thực sự thu hút được lượng du khách như mong muốn. Vì vậy, ngành du lịch Đà Nẵng cần phải có những giải pháp căn cơ mang tính chiến lược nhằm xây dựng ngành “công nghiệp không khói” này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố trong tương lai. Ngoài việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các mô hình liên kết giữa các trường nghề, cần có chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực tại địa phương, nhất là dân cư ở khu vực giải tỏa đang thất nghiệp. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, hiện nay có một bộ phận nguồn lao động thành phố đang bị lãng phí, nếu có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề sẽ góp phần giải quyết nguồn cung lao động phục vụ cho du lịch và góp phần vào chính sách xóa đói giảm nghèo của Nhà nước.
HOÀNG HÂN