.
10 NĂM ĐÀ NẴNG ĐÔ THỊ LOẠI 1 (15-7-2003 - 15-7-2013)

Mắt xích quan trọng của du lịch miền Trung

.

Miền Trung là mảnh đất có nhiều địa danh du lịch nổi tiếng, trong đó, thành phố Đà Nẵng được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, nhờ vào địa thế cũng như các chính sách “mở” để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn, một trong những điểm đến nổi tiếng của Đà Nẵng.
Danh thắng Ngũ Hành Sơn, một trong những điểm đến nổi tiếng của Đà Nẵng.

Môi trường đầu tư hấp dẫn

Đánh tan những nghi ngại về sự chững lại trong làn sóng đầu tư vào du lịch trong bối cảnh khó khăn, các dự án nhà nghỉ, khách sạn, resort tiêu chuẩn quốc tế vẫn xuất hiện ngày một dày trên bãi biển Đà Nẵng. Tính đến giữa năm 2013, Đà Nẵng có trên 60 dự án đầu tư về du lịch với tổng số vốn trên 3 tỷ USD. Ngoài các dự án đã đi vào hoạt động như: Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort, Vinpearl Danang (giai đoạn 2), Cao ốc Azura, Khu du lịch biển Ngũ Hành Sơn (giai đoạn 2), Sunrise Resort, Novotel Hotel… từ nay đến năm 2015 sẽ có thêm hàng chục dự án đầu tư khác như Son Tra Resort and Spa (giai đoạn 3, 4), Vinacapital Resort và Sân golf (giai đoạn 3), Le Meridien… So với các địa phương khác trong Vùng duyên hải miền Trung, Đà Nẵng có lợi thế để phát triển du lịch nhờ có bãi biển đẹp, có cảng biển, sân bay quốc tế, hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh đi kèm các dịch vụ tiện ích.

Năm 2012, thành phố đã đón 2,5 triệu lượt khách đến tham quan, trong đó khách quốc tế vào khoảng 800.000 lượt. Không chỉ hấp dẫn bởi những khu nghỉ dưỡng sang trọng, các hoạt động du lịch sôi động luôn được làm mới đã thu hút sự quan tâm của các du khách trong và ngoài nước. Kể cả các nhà đầu tư khi quyết định “tung tiền” vào đây cũng đều kỳ vọng thu được lợi nhuận hấp dẫn từ ngành “công nghiệp không khói” này. Ông Kai Marcus Schroter, Phó Chủ tịch Ủy ban Du lịch châu Âu từng phát biểu trong một hội nghị liên kết Vùng duyên hải miền Trung: “Các nhà đầu tư luôn mong đợi một môi trường đầu tư năng động, bình đẳng với thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch và thống nhất; trong đó hệ thống văn bản pháp luật phải đáng tin cậy và có tính thực thi cao. Nhưng tôi cho rằng quan trọng nhất là các bạn phải cam kết và thực hiện đúng cam kết. Chúng ta đừng nên chỉ nhìn vào phần cứng và những con số, đừng quá phụ thuộc vào sự ưu đãi của tài nguyên thiên nhiên mà phải tạo nên một môi trường hấp dẫn hơn để thu hút các nhà đầu tư lớn”.

Một số nhà đầu tư nước ngoài từng đến Đà Nẵng từ 10 năm trước đều khẳng định: Thành phố đã có những bước thay đổi vượt bậc trong những năm gần đây. Đặc biệt là kết cấu hạ tầng cùng với chính sách thân thiện với nhà đầu tư đã tạo động lực cho các dự án nghỉ dưỡng và du lịch phát triển mang lại cơ hội để Đà Nẵng trở thành một trung tâm du lịch quốc tế trong tương lai không xa.

Đẩy mạnh mũi nhọn du lịch

Theo nhìn nhận của ngành du lịch thành phố, lâu nay lượng khách đến Đà Nẵng lưu trú cũng như tham gia các hoạt động vui chơi, giải  trí vẫn còn thấp hơn so với các tỉnh, thành láng giềng như Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Thuận. Rõ ràng, dù được xem là “cửa ngõ” nhưng Đà Nẵng vẫn chưa khai thác hết thế mạnh du lịch của mình. Thực trạng phát triển du lịch của các tỉnh miền Trung thiếu liên kết, hợp tác bền chặt với nhau, việc khai thác thị trường du lịch vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm” nên chưa đạt tối đa hiệu quả.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận: “Cần định vị cho được tương lai của miền Trung. Nếu không định vị đúng hướng thì rất khó để thu hút các nhà đầu tư. Trong quy hoạch vùng, phải tính đến các chuỗi phát triển cụ thể mang tính vùng, thí dụ như “phát triển chuỗi du lịch” đang nổi bật nhất của miền Trung hiện nay. Tuy nhiên, tùy sự sáng tạo của mỗi địa phương để liên kết, nhưng không mất đi động lực cạnh tranh lành mạnh”.

Đề xuất phát triển mũi nhọn du lịch, ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) nhấn mạnh: Ngoài sự liên kết, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch phải đẩy mạnh việc xúc tiến bán các sản phẩm mang tính cạnh tranh cao và các doanh nghiệp dịch vụ cùng bắt tay xúc tiến mở các đường bay trực tiếp là một trong những phương cách thu hút khách quốc tế mạnh mẽ.

Ông Kim Cheng Suk, một nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc bày tỏ sự băn khoăn: “Đầu tư về vốn chỉ là một mặt của vấn đề. Theo tôi quan trọng hơn nữa là cần đầu tư về con người. Vấn đề tôi quan tâm ở Đà Nẵng và miền Trung là chính sách phát triển du lịch và các khu nghỉ dưỡng. Nhiều người nhận xét, tiêu chuẩn ở đây còn thấp so với quốc tế, nhất là nhân lực phục vụ cho du lịch. Chính quyền các bạn đã có kế hoạch nào để chuẩn bị cho sự phát triển du lịch hay chưa?”. Trong Hội thảo với chủ đề “Phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố mang tầm vóc khu vực và châu Á” mới đây, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý tưởng và giải pháp đột phá nhằm xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Qua đó, xác định rõ, với tư cách là cửa ngõ, trong tương lai Đà Nẵng phải là trung tâm cung cấp các dịch vụ lưu trú, vui chơi, giải trí, mua sắm; là mắt xích quan trọng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch không chỉ đến đây mà còn đến với cả khu vực miền Trung.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.