* 1,54 triệu lượt khách đến Đà Nẵng
Ngày 19-7, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2013 tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh chủ trì hội nghị.
Suy thoái kinh tế kéo dài và những bất ổn chính trị tại một số nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến lượng khách tham quan du lịch Việt Nam, tuy nhiên nhìn chung ngành du lịch vẫn giữ được tăng trưởng. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 3,5 triệu lượt, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2012. Tổng thu từ du lịch ước đạt 105.000 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ, đạt 53% kế hoạch năm.
Tại Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm, ngành du lịch đạt mức tăng trưởng khá. Tổng lượng khách tham quan du lịch Đà Nẵng đạt 1,54 triệu lượt, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó khách quốc tế ước đạt 389.400 lượt. Đặc biệt, lượng khách hàng không tăng cao đến 94,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đà Nẵng, cho biết sắp tới Sở sẽ triển khai nhiều hoạt động để khai thác nhiều hơn nữa tiềm năng du lịch ở địa phương như phát triển du lịch đường sông, tổ chức chương trình kích cầu du lịch, triển khai bình chọn các cơ sở du lịch đạt chuẩn, liên kết du lịch “3 địa phương 1 điểm đến”…
Vấn đề quan trọng của ngành du lịch được nhiều đại biểu quan tâm là hiện nay nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do quy mô đào tạo chưa đủ lớn, ngành nghề đào tạo thiếu, phân bố cơ sở đào tạo chưa hợp lý, thiếu sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo cũng như giữa các trường của Trung ương và địa phương. Riêng tại Đà Nẵng, dự tính đến năm 2015, ngành du lịch cần đến 20.000 lao động, đặc biệt là thiếu nguồn hướng dẫn viên du lịch tiếng hiếm. Vì vậy, nhiều đại biểu đề xuất ý kiến nên xây dựng chương trình đào tạo thống nhất ở các địa phương, đặc biệt quan tâm đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ giảng dạy, liên kết hợp tác với các trường quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo…
Ca sĩ, người mẫu sẽ được cấp thẻ hành nghề
6 tháng đầu năm, nhờ công tác quản lý sát sao, trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn giảm 80% số vụ việc tiêu cực so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy theo ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, việc cấp thẻ hành nghề cho ca sĩ, người mẫu được coi như “cái sườn” để đưa hoạt động nghệ thuật đi vào quy cũ và nền nếp hơn. Trước việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ biểu diễn đang có nhiều luồng dư luận trái chiều, Cục trưởng khẳng định, cấp thẻ hành nghề là việc làm cần thiết để các nghệ sĩ có ý thức và lương tâm trong nghề nghiệp của mình, đồng thời chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang có những diễn biến phức tạp. Cục đang xây dựng đề án, dự kiến sẽ trình lãnh đạo Bộ VHTTDL vào trung tuần tháng 8, tiến tới vào 1-1-2014 thẻ hành nghề sẽ có hiệu lực với hai đối tượng ca sĩ và người mẫu.
Một trong những vấn đề nóng được các đại biểu quan tâm nhiều là tình trạng bạo lực gia đình hiện nay đang có xu hướng gia tăng và mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn như giết người, dùng xăng đốt, gây sức ép về tinh thần… Các đại biểu cho rằng, thời gian tới, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động cho các gia đình tham gia để mọi người ý thức hơn trong việc xây dựng gia đình văn hóa, trên dưới thuận hòa, phát huy các truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Bà Trần Thị Ánh Tuyết, Vụ trưởng Vụ Gia đình cho biết, sắp tới sẽ tổ chức hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa toàn quốc, triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện Năm Gia đình Việt Nam 2013 với chủ đề “Kết nối yêu thương”… nhằm phát động phong trào thi đua ở các địa phương.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định, 6 tháng đầu năm, ngành VHTTDL cả nước đã có nhiều cố gắng, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị và kế hoạch đề ra. Bộ trưởng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới là tập trung đúc kết kinh nghiệm 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đề xuất giải pháp chỉ đạo xây dựng và phát triển văn hóa thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương coi trọng việc tăng cường chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, chấn chỉnh môi trường du lịch, giải quyết tình trạng chèo kéo, chèn ép, lợi dụng, lừa đảo khách du lịch tại các trung tâm du lịch; tiếp tục xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch…
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN