Sắp qua những tháng cao điểm mùa du lịch hè nhưng tình hình kinh doanh của các cơ sở mua sắm ở Đà Nẵng khá trầm lắng dù lượng khách đến thành phố vẫn tăng.
Lượng khách đến Đà Nẵng tăng cao nhưng lại chi tiêu ít. Trong ảnh: Khách du lịch mua sắm tại chợ Hàn. |
Sơ sài và đơn điệu
Ghé vài siêu thị đặc sản nằm ở một số tuyến đường trung tâm thành phố như Lê Duẩn, Hải Phòng, Nguyễn Tất Thành trong một ngày cuối tuần, chúng tôi nhận thấy lượng khách du lịch đến đây khá khiêm tốn. Chị Lê Thị Bích Hiền, chủ Siêu thị đặc sản quà miền Trung trên đường Lê Duẩn cho biết: “Dịp hè năm ngoái, mỗi ngày siêu thị thu hút từ 40-50 lượt khách nhưng hè năm nay lại giảm hẳn, chỉ còn khoảng 10-20 lượt khách. Việc kinh doanh ế ẩm nên chúng tôi không thuê nhân viên nhiều mà chủ yếu là người nhà”.
Nhân viên bán hàng ở một vài siêu thị đặc sản cho biết, khách du lịch ghé đến chủ yếu tìm mua các loại hải sản, ít mua sản phẩm lưu niệm. Dù ở một vài siêu thị, ngoài các loại đặc sản có tiếng ở miền Trung, còn bày bán khá nhiều hàng lưu niệm du lịch như đá Non Nước, hàng thủ công mỹ nghệ… nhưng ít có sản phẩm nào mang đặc trưng của thành phố để làm vừa lòng du khách. “Nghe nhiều người nói ở Đà Nẵng nổi tiếng là hải sản nên tôi ghé siêu thị đặc sản mua mực một nắng làm quà đem về nhà chứ cũng không biết nên mua sản phẩm lưu niệm gì”, chị Nguyễn Hoàng Anh (du khách Cần Thơ) cho biết.
Trạm dừng Mêkông Hải Vân mỗi ngày thu hút hàng trăm lượt khách đến nghỉ ngơi, tham quan trong những chuyến du lịch vào Hội An hoặc ra Huế. Tại khu ẩm thực khá đông khách du lịch, nhưng tại các quầy hàng mua sắm lại vắng hoe. “Chúng tôi đã cố gắng để đa dạng các loại đặc sản, sản phẩm lưu niệm, trong đó nhiều loại nổi tiếng của các tỉnh, thành miền Trung. Tuy nhiên, hầu như khách đến Đà Nẵng chủ yếu chi tiêu cho các dịch vụ nghỉ dưỡng, tắm biển hoặc ăn hải sản, chứ ít khi bỏ tiền chi tiêu vào dịch vụ mua sắm”, ông Nguyễn Hoàng Lương, Giám đốc điều hành Trạm dừng Mêkông Hải Vân, nói.
Một thực tế cho thấy, sở dĩ các cơ sở mua sắm gặp khó khăn trong mùa du lịch hè năm nay, ngoài tình hình kinh tế khó khăn, du khách thắt chặt chi tiêu thì một nguyên nhân nữa khiến khách du lịch ít “mặn mà” mua sắm ở Đà Nẵng là do các sản phẩm còn đơn điệu và sơ sài. Ngoài một số cơ sở được cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch như cơ sở của chị Bích Hiền còn “chăm chút” để cố gắng “giữ chân” du khách thì những cơ sở còn lại chủ yếu hoạt động cầm chừng, chỉ quanh đi quẩn lại vài ba món hàng giản đơn.
Doanh nghiệp tự “bơi”
Mặc dù tham gia chương trình cấp biển hiệu đạt chuẩn do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng (VH-TT&DL) phát động hơn một năm nay, được “hứa hẹn” nhiều quyền lợi nhưng theo chị Bích Hiền, hầu như cơ sở của chị phải tự cố gắng vượt qua khó khăn, tự marketing để tìm đầu ra cho sản phẩm. “Trong các sự kiện, lễ hội của thành phố, chúng tôi thường thuê mặt bằng ở các khu vui chơi để bày bán sản phẩm nhưng hầu như khách du lịch ít ghé vào khu mua sắm. Vì vậy hầu hết doanh nghiệp chủ yếu “tự chơi” với nhau nên đâm ra chán, năm sau không muốn làm nữa vì bỏ tiền thuê mặt bằng, thuê nhân viên nhưng rồi lại lỗ”, chị Hiền bày tỏ.
Theo ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Vitours, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng trong mùa hè năm nay tăng từ 15-20%. Nhiều công ty lữ hành đã tham gia chương trình kích cầu du lịch để chào bán các tour giảm giá nhằm thu hút khách. Tuy nhiên, so với năm ngoái, khách du lịch năm nay ít đi theo tour đoàn mà chủ yếu là đi lẻ nên ít chi tiêu vào các dịch vụ mua sắm. “Công ty lữ hành được xem là một kênh quan trọng giúp các cơ sở mua sắm quảng bá sản phẩm của mình. Tuy nhiên với tình hình như hiện nay, việc thiếu liên kết giữa công ty lữ hành và các cơ sở mua sắm cũng là một trong những nguyên nhân khiến các cơ sở này rơi vào tình trạng ế khách”, ông Dũng nói.
Theo Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, sắp tới đơn vị này sẽ đưa ra chương trình kích cầu du lịch nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đề xuất các phương án để thu hút khách đến Đà Nẵng chi tiêu nhiều hơn. Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: “Giữ khách ở lại dài ngày là cần thiết nhưng quan trọng là làm sao để khách đến Đà Nẵng chi tiêu nhiều hơn. Khách có thể ở Đà Nẵng lâu nhưng nếu họ không bỏ tiền chi tiêu vào các dịch vụ thì ngành du lịch cũng chẳng đem lại nhiều doanh thu”.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN