.

Hành trình xây dựng thương hiệu du lịch

.

Những chiếc cầu nổi tiếng bắc qua dòng sông Hàn thơ mộng, dãy Sơn Trà ôm gọn bờ biển dài quyến rũ, núi Bà Nà đẹp như tiên cảnh, bờ biển dài với bãi tắm sạch sẽ… Khách du lịch mỗi khi có dịp đến Đà Nẵng vẫn cứ nhớ mãi những tên gọi này. 10 năm qua, lãnh đạo và người dân Đà Nẵng đã kỳ công tích góp từng “viên gạch” để xây dựng nên thương hiệu du lịch Đà Nẵng mang tầm vóc cả nước và vươn tầm quốc tế.

Từ lễ hội thành thương hiệu

Du lịch Đà Nẵng ngay từ lúc xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã đối mặt với bài toán phát triển đầy cạnh tranh. So với các tỉnh, thành nằm trên con đường Di sản miền Trung như Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, nguồn tài nguyên du lịch thành phố không có nhiều thuận lợi, nhất là thiếu các di sản văn hóa. Song, với lợi thế là tâm điểm giao thương khu vực, điểm đến thuận lợi của các mặt giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không và cả đường sắt, Đà Nẵng có đủ tiềm lực xây dựng du lịch sự kiện, lễ hội đặc sắc.

Nhiều năm qua, thành phố Đà Nẵng đã quyết tâm gắn kết hình ảnh một đô thị năng động, hiện đại và môi trường với chiến lược phát triển các chuỗi sự kiện, lễ hội cộng đồng. Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế hằng năm là bước đột phá đầu tiên của địa phương, qua 6 mùa khai hội đến nay đã có kết quả rõ rệt, giúp định dạng một Đà Nẵng trẻ trung và hấp dẫn hơn trong mắt du khách. Cuộc thi thực sự đã mở ra một không gian tận hưởng tuyệt vời, đồng thời cũng là “phát pháo” khởi động các sự kiện, lễ hội sôi nổi trong năm. Từ sự thành công vang dội của cuộc thi này, cánh cửa du lịch Đà Nẵng theo đó càng mở rộng, càng thêm nhiều điểm sáng phát triển hơn trong tương lai. Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng chia sẻ: “Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế đã trở thành sự kiện văn hóa du lịch lớn, thu hút hàng trăm nghìn lượt người tới xem mỗi dịp diễn ra. Thương hiệu pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã được khẳng định, góp phần quảng bá hình ảnh thành phố đến với bạn bè trong nước và quốc tế”. Ngày một hấp dẫn và chuyên nghiệp hơn, Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế ở Đà Nẵng đã góp phần kiến tạo nên một thành phố lễ hội trong tương lai.

Từ sự kiện này, Đà Nẵng đã đúc kết đủ kinh nghiệm, định dạng nhiều hoạt động lễ hội liên tục và đa dạng hơn, như đăng cai các cuộc thi mỹ thuật, âm nhạc, triển lãm văn hóa… Thương hiệu lễ hội của Đà Nẵng bắt đầu “thẩm thấu” vào số đông du khách khi đến du lịch ở miền Trung qua những lăng kính thú vị và sôi động hơn. Kể từ năm 2006 đến nay, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng tăng mạnh, gấp 3 lần so với trước.

Có thể nói, vận động của du lịch Đà Nẵng theo hướng phát triển thành một thành phố sự kiện, lễ hội là bước đi đẹp. Bên cạnh sự hình thành các tour, tuyến mới, du lịch địa phương còn mạnh dạn đề ra những tiêu chí độc đáo với du khách như mời gọi tìm hiểu du lịch bất động sản, mời gọi các nhà đầu tư cùng khảo sát các dự án hạ tầng du lịch nơi đây.

Biển
Nhiều dự án dịch vụ du lịch biển đang được khai thác mạnh tại Đà Nẵng. Trong ảnh: Khu nghỉ dưỡng Intercontinental ở Bãi Bắc- bán đảo Sơn Trà. (Ảnh: VĂN NỞ)

Đánh thức thương hiệu du lịch biển

Đà Nẵng được biết đến với những bãi tắm đẹp kéo dài từ chân đèo Hải Vân đến Non Nước, thu hút nhiều du khách thập phương đến tham quan, nghỉ dưỡng. Năm 2005, Tạp chí Forbes của Mỹ đã bình chọn biển Đà Nẵng là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Với những tiềm năng sẵn có, biển Đà Nẵng có cơ hội tạo dựng thương hiệu ở đa ngành, đa mục tiêu.

Nhận ra thế mạnh này, nhiều năm trước, Đà Nẵng đã tiến hành giải phóng mặt bằng, di dời giải tỏa để mở các tuyến đường chạy dọc ven biển như đường Nguyễn Tất Thành, sau đó là đường Sơn Trà - Điện Ngọc (nay là đường Hoàng Sa - Trường Sa). “Con đường 5 sao” không chỉ kết nối du lịch giữa Đà Nẵng với các địa phương khác mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố nói chung và ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng. Ông Phan Minh Hải, Phó Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng chia sẻ: “Đường du lịch ven biển đã mở ra cho Đà Nẵng cánh cửa mới. Biển Đà Nẵng từ chỗ không có tên trên bản đồ du lịch đến nay đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng”.

Chỉ trong vòng vài năm, từ khi đường Nguyễn Tất Thành, đường Hoàng Sa - Trường Sa rộng mở, thương hiệu du lịch biển Đà Nẵng nhanh chóng được thay “áo mới”. Cách riêng của Đà Nẵng là đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng, với quy hoạch tầm nhìn kéo dài dòng sông và hướng biển.

Những cây cầu bắc ngang đôi bờ sông Hàn, chạy thẳng ra biển không chỉ đưa biển đến gần hơn với nhịp sống đô thị mà còn mở ra cơ hội cho du lịch biển phát triển. Hàng loạt dự án công trình lớn, hàng trăm khu dân cư mới đã và đang ra đời; với cuộc di dời ngoạn mục hàng chục ngàn dân cư đến các khu tái định cư khang trang hơn, tất cả đã tạo ra diện mạo mới cho Đà Nẵng, qua đó tạo động lực cho thành phố phát triển. Thương hiệu “thành phố biển” cũng đi liền theo đó.

Du lịch biển ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đối với Đà Nẵng. Từ đó, nhiều nhà đầu tư đã không bỏ qua cơ hội. Biển Đà Nẵng đã tạo nên sức bật lớn, thu hút các nhà đầu tư rót vốn xây dựng hàng loạt dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp, tạo chuỗi đô thị nghỉ dưỡng trải dài từ bán đảo Sơn Trà đến biển Hội An - Cửa Đại (tỉnh Quảng Nam). Khai phá đầu tiên là khách sạn 5 sao Furama, sau đó hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng mọc lên dọc ven biển Đà Nẵng và hình thành nhiều tour du lịch biển. Du lịch biển Đà Nẵng đã và đang đi đúng hướng khi ngay từ đầu đã xác định được thế mạnh của mình.
10 năm qua, trên con đường đi tìm thương hiệu, lắm chông chênh, lắm gập ghềnh nhưng với chính sách phát triển du lịch đúng đắn, Đà Nẵng đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng du khách.

MAI KHÔI
 

;
.
.
.
.
.