.

Nhân lực cho du lịch: Cung không kịp cầu

.

Dù Đà Nẵng có tới trên dưới 10 cơ sở dạy nghề du lịch do Sở LĐ-TB&XH quản lý, cho “ra lò” hơn 4.000 lao động mỗi năm và nhiều trường ĐH, CĐ khác cũng đào tạo nghề du lịch nhưng vẫn chưa đáp ứng được cơn “khát” nhân lực.

Dù Đà Nẵng có tới trên dưới 10 cơ sở dạy nghề du lịch do Sở LĐ-TB&XH quản lý, cho “ra lò” hơn 4.000 lao động mỗi năm và nhiều trường ĐH, CĐ khác cũng đào tạo nghề du lịch nhưng vẫn chưa đáp ứng được cơn “khát” nhân lực.

Một giờ thực hành nghề du lịch tại Trường CĐ nghề Đà Nẵng. 	     Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Một giờ thực hành nghề du lịch tại Trường CĐ nghề Đà Nẵng. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, tổng số lao động du lịch trên địa bàn thành phố khoảng hơn 14.000 người, trong đó tỷ lệ lao động được đào tạo đúng chuyên môn du lịch chiếm chưa đến 1/2. Chẳng hạn, đội ngũ lao động hoạt động trong ngành lữ hành chỉ có gần 800 người, chiếm khoảng 6% nguồn nhân lực; đội ngũ hướng dẫn viên có hơn 500 người, chiếm khoảng 4% nguồn nhân lực. Trong khi đó, số lượng hướng dẫn viên học đúng chuyên ngành được cấp thẻ chiếm 5% trên tổng số lực lượng hiện có. Sở VH-TT&DL dự báo, đến năm 2015, Đà Nẵng có khoảng hơn 15.000 phòng khách sạn 4 và 5 sao, cần thêm 20.000 lao động cho ngành du lịch.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, với hệ thống đào tạo nghề hiện nay, rất khó có thể đạt được con số trên. Ông An thừa nhận, tốc độ tăng của việc dạy nghề du lịch không bằng tốc độ tăng của ngành nên thiếu nhân lực là điều đương nhiên. Năm 2011, tổng lượt khách tham quan ước đạt 2,35% triệu lượt; năm 2012 ước đạt 2,65% triệu lượt, tăng 12%. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo nghề cho ngành không mở rộng nhiều. Bên cạnh đó, theo kết quả phân tích của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, số lượng phòng lưu trú các dự án du lịch thành phố năm 2012 khoảng gần 10.000 phòng và dự báo đến năm 2015 là 17.000 phòng. Nhân lực thiếu hụt cho các dự án du lịch khoảng hơn 10.000 người.

Chất lượng không đi đôi với số lượng

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Phó phòng Chuyên đề và liên kết Công ty TNHH MTV lữ hành Vitours cho biết: “Chúng tôi đã đón nhận rất nhiều sinh viên học ngành du lịch đến thực tập tại đơn vị. Với hầu hết sinh viên, sáng giao việc thì chiều phải làm lại vì chưa đạt yêu cầu. Trong một vài khóa, có một số sinh viên khá có thể làm việc trong doanh nghiệp nhưng con số này đếm trên đầu ngón tay”. Theo bà Liên, hiện nay việc đào tạo quá nhiều, phần lớn các trường ĐH, CĐ đều có ngành nghề du lịch. Các trường cần nâng cao chất lượng đầu vào, nhiều lĩnh vực cần tuyển cả hình thức lẫn nhiều kỹ năng khác… để chọn người phù hợp từ đầu vào. Việc cấp chứng chỉ nghề du lịch hiện nay không khó nên chất lượng chưa đi đôi với số lượng.

Một thực tế nữa là nhiều người học quản trị du lịch không chịu làm hướng dẫn viên vì cứ nghĩ học xong ra là ngồi ngay ghế điều hành. Việc học theo trào lưu đã khiến nhân lực du lịch thừa ở khâu này nhưng lại hụt ở khâu khác. “Các học viên chỉ tập trung phần lớn vào các lớp như: hướng dẫn viên, lễ tân, trong khi các vị trí này chỉ chiếm từ 5 - 15% trong khách sạn. Trái lại, các lớp như: buồng phòng, đầu bếp, nhà hàng, bảo vệ…, học viên học ít nhưng nhu cầu lại chiếm 70%”, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho biết. Ông Vinh cho rằng, lao động trong ngành du lịch hiện nay không chỉ thiếu lao động được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ mà còn yếu ngoại ngữ, thiếu kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, chăm sóc khách hàng.

Theo điều tra của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, số lao động sau khi được tuyển dụng đối với lĩnh vực lữ hành chỉ 41,5% có thể sử dụng ngay; với nghề khách sạn, con số này là 62% và thấp nhất là lĩnh vực nhà hàng, chỉ 28,8%. Vì vậy, để lấp đầy nhân sự cho các vị trí khác nhau ở khách sạn, nhiều doanh nghiệp buộc phải tuyển dụng lượng lớn nhân viên chưa qua đào tạo hoặc “lôi kéo” bằng chính sách lương cao đối với nguồn nhân lực có kinh nghiệm về làm cho mình. Theo nhiều chuyên gia trong ngành du lịch, thực trạng này sẽ ảnh hưởng đến chiến lược phát triển lâu dài kinh tế du lịch thành phố.

Cần sự liên kết

Một thực tế dễ nhận thấy hiện nay là giữa nơi đào tạo và nơi tuyển dụng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Theo TS Trương Sỹ Quý (khoa Du lịch, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng), nhiều trường chỉ chăm chăm thu hút người học bằng khá nhiều hoạt động bề nổi, nhưng không quan tâm việc doanh nghiệp du lịch có hài lòng với sinh viên do mình đào tạo hay không. “Vì chủ yếu quan tâm đến người học nên các trường đào tạo những nghề các em ưa thích, như quản trị kinh doanh trong du lịch. Đây là ngành “mát mẻ” nhất và nhà trường cũng ít phải đầu tư cho thực nghiệm nhất”, ông Quý cho biết.

Hiện Đà Nẵng có trên 12 cơ sở tham gia đào tạo du lịch nhưng chỉ có 2 cơ sở chuyên đào tạo ngành này là Trường CĐ nghề Việt - Úc và Trường CĐ nghề du lịch Đà Nẵng. “Sự phát triển thiếu cân đối giữa cơ sở đào tạo nghề du lịch và cầu lao động thị trường đã làm nảy sinh sự thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động. Nhiều cơ sở đào tạo còn mang tính lý thuyết, chưa có mô hình đào tạo rõ ràng nên chất lượng còn hạn chế”, ông Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Việt - Úc, nhận định.

Theo ông Sinh, điều quan trọng là cần cái bắt tay trực tiếp giữa những cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch để thu hẹp khoảng cách giữa kiến thức đã học với thực tế. Đồng quan điểm này, ông Huỳnh Tấn Vinh cho rằng, các trường ĐH, CĐ, dạy nghề phải liên kết để xây dựng, quy hoạch mạng lưới đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho du lịch. Đồng thời, phải khuyến khích các tổ chức quốc tế thành lập trường đào tạo du lịch tại miền Trung.

Để có sự liên kết đó, các cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng. Ông Nguyễn Văn An cho rằng, Nhà nước là người lái thuyền chứ không phải người chèo thuyền. “Lâu nay nhiều đơn vị vẫn cứ có thói quen cứ làm rồi từ từ tính. Các doanh nghiệp nên cung cấp cho chúng tôi hoặc Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về nhu cầu của mình trong những năm tới. Chúng tôi sẽ đặt hàng với các trường nghề để bảo đảm chất lượng và số lượng”, ông An nói.

P.TRÀ - V.TRINH

;
.
.
.
.
.