.

Để tàu du lịch sông Hàn hút khách

.

Các tàu du lịch trên sông Hàn đón khoảng 5.000 lượt du khách mỗi tháng, đưa hình ảnh của thành phố đến gần hơn với du khách. Thế nhưng, con số này vẫn còn khiêm tốn...

Ông Minh, chủ tàu du lịch Minh Tần, tạm thời phải bắc thang cho du khách lên tàu.                            Ảnh: KIM NGÂN
Ông Minh, chủ tàu du lịch Minh Tần, tạm thời phải bắc thang cho du khách lên tàu. Ảnh: KIM NGÂN

Bộn bề nỗi lo

Sáng sớm, ông Trần Văn Minh (64 tuổi, quê ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), chủ tàu du lịch Minh Tần, đã chuẩn bị bàn ghế trên tàu cùng các phương tiện cần thiết cho tour Khám phá bán đảo Cù Lao Chàm - Đà Nẵng. Giá một tour như thế khoảng 1 triệu đồng/người. Ông Minh cho biết, ông làm nghề này được 3 năm nay. “Từ khi có cầu Rồng, khách đi đông hẳn. Ngoài chiếc tàu nhỏ, tôi mua lại chiếc tàu lớn này với giá 400 triệu đồng để chở khách, chủ yếu là khách ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và khách nước ngoài. Khách Đà Nẵng rất ít”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, bình thường khách ít sử dụng dịch vụ tàu du lịch sông Hàn, riêng thứ 7, chủ nhật thì nhộn nhịp. Nhẩm tính trừ hết chi phí khác, ông thu nhập trung bình khoảng hơn 20 triệu đồng/tháng.

Mời chúng tôi sang tàu, ông Minh phải bắc một thang nhỏ do ông… tự chế nối từ lan can qua thành tàu. Ông bước thoăn thoắt, ngoái lại cười trước vẻ e ngại của chúng tôi. “Tụi tôi mong lắm có nơi đậu đỗ, có đường lên xuống đàng hoàng chứ để khách “leo” thế này vừa nguy hiểm, vừa không đẹp mắt. Đã có mấy cô, mấy chị mặc váy mang guốc cao bị trượt chân, may chưa té xuống sông”, ông Minh kể. Hiện nay, nước uống và sinh hoạt trên tàu đều do ông Minh “tự túc” bằng việc mang từ nhà đến.

Ngoài tàu ông Minh là tàu du lịch, còn có khá nhiều tàu khác được “cải hoán” từ tàu cá nên các trang thiết bị, phương tiện trên các tàu này đều chưa đầy đủ. Mới khai trương hơn 2 tháng, tàu Cát Tiên cũng đón khách lai rai, có khi đậu đỗ để khách ngồi uống nước, thưởng ngoạn sông. Quản lý tàu cho biết, phải gom đủ 30 khách thì tàu mới khởi hành nên khách lẻ muốn đi cũng đành chịu. Giá mỗi lần đi từ cầu Rồng đến cầu Thuận Phước khoảng 50.000 đồng/người. Theo quản lý tàu, không thể tăng giá hơn nữa vì tăng nữa thì khó có khách.

Hiện nay hầu hết các phương tiện tàu thuyền du lịch của các doanh nghiệp đều hoạt động trong tình trạng không có bến neo đậu, rất khó khăn cho các thuyền hoạt động, nhất là vào dịp mưa bão, không an toàn cho du khách. Trung bình có 13 tàu, trong đó chỉ 4-5 tàu hoạt động thường xuyên, còn lại chạy ít. “Các tàu thuyền du lịch hiện nay rất ít khi dừng lại tham quan tại điểm cụ thể và thiếu các dịch vụ bổ sung, chất lượng dịch vụ phục vụ du lịch thuyền nhìn chung còn thấp và chưa chuyên nghiệp. Các dịch vụ hiện nay cũng đơn điệu, chưa đa dạng, chưa hấp dẫn”, chị Lê Thị Mỹ Hà (46 tuổi, đến từ Hà Nội) từng tham gia nhiều chuyến du lịch đường sông tại Đà Nẵng nhận định.

Chờ dự án

Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Đức Trung - Trưởng Phòng Quản lý lữ hành thuộc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng cho biết đã gửi công văn nhắc nhở đề nghị tàu thuyền phải bảo đảm an toàn, không chấp hành thì đề nghị rút giấy phép. “Hiện thành phố đã phê duyệt 8 vị trí xây dựng bến đỗ du thuyền và cầu tàu du lịch dọc hai bên bờ sông Hàn do Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng lập; trong đó có bến du thuyền tại khu vực dự án bất động sản và du thuyền Đà Nẵng, bến du thuyền tại khu vực dự án Olalani Riverside Towers (đều thuộc phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), cầu tàu nhỏ tại khu vực đối diện khách sạn Riverside, cầu tàu du lịch tại khu vực khu dịch vụ du lịch ven sông Hàn (thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà). Chúng tôi đang phối hợp với Viện để xây dựng, cuối năm nay phải xong quy hoạch phân khu rồi sẽ kêu gọi nhà đầu tư”, ông Trung nói.

Ông Trung cũng thừa nhận hiện nay các tàu chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách và ở tình trạng mạnh ai nấy làm, chưa có sự liên kết. “Khi có cầu cảng, ngành sẽ thành lập một đội tàu du lịch, sau này sẽ có đồng giá tùy theo bảng biểu dịch vụ. Tháng 9, chúng tôi sẽ đào tạo cho các nhân viên phục vụ trên tàu”, ông Trung khẳng định.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành du lịch, Đà Nẵng không chỉ cần xây thêm các bến bãi cho tàu thuyền du lịch mà còn thêm quầy bán vé, các quầy bán hàng lưu niệm, quầy cho thuê các dịch vụ lặn biển cũng như câu cá, các khu ẩm thực, quầy giải khát cùng các cơ sở bổ sung và nên quy hoạch đường Bạch Đằng thành tuyến đường đi bộ, mua sắm, giải trí cho du khách, khách đi thuyền với những không gian đa dạng như: không gian điêu khắc, không gian triển lãm tranh…

V.TRINH - K.NGÂN

;
.
.
.
.
.