Cái giỏi của người Hàn Quốc là cách làm du lịch, cách tôn vinh di sản của cha ông, của đất trời, để khách du lịch không cảm thấy tiếc công sức và tiền của đã bỏ ra để làm giàu cho xứ sở kim chi.
Đến Hàn Quốc, dường như khó có ai không thưởng lãm thiên đường du lịch, một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của nhân loại: đảo Jeju.
Mọi công trình ở Jeju rặt một thứ đá núi lửa xù xì, xôm xốp, đen đen, xanh xanh. Ảnh: L.QUÂN |
Đặc sản nổi tiếng ở Jeju là socolate cam, mỗi viên nặn hình một vị phúc thần nhân hậu của người Hàn, thứ này được chưng cất từ những rừng cam ngon nức tiếng của hòn đảo xinh đẹp chỉ nằm cách thủ đô Seoul mấy chục phút đường trời. Người Jeju làm du lịch chuyên nghiệp đến mức ở nhiều quốc gia, du khách có thể bay thẳng đến hòn đảo mấy trăm nghìn dân này (tạm dịch là “Tế Châu đặc biệt tự trị đạo”) mà không cần visa, cứ đến đó mà du lịch, còn đi những nơi khác thì bao giờ có visa mới được… đi.
Đã là thiên đường du lịch thì không thiếu thứ gì, trên trời, dưới biển. Nhưng chúng tôi lắm lúc hơi mệt mỏi và thấy bừng bừng “tự ái” mỗi lần bay sang Hàn Quốc lại phải chứng minh công việc ổn định, vợ con đàng hoàng, có xe hơi đắt tiền, có nhà đất sổ đỏ mang tên mình, có tiền gửi tiết kiệm.
Tuy nhiên, có một thứ đặc biệt, tràn ngập khắp mọi nơi, từ dưới lòng đất sâu hun hút đến các đỉnh núi vòi vọi, các bãi biển mênh mông, trong mỗi ngôi nhà, mỗi khu sinh hoạt cộng đồng ở đảo Jeju. Ấy là đá núi lửa, là các tàn tích của các trận quả đất nổi giận, phun ra thứ nham thạch cuồn cuộn đỏ lửa, thứ ấy vừa gieo giết chóc kinh hoàng, vừa có vẻ đẹp kỳ diệu của sự… hủy diệt và sinh sôi.
Có thể nói không ngoa, toàn bộ đảo Jeju thiên đường du lịch hôm nay là một ngọn núi lửa đã tắt. Người Hàn chụp từ trực thăng thấy ngọn núi chính của Jeju tròn xoe, nhô cao lên mặt biển, đỉnh khối đá hình trụ lõm xuống, đúng là một cái miệng núi lửa xinh xắn. Đó cũng là lý do Jeju là địa phương duy nhất của Hàn đến nay vẫn không có tàu điện ngầm. Vì họ đào các địa đạo khổng lồ xong, định xây tàu điện ngầm như tất cả các tỉnh, thành khác của xứ Hàn, nhưng vì nền đất xốp, mềm, rỗng (tro than núi lửa) nên không dám xây nữa, bèn cho du khách thưởng thức những trận đi bộ ra trò, dọc các con phố mua sắm cực kỳ quyến rũ dưới lòng đất Jeju.
Nói không ngoa, đi Jeju chỉ chủ yếu ngắm núi lửa đã tắt. Người Hàn cấm tuyệt đối du khách mang đá núi lửa ra khỏi hòn đảo du lịch kia, ai vi phạm bị phạt rất nặng, trừ khi họ mang những sản phẩm chế tác từ đá núi lửa đã được cấp phép sản xuất và bán ra thị trường. Cầu đá, con đường lát đá, nhà vệ sinh ốp đá, nhà cửa, mọi công trình nuôi súc vật, bờ rào giậu cũng rặt một thứ đá núi lửa xù xì, xôm xốp, đen đen, xanh xanh. Một vẻ đẹp khiến người ta không thôi xuýt xoa mê mẩn.
Tượng các vị phúc thần của người Jeju đẽo từ đá núi lửa được trưng bày khắp nơi. Tượng đá, đến cả cái móc đeo chìa khóa bé bằng ngón tay bán làm hàng lưu niệm, cũng gọt bằng đá núi lửa. Chữ “kỳ quan thiên nhiên thế giới mới” của nhân loại cũng được đẽo bằng đá dựng ở gần miệng núi lửa lớn nhất đảo. Mỗi chặng dừng chân leo đỉnh núi Mặt trời, người ta lại cho du khách ngắm những hình núi rất có hồn.
Chẳng hạn, với con chó đá rêu phong khổng lồ, đứng dưới chân núi, một góc chụp chênh chếch, bạn sẽ có bức ảnh hôn vào mõm con chó đáng yêu ấy. Làm du lịch là họ chăm sóc đến từng ánh nhìn, từng góc bấm máy của du khách.
Du khách chụp ảnh bên con chó đá rêu phong khổng lồ. Ảnh: LÃNG QUÂN |
Rồi có hệ thống đá bazan dạng cột như kiểu Ghềnh đá đĩa (di tích quốc gia ở tỉnh Phú Yên của nước ta) và mỏm đá đầu rồng thiêng liêng của những người dân vốn rất trọng phong thủy ở đảo Jeju. Những bãi đá đen kịt, như đá được làm bằng than củi, người ta dùng cả một hệ thống đèn chiếu để hắt các loại ánh sáng lên đó. Đêm đến, ánh sáng nhân tạo giúp đỉnh đầu rồng “long mạch” tuyệt vời của người Jeju thêm tỏa sáng. Từng gờ đá đẹp, từng vón cục bọt khí dung nham “chảy” trên vách núi triệu triệu năm trước đều được tôn vinh, sắp đặt điểm nhìn giúp cho du khách chiêm ngưỡng đến tận cùng.
Jeju, đến đó bạn nghe chuyện và hiểu thêm về núi lửa với vai trò rất lớn của nó cho việc kiến tạo “trái đất này là của chúng mình”. Đảo là một công viên địa chất lớn, thông tin khoa học được đính trên đỉnh núi cao nhất, khắc vào đá núi miên man. Nếu bạn không ưa khám phá tri thức đó, thì dịch vụ, chocolate, thậm chí các mỹ nhân xứ Hàn lung linh vẫn đủ để cho bạn hiểu rằng, Jeju là một thiên đường du lịch. Cái giỏi nhất của người Hàn là cách làm du lịch, cách tôn vinh di sản của cha ông, của đất trời, để khách không cảm thấy tiếc công sức và tiền của bỏ ra để làm giàu cho xứ sở kim chi.
Ngẫm thế, mới thấy thương cho các di sản địa chất ở Việt Nam. Chúng ta có hệ thống cảnh quan lừng danh thế giới, điều này không còn phải bàn cãi nữa. Ngay chuyện núi lửa cũng vậy. Các dấu tích, liên quan đến núi lửa tuyệt đẹp ở ta rất nhiều. Ghềnh đá đĩa ở Phú Yên, Ba Làng An (Quảng Ngãi), thành đá Tà Cơn (Bình Định), rồi cả hệ thống thác tạo thành do núi lửa ở Đắc Nông, Đắc Lắc (như thác Trinh Nữ, Thác Dray Soap, thác Gia Long); đặc biệt quyến rũ và thú vị là các miệng núi lửa nổi tiếng ở Pleiku, tỉnh Gia Lai, như miệng núi lửa dương (nhô lên mặt đất) Núi Hàm Rồng, miệng núi lửa âm (thụt xuống mặt đất) - Biển Hồ (“đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”)…
Thế nhưng, các di sản cứ nằm im trong quên lãng thế, thậm chí nó bị tàn phá không thương tiếc. Xót xa thay! Trông người lại ngẫm đến ta. Đúng là đi xa để ngẫm ngợi về… nhà!
LĂNG QUÂN