Du ngoạn trên sông Hàn đang là sản phẩm du lịch thu hút người dân thành phố lẫn du khách gần xa, để trải nghiệm về những đổi thay của Đà Nẵng dọc hai bên bờ sông. Tuy nhiên, để sản phẩm du lịch này phát triển, cần một sự đầu tư bài bản từ các chủ tàu cũng như cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch.
Không có bến neo đậu khiến cho việc đón khách của tàu du lịch gặp nhiều khó khăn. Ảnh: HOÀNG HÂN |
Thiếu chuẩn an toàn
Du lịch trên sông Hàn chỉ mới bắt đầu phát triển từ năm 2009 trở lại đây nhưng được xem là sản phẩm du lịch độc đáo, có sức hút du khách trong và ngoài nước. Nhất là từ khi cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý đưa vào hoạt động đầu năm 2013 khiến du lịch đường sông trở nên nhộn nhịp, đông vui hơn. “Nếu như trước đây, đội tàu chỉ đông khách vào những ngày cuối tuần thì những tháng gần đây, hầu như đêm nào mỗi tàu cũng chạy được 2-3 chuyến, đón khoảng trên dưới 100 khách, đem lại thu nhập mỗi tháng khoảng vài chục triệu đồng. Chúng tôi rất phấn khởi và hy vọng trong tương lai sẽ đầu tư tàu to hơn, đẹp hơn góp phần phát triển ngành du lịch đường sông của thành phố”, ông Trần Văn Minh, chủ tàu du lịch Minh Trần, cho biết.
Hoạt động du lịch trên sông Hàn mặc dù có tiềm năng và những chuyển biến tích cực, nhưng nhiều năm nay vẫn thiếu sự đầu tư bài bản, nhất là bảo đảm an toàn để phục vụ du khách. Hiện nay, đội tàu du lịch Đà Nẵng có 15 chiếc của 9 doanh nghiệp với hơn 80 lao động. Đa số đều hoán đổi từ các tàu đánh bắt cá có công suất từ 15 - 30 CV với sức chứa từ 12 - 45 khách, riêng tàu Du lịch sông Hàn có sức chứa 250 khách. Do vậy, một số tàu có trang thiết bị, tiện nghi phục vụ chưa bảo đảm theo tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch như bình chữa cháy hết hạn sử dụng, thiếu áo phao…
Qua các đợt kiểm tra của Thanh tra Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Đà Nẵng, nhiều tàu vẫn chưa có bằng thuyền trưởng theo quy định về vận chuyển hành khách thủy nội địa, riêng tàu du lịch Minh Trần cũng không có thuyền trưởng. Một số trường hợp như tàu Du lịch Sông Hàn mặc dù đã có chứng chỉ, bằng cấp thuyền trưởng nhưng lại chưa phù hợp với công suất của phương tiện. Đối với nhân viên phục vụ, chỉ có tàu Du lịch Sông Hàn và tàu Hoàng Long Yến mới được đào tạo qua các lớp nghiệp vụ cơ bản về du lịch; còn lại đa số là ngư dân, chưa qua các lớp bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức về phục vụ du lịch còn hạn chế.
Theo số liệu thống kê của Đội Cảnh sát đường thủy, trong 8 tháng đầu năm đã kiểm tra và xử lý 30 trường hợp tàu du lịch vi phạm với số tiền hơn 42 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: không có bằng cấp chuyên môn, áo phao không đảm bảo, neo đậu không đúng nơi quy định, phương tiện phòng cháy chữa cháy không có giấy phép sử dụng... |
Hiện nay, công tác quản lý hoạt động của các tàu thuyền du lịch trên sông Hàn giữa Cảnh sát đường thủy Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Cảng vụ Đà Nẵng và Sở VH-TT&DL vẫn còn chồng chéo, chưa phân cấp rõ ràng. Ông Trần Hữu Xuân, Đội phó Đội Cảnh sát đường thủy, Công an thành phố Đà Nẵng, cho biết: “Sự chồng chéo trong quản lý tàu thuyền khiến công tác kiểm tra không thường xuyên dẫn đến một số tàu đã quá hạn đăng kiểm, hoặc tàu cá không bảo đảm an toàn vẫn tổ chức hoạt động vận tải, đưa đón khách trên sông Hàn”.
Một bất cập nữa là do hiện nay chưa có cầu tàu, bến để các thuyền du lịch đậu, đỗ đón khách theo quy định, cũng như hình thành các tuyến đi - đến bài bản để phục vụ khách. Vì vậy, nhiều năm trôi qua, tất cả các tàu hiện nay vẫn chưa được Sở Giao thông vận tải cấp giấy phép vận chuyển hành khách thủy nội địa theo quy định của Thông tư 20/2011/TT-BGTVT.
Thời gian qua, các tàu phải neo đậu tạm thời tại các bến tạm dọc theo đường Bạch Đằng (khu vực đối diện VTV Đà Nẵng và Khách sạn Green Plaza). Tuy nhiên, do không có đủ lối lên xuống cho khách nên các chủ tàu đã làm cầu thang sắt bắc qua lan can đường Bạch Đằng để khách xuống tàu rất nguy hiểm và gây mất mỹ quan đô thị. Vì vậy, ngày 15-1-2013, UBND thành phố ra Quyết định số 556/QĐ-UBND về việc phê duyệt sơ đồ vị trí bến đỗ du thuyền và cầu tàu du lịch trên sông Hàn với 8 điểm cụ thể nằm dọc hai bên sông Hàn khiến các chủ tàu tỏ ra vui mừng vì có nhiều vị trí neo đậu thuận lợi, không phải lo sợ việc đậu đỗ trái phép như trước đây. Tuy nhiên, theo nhiều chủ tàu phản ánh, 8 bến đỗ này đều có chủ đầu tư nên họ không thể cập bến đón khách. “Chúng tôi mong sớm có bến đậu đỗ để yên tâm làm ăn, góp phần xây dựng ngành du lịch Đà Nẵng phát triển trong tương lai”, ông Trần Văn Tạo, chủ tàu du lịch Mỹ Xuân chia sẻ.
Sản phẩm đơn điệu
Từ đầu năm 2013, việc đưa vào các sản phẩm du lịch mới như tour chiêm ngưỡng cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý về đêm, khám phá Bãi Cát Vàng, vòng quanh Bán đảo Sơn Trà… đã đưa du lịch đường sông ở Đà Nẵng ngày càng phát triển, đem lại tín hiệu vui cho cả đội tàu. Nhiều điểm đến về văn hóa cũng được khai thác như Làng cổ Túy Loan, Khu di tích K.20, Làng nghề Ngũ Hành Sơn… được du khách đón nhận nhiệt tình. Tuy nhiên, nhiều công ty lữ hành cho biết, du lịch đường sông ở Đà Nẵng chủ yếu mới chỉ mang tính chất đi dạo trên sông, ít khi dừng lại hai bên bờ.
Các tàu du lịch neo đậu ở bờ đông trong điều kiện vệ sinh môi trường, an ninh, trật tự không bảo đảm. |
Điểm yếu của du lịch đường sông ở Đà Nẵng là chỉ khai thác được mùa khô, còn mùa mưa các tàu du lịch gần như phải nằm bờ vì công suất nhỏ không đáp ứng được yêu cầu trong điều kiện thời tiết khó khăn. Ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours), đánh giá: “Sản phẩm du lịch đường sông ở Đà Nẵng còn khá đơn điệu, còn mang tính thời vụ, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Bài toán làm sao hình thành nhiều điểm đến mới với nhiều loại hình dịch vụ giải trí phù hợp, tạo được thêm nhiều tour, tuyến du lịch phục vụ du khách vẫn còn nan giải”.
Để thu hút du khách, thời gian qua, các chủ tàu du lịch cũng đã đầu tư bổ sung một số dịch vụ trên tàu như: ca nhạc, múa Chăm, karaoke, các thức uống giải khát… và tự xây dựng điểm đến tại Bãi Cát Vàng ở Bán đảo Sơn Trà để phục vụ du khách; tuy nhiên chất lượng chưa cao và chưa chuyên nghiệp. Thời gian gần đây, một số tàu thuyền mở nhạc quá to, kéo dài đến khuya cũng đã ảnh hưởng đến người dân sinh sống tại khu vực bờ Tây, dọc đường Bạch Đằng.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN