(ĐNĐT) - Hiện nay, một phương án quy hoạch khu vực đỉnh đèo Hải Vân đang được hoàn thiện và sau khi UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt, nơi đây sẽ được đầu tư thành điểm du lịch độc đáo, hút khách. Tuy vậy trước mắt, sau hơn 1 năm triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, tình trạng chèo kéo khách trên khu vực đỉnh đèo Hải Vân dù đã tạm lắng nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Di tích Hải Vân Quan trên đỉnh đèo Hải Vân là một địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch. |
Vẫn còn tình trạng chèo kéo
Theo ghi nhận của chúng tôi hôm 20-9, sau hơn 1 năm thực hiện kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, chống chèo kéo khách tại khu vực đỉnh đèo Hải Vân, tình trạng người bán hàng rong bu bám, giành khách cơ bản lắng xuống. Cảnh khách bước xuống xe là phải "nhăn mặt, nhíu mày" khó chịu vì dăm bảy người bán hàng rong vây quanh mời mua hàng hoặc mời vào quán “quen” để nghỉ ngơi, uống nước đã chấm dứt. Tuy nhiên, một số khách du lịch nước ngoài thi thoảng vẫn bị các đối tượng buôn bán tại đây đeo bám, làm phiền trong quá trình tham quan.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho biết, sau khi thực hiện đồng bộ và tích cực các phương án đảm bảo an ninh trật tự cũng như phân công lực lượng thường trực giữ gìn trật tự, an toàn cho du khách lẫn cảnh quan môi trường trên đỉnh đèo Hải Vân, đến nay tình trạng chèo kéo, bu bám tại đây đã giảm hẳn. “Tất nhiên là thi thoảng vẫn còn diễn ra tình trạng chèo kéo đối với một số khách đi lẻ, còn khách đi đông hoặc đi theo đoàn thì ít hơn”, ông Chương xác nhận.
Sau khi UBND quận Liên Chiểu tiến hành kẻ vạch, phân làn làm bãi dừng, đỗ xe ôtô và xe khách, thì tình trạng tranh giành khách vào quán đã giảm hẳn và đi vào nền nếp hơn. Tổ trực thường xuyên trên đỉnh đèo gồm lực lượng dân quân thường trực của UBND phường Hòa Hiệp Bắc cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng Đồn Hải Vân hoạt động khá tích cực nên an ninh đảm bảo hơn.
“Song do điều kiện ăn ở, đi lại của lực lượng này đang gặp nhiều khó khăn nên vẫn còn đôi chút hạn chế. Chúng tôi đã kiến nghị giao lại ngôi nhà trụ sở Bưu điện cũ trên đèo đang bị bỏ hoang lâu nay cho quận quản lý, vừa làm nơi ăn nghỉ cho anh em trực, vừa có thể phát triển thành điểm du lịch sau này nhưng chưa có ý kiến trả lời. Ngoài ra, do khu vực đỉnh đèo vẫn chưa được cắm biển điểm du lịch nên quận cũng chưa thể làm bảng nội quy được”, ông Chương nói.
Nhiều hàng quán chưa niêm yết giá bán rõ ràng |
Cần niêm yết giá bán rõ ràng
Theo khảo sát thực tế, hầu như giá cả các mặt hàng lưu niệm bày bán tại khu vực đỉnh đèo Hải Vân chưa được niêm yết, chủ quán bán theo kiểu “nhìn mặt ra giá”. Nếu là khách “ta” thì bán cao hơn gấp rưỡi, khách “Tây” thì bán gấp đôi, gấp ba. Theo đó, 1 lon coca được bán với giá 15.000 đồng, nước suối 12.000 đồng/chai, càphê 20.000 đồng/ly… Còn các mặt hàng lưu niệm như: vòng cổ ngọc trai, các loại vòng, dây đeo bằng đá, đồ gỗ… thì giá “vô chừng”, người bán nói giá, người mua trả hồi nào đôi bên vừa lòng thì thôi. Chị Đỗ Thị Nhung, du khách đến từ Việt Trì (Phú Thọ) cho biết, đã lỡ vào hỏi rồi kiểu gì cũng phải mua một món, không thôi họ cứ đi theo lèo nhèo, nài nỉ mãi.
Anh Lê Văn Hải, hướng dẫn viên du lịch người Huế, thường xuyên dẫn khách đến đây, cho biết anh đã quá quen với việc phải trả giá cao ở các khu du lịch nên cũng không còn thấy bức xúc nữa. “Nhưng tôi mong sao chính quyền địa phương quy hoạch lại khu này, dù sao đây cũng là khu du lịch, đón nhiều đoàn khách nước ngoài mà hàng quán nhếch nhác, lôi thôi quá, nhìn rất mất mỹ quan”, anh Hải nói.
Về việc thực hiện niêm yết giá bán, bán theo giá niêm yết, làm thẻ nhân viên phục vụ khách du lịch cho hộ kinh doanh…, ông Chương cho biết, quận cũng đã tiến hành tập huấn về kinh doanh văn minh thương mại cho tất cả các hộ đang buôn bán ở đây và cũng đã cấp đồng phục, bảng tên… Phòng Kinh tế quận Liên Chiểu cùng với lực lượng Quản lý thị trường cũng đã yêu cầu các hộ gắn bảng giá lên sản phẩm và bán đúng giá niêm yết.
“Những hộ kinh doanh không thực hiện đúng cam kết về văn minh thương mại, an ninh trật tự, niêm yết giá cả… sẽ bị phạt tiền, thu hồi giấy phép kinh doanh. Nếu phát hiện hộ nào có dấu hiệu che dấu các đối tượng chèo kéo du khách, chúng tôi sẽ xử phạt thật nặng, thậm chí sẽ cấm kinh doanh trên đèo”, ông Chương khẳng định.
Tuy chính quyền địa phương đã có những quy định cụ thể, nhưng thực tế, việc niêm yết giá của các hộ kinh doanh ở khu vực này không thực hiện nghiêm túc. Rất nhiều hàng quán phớt lờ và chỉ bán theo chủ quan cùng sự thỏa thuận với du khách.
Quy hoạch phát triển du lịch tại đỉnh đèo Hải Vân
Hiện tại, Viện quy hoạch xây dựng thành phố Đà Nẵng đang hoàn thiện phương án quy hoạch, mở rộng, sắp xếp các gian hàng bán quà lưu niệm ở khu du lịch đỉnh đèo Hải Vân và đang chuẩn bị trình lên UBND thành phố xét duyệt và đưa vào triển khai trong thực tế.
Theo phương án dự kiến của Viện Quy hoạch xây dựng thành phố, toàn bộ khu quy hoạch trên đỉnh đèo Hải Vân có diện tích khoảng 6.000m2, nằm trong phần đất thuộc quản lý của Đà Nẵng; trong đó, sẽ quy hoạch tổng mặt bằng, bố trí và tổ chức lại giao thông, các khu vực dịch vụ phục vụ du lịch. Đặc biệt, tiến hành quy hoạch đồng bộ một dãy khoảng 12-15 ki-ốt đồng bộ về kiến trúc, theo mẫu thiết kế chung và sau đó sẽ sắp xếp lại toàn bộ các hộ kinh doanh đang buôn bán trên đỉnh đèo, tạo thành điểm nhấn cho cảnh quan nơi đây.
Với di tích Hải Vân Quan (phần diện tích thuộc Đà Nẵng), thành phố sẽ đầu tư nghiên cứu, thiết kế lại vùng cảnh quan và sẽ tiến hành tôn tạo, sắp xếp lối đi, thiết kế sân vườn, trồng thêm cây xanh phù hợp với di tích.
Đặc biệt, một khu vực sàn vọng cảnh để phục vụ du khách đứng ngắm về hướng Đà Nẵng từ đỉnh đèo Hải Vân cũng sẽ được xây dựng ở phía trước mặt di tích Hải Vân Quan. Theo đó, sàn vọng cảnh này có chiều dài khoảng 100m, rộng khoảng 12m, có lan can và Viện Quy hoạch xây dựng đang đề xuất sẽ làm sàn bằng gỗ.
Hy vọng, với sự đầu tư và sắp xếp quy hoạch một cách bài bản, dựa trên việc tôn trọng không gian thiên nhiên sẵn có, đèo Hải Vân sẽ thực sự trở thành một điểm đến hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua trong mỗi dịp ghé qua dải đất miền Trung hiền hòa này.
Đèo Hải Vân có chiều dài 21km, vượt qua những rặng núi thuộc dãy Trường Sơn vươn ra sát biển, nằm giữa tỉnh Thừa Thiên Huế (phía Bắc) và thành phố Đà Nẵng (phía Nam). Có độ cao 496 mét so với mực nước biển, trên đỉnh đèo gần như lúc nào cũng có sương mù bao phủ nên còn được gọi là “đèo Mây”. Theo sách “Đại Nam thực lục chính biên”, Hải Vân Quan được xây dựng vào năm Bính Tuất (1826), niên hiệu Minh Mạng thứ 7. Phía trước, phía sau đều đặt một cửa quan (Ngạch trước viết ba chữ “Hải Vân Quan”, ngạch sau viết 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (đây là từ đề tặng của vua Lê Thánh Tông khi dừng chân ngắm cảnh nơi này).… |
Bài và ảnh: Đắc Mạnh - Quỳnh Trang