.

Khách du lịch Trung Quốc tăng

.

Trung Quốc được xem là một trong những thị trường khách du lịch trọng điểm của Đà Nẵng. Trong những năm gần đây, việc Đà Nẵng tập trung khai thác nguồn khách tiềm năng này đã đem lại nguồn doanh thu lớn cho ngành du lịch.

Khách du lịch Trung Quốc mua sắm tại chợ Hàn.
Khách du lịch Trung Quốc mua sắm tại chợ Hàn.

Tour tàu biển chiếm tỷ lệ cao

Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho biết, lượng khách Trung Quốc (TQ) đến Đà Nẵng trong những năm gần đây tăng cao hơn so với những thị trường khách quốc tế tiềm năng khác như Nga, Hàn Quốc, Thái Lan... Dự kiến trong năm 2013, thành phố đón khoảng 700.000 lượt khách quốc tế, trong đó riêng khách TQ chiếm 1/5. Nếu năm 2012, Đà Nẵng đón hơn 92.400 lượt khách TQ thì riêng trong 9 tháng đầu năm 2013, thành phố đã đón trên 102.400 lượt khách. Con số này dự kiến sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến, lượng khách TQ dự báo sẽ bùng nổ mạnh mẽ.

Hiện nay, đa phần khách TQ biết đến Đà Nẵng thông qua tư vấn của các hãng lữ hành (chiếm khoảng 41%). Nắm bắt nhu cầu tăng cao của thị trường, một số hãng lữ hành mở các tour du lịch trọn gói chuyên khai thác khách TQ về Đà Nẵng, trong đó tour tàu biển chiếm tỷ lệ cao.

Ông Trần Lực, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty Lữ hành Saigontourist tại Đà Nẵng, cho hay: “Khách TQ đối với thị trường Đà Nẵng không quá xa lạ. Để tập trung khai thác lượng khách tiềm năng này, Saigontourist đưa ra nhiều chương trình tour với giá cả hấp dẫn, trong đó tour du lịch tàu biển được nhiều du khách TQ lựa chọn”. Theo Saigontourist, trong mùa du lịch tàu biển 2013-2014, công ty dự kiến sẽ đón khoảng 42 chuyến tàu với khoảng 70.000 lượt khách, trong đó lượng khách TQ chiếm 50%.

Dù khách TQ thường đi du lịch ngắn ngày và không kéo dài thời gian lưu trú bằng khách châu Âu nhưng cũng mạnh tay chi tiêu vào các hoạt động mua sắm, ăn uống. Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, trung bình khách TQ lưu trú tại thành phố khoảng 5 ngày với mức chi tiêu trên dưới 500 USD, trong khi khách châu Âu lưu trú ở thành phố dài ngày hơn (từ 10-12 ngày) nhưng cũng chỉ chi tiêu khoảng 1.000 USD.

Một số cơ sở lưu trú ở Đà Nẵng thường xuyên được khách TQ lựa chọn như Crowne Plaza, Hyatt, Pullman, Novotel… cũng thuộc nhóm khách sạn từ 3-5 sao. Ông Adwin Chong, Tổng Giám đốc Khách sạn Crowne Plaza, cho biết: “Đà Nẵng có sức hấp dẫn lớn với nhiều du khách TQ vì ẩm thực phong phú, chất lượng dịch vụ chu đáo, người dân thân thiện... Tôi chưa nghe ý kiến phàn nàn nhiều từ phía khách TQ đến Đà Nẵng”.

Cần thêm nhiều dịch vụ

Ngoài tàu biển, trong năm 2013, nhiều chuyến bay kết nối Đà Nẵng với các tỉnh, thành lớn của TQ được mở ra tạo cơ hội hợp tác làm ăn cho các doanh nghiệp du lịch của hai nước. Hiện Đà Nẵng có 1 đường bay trực tiếp và 8 chuyến bay thuê bao đến TQ do nhiều hãng hàng không khai thác như Vietnam Airlines, China Eastern Airlines, Southern Airlines, Far Eastern Airlines. Thế nhưng, theo nhiều công ty lữ hành cho hay, chỉ có 1 đường bay trực tiếp như hiện nay là quá ít, vì vậy nên biến các đường bay thuê chuyến thành đường bay trực tiếp để mở nhiều chương trình tour du lịch trọn gói có sự kết nối giữa các dịch vụ vận chuyển, tham quan và lưu trú.

“Thành phố cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở thêm các chuyến bay trực tiếp từ Đà Nẵng đến TQ. Nhất là trong chương trình kích cầu du lịch hiện nay, các hãng hàng không nên liên kết với hãng lữ hành nhằm đưa ra mức giá ưu đãi để thu hút khách TQ đến thành phố nhiều hơn”, ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Vitours, đề xuất.

Nhiều công ty lữ hành cho hay, với lượng khách TQ tăng cao như hiện nay, tình hình sẽ căng thẳng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Bởi lẽ, nhìn nhận thị trường trong thời gian qua, khách TQ đến Đà Nẵng nghỉ dưỡng vẫn còn thời gian trống rất nhiều và cũng không có chỗ để tiêu tiền. “Thiếu xe vận chuyển, thiếu hướng dẫn viên du lịch, thiếu nơi giải trí về đêm, thiếu khu mua sắm… vẫn là bài toán nan giải của ngành du lịch thành phố trong nhiều năm nay”, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kỳ nghỉ Đà Nẵng, nhận xét.

Đà Nẵng xác định đến năm 2020 sẽ xây dựng trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế. Trong đó TQ dự báo sẽ là thị trường khách quốc tế bền vững, góp phần tạo nên điểm nhấn cho ngành du lịch thành phố trong tương lai.

Ngăn chặn bản đồ du lịch vi phạm chủ quyền Việt Nam

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng phát hiện và xử lý tổng cộng 37 vụ vận chuyển hàng hóa trái phép qua sân bay Đà Nẵng với số tiền xử phạt hành chính lên đến hơn 150 triệu đồng. Trong nhiều vụ vận chuyển hàng hóa trái phép, Chi cục đã phát hiện 4 vụ nghiêm trọng do hướng dẫn viên và khách du lịch Trung Quốc mang sách hướng dẫn du lịch, tập gấp du lịch, bản đồ Việt Nam không có hai quần đảo thuộc chủ quyền của nước ta là Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Nguyễn Thái Hoan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng cho biết: “Không rõ mục đích chính của họ là gì nhưng việc một khách du lịch Trung Quốc mang theo hàng trăm bản đồ như vậy đã đặt ra nhiều lo ngại. Đặc biệt trong thời gian gần đây, họ đã dùng nhiều thủ đoạn phức tạp để tuồn ấn phẩm trái phép này vào Đà Nẵng”.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng, khách du lịch mang theo bản đồ để họ biết rõ về nơi cần đến thì không có gì là sai phạm, thế nhưng nhiều người vô tình bị các tổ chức nước ngoài lợi dụng qua con đường du lịch để cung cấp bản đồ in không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà không biết. “Khi hỏi nguồn gốc của những tấm bản đồ này, họ đều nói là do các hãng du lịch cung cấp miễn phí hoặc được một tổ chức nào đó nhờ mang theo. Trong khi họ không phải bỏ tiền ra mua những tấm bản đồ này nên sẵn sàng nhận”, ông Hoan nhận định.

Để hạn chế trường hợp khách du lịch Trung Quốc mang bản đồ sai phạm đến Đà Nẵng, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thành phố yêu cầu các doanh nghiệp du lịch địa phương tuyên tuyền cho du khách và đơn vị lữ hành của nước bạn không nên mang theo bản đồ nhạy cảm. Thế nhưng, theo nhiều công ty lữ hành, hiện nay ở Đà Nẵng có nhiều chuyến bay thuê bao do các hãng lữ hành khai thác kết nối từ Đà Nẵng đến các tỉnh, thành phố lớn của Trung Quốc nên việc tuyên truyền cho khách du lịch gặp nhiều khó khăn.

“Ngoài những công ty lữ hành lớn, làm ăn uy tín thì không ít những công ty chuyên khai thác khách du lịch Trung Quốc về Đà Nẵng vẫn “lờ” đi công tác tuyên truyền, làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp địa phương”, ông Nguyễn Lê Duy, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Quốc Đô tại Đà Nẵng, cho biết.  

Sắp tới, Sở VH-TT&DL Đà Nẵng sẽ đưa quầy thông tin tại ga hành khách quốc tế đi vào hoạt động và phát bản đồ miễn phí cho du khách. Trước mắt, Sở VH-TT&DL Đà Nẵng đã đặt thêm bản đồ tại quầy thông tin du lịch tại ga nội địa và các quầy thông tin của các đơn vị du lịch địa phương. Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng cũng sẽ tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

MAI KHÔI

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN
 

;
.
.
.
.
.