.

Khai thác chi tiêu đối với khách tàu biển

.

Mùa du lịch tàu biển năm nay Đà Nẵng sẽ đón hơn 100 chuyến tàu cập cảng Tiên Sa với số lượng khách tăng gấp 3 lần so với năm ngoái. Sự nhộn nhịp của thị trường tàu biển báo hiệu một mùa bội thu cho du lịch Đà Nẵng thế nhưng việc khai thác chi tiêu đối với nguồn khách “nhà giàu” này vẫn còn hạn chế.   

Việc thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương khiến du khách tàu biển không mặn mà bỏ tiền chi tiêu vào các hoạt động mua sắm và vui chơi, giải trí tại địa phương. TRONG ẢNH: Hướng dẫn thông tin cho khách tàu biển.
Việc thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương khiến du khách tàu biển không mặn mà bỏ tiền chi tiêu vào các hoạt động mua sắm và vui chơi, giải trí tại địa phương. TRONG ẢNH: Hướng dẫn thông tin cho khách tàu biển.

Những tháng đầu năm, Chi nhánh Saigontourist tại Đà Nẵng lại tất bật đón hàng chục chuyến tàu biển ghé thăm thành phố xinh đẹp bên sông Hàn trong hải trình khám phá dọc biển Việt Nam. Là nhà điều hành tàu biển lớn nhất miền Trung, hầu như chuyến tàu biển nào, Saigontourist cũng lên chương trình cho khách đến Đà Nẵng vì nơi đây được nhiều du khách đánh giá môi trường du lịch an toàn và uy tín. Đặc biệt, việc nằm trên con đường di sản miền Trung, kết nối các điểm tham quan nổi tiếng như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, cố đô Huế khiến Đà Nẵng trở thành nơi dừng chân không thể thiếu của các chuyến tàu 5 sao.

Những cái tên quen thuộc như Henna, SuperStar Gemini, Costa Victoria… hầu như tuần nào cũng trở lại Đà Nẵng góp phần làm cho thị trường du lịch tàu biển ngày càng trở nên sôi động. Nhất là vào những tháng cao điểm, từ tháng 1 đến tháng 3, hầu như mỗi tuần Saigontourist đều đón từ 4-5 chuyến tàu với số lượng khách trung bình từ 1.000-1.500 khách/chuyến. “Có thể nói, thị trường du lịch tàu biển năm nay mang lại nhiều khởi sắc hơn cho du lịch Đà Nẵng với số lượng khách và số chuyến tàu tăng đáng kể. Bên cạnh đó, việc ngày càng có nhiều chuyến tàu mới đưa nguồn khách cao cấp đến Đà Nẵng đã chứng tỏ hình ảnh du lịch của thành phố ven sông Hàn được nhiều du khách biết đến và ưu ái lựa chọn trong lịch trình đến với miền Trung”, ông Huỳnh Minh Hoàng, Trưởng phòng Điều hành tàu biển, Chi nhánh Saigontourist tại Đà Nẵng cho biết.

Theo thông tin từ các hãng lữ hành, để chuẩn bị đón chuyến tàu biển chở khoảng 1.500-1.700 khách phải thiết kế trên dưới 20 chương trình cho du khách lựa chọn. Thế nhưng, trong khoảng 20 chương trình được thiết kế thì chỉ có vài tour về Đà Nẵng với khoảng 300-500 khách, còn lại đa số du khách lựa chọn đến Hội An, Huế và thánh địa Mỹ Sơn. Những chương trình tour với cái tên rất “kêu” như “Đạp xe quanh phố cổ” ở Huế, “Một ngày làm nông dân” hay “Tập làm đầu bếp” ở Quảng Nam được nhiều du khách lựa chọn; trong khi Đà Nẵng chỉ có xích lô, xem tuồng, tham quan ở Bảo tàng Điêu  khắc Chăm, mua sắm ở chợ Hàn và Big C đã không thực sự thu hút được nguồn khách này. “Đà Nẵng chỉ đóng vai trò là “trạm trung chuyển”, là nơi cho tàu cập cảng chứ chưa phải là nơi hấp dẫn để du khách bỏ tiền chi tiêu vào các hoạt động tham quan, mua sắm và vui chơi, giải trí”, một hướng dẫn viên chuyên hướng dẫn tour tàu biển nói.

Điểm đặc biệt của khách tàu biển là hiếm khi lưu trú qua đêm, vì vậy trong khoảng thời gian từ 8-12 tiếng du khách lưu lại thành phố được xem là “giờ vàng”, thế nhưng việc khai thác chi tiêu đối với nguồn khách này còn nhiều bất cập. Theo thống kê của các hãng lữ hành chuyên khai thác tàu biển tại Đà Nẵng, khách tàu biển chỉ có thể tiêu trung bình 30-50 USD/ngày ở Đà Nẵng, quá thấp so với mức chung ở các điểm đến khác. Hàng lưu niệm ở địa phương không đa dạng về chủng loại và phong phú về hình thức; mặt khác các cửa hàng lưu niệm quy mô nhỏ, không đủ sức chứa hàng trăm khách lại tản mác nhiều nơi không thuận lợi cho khách mua sắm.

Trong khi đó các sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác để phục vụ khách tàu biển trong vài năm trở lại đây như xem tuồng tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vẫn trở đi trở lại với những chương trình cũ khiến du khách nhàm chán hay tour dạo xích lô quanh thành phố cũng chỉ thu hút một lượng nhỏ du khách có mức chi tiêu bình thường chứ chưa thực sự lựa chọn của dòng khách cao cấp. “Khách tàu biển là dòng khách có thể mạnh tay bỏ tiền chi tiêu vào các dịch vụ mua sắm và vui chơi, giải trí; thế nhưng ở Đà Nẵng, họ không biết tiêu tiền vào đâu. Nhiều lần chúng tôi phải thỏa thuận với siêu thị Big C đóng cửa muộn hơn so với giờ quy định để du khách được mua sắm vài thứ trước khi về lại tàu”, đại diện một hãng lữ hành cho hay.

Mùa tàu biển năm nay có thể xem là “điểm nhấn” cho ngành du lịch Đà Nẵng khi một số hãng tàu mới lần đầu tiên đưa dòng khách giàu có đến thành phố như Azamara, Celebrity và Voyager. Điều đặc biệt hơn nữa là lần đầu tiên tàu biển Henda lưu trú qua đêm tại thành phố, hứa hẹn đem lại nguồn doanh thu cho các khách sạn và các nhà cung cấp dịch vụ tại địa phương. Thế nhưng thực tế cho thấy, nhiều chuyến tàu qua đêm tại Đà Nẵng thì hầu hết du khách lại chọn lưu trú tại Hội An và Huế, vì theo các hãng lữ hành, đêm Đà Nẵng vẫn chưa có gì đặc biệt để thu hút khách.

Phát biểu kết luận tại hội nghị triển khai công tác văn hóa, thể thao và du lịch 2014 mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến nhấn mạnh, du lịch được xem là 1 trong 5 hướng đột phá phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong năm 2014 và là “mũi nhọn” hàng đầu cần tập trung phát triển mạnh, nhất là ưu tiên phát triển loại hình du lịch cao cấp để quảng bá hình ảnh du lịch thành phố đến đông đảo bạn bè quốc tế. Trong khi khách tàu biển được xem là nguồn khách “nhà giàu” hướng đến dịch vụ du lịch cao cấp thì việc làm sao khai thác chi tiêu đối với nguồn khách này vẫn là bài toán khó cho ngành du lịch Đà Nẵng.

Bài và ảnh: MAI KHÔI
 

;
.
.
.
.
.