Du lịch
Du lịch - dịch vụ Đà Nẵng phát triển chưa xứng tầm
ĐNĐT - Đà Nẵng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch - dịch vụ nhờ sự phong phú, đa dạng của nguồn tài nguyên và nhân văn nhưng đến nay, thành phố vẫn đang loay hoay tìm hướng đi cho ngành du lịch.
Đây là nhận định của một số chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, đầu tư tại hội thảo “Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch quốc tế” được UBND Đà Nẵng tổ chức ngày 25-10.
Du lịch Đà Nẵng cần có chiến lược phát triển mang tính quốc tế cao để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và thế giới. Trong ảnh: Đoàn khách MICE châu Á tham quan thành phố bằng xích lô. (Ảnh tư liệu) |
Thiếu chiến lược phát triển mang đẳng cấp quốc tế
Ngành du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng.
Trong 9 tháng đầu năm 2014, hơn 3 triệu lượt khách du lịch đến Đà Nẵng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, khách quốc tế đạt 657.600 lượt (chiếm hơn 10,84% khách quốc tế của cả nước), tăng 18,4% so với cùng kỳ, doanh thu đạt 7.831,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, Trưởng Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển Vùng duyên hải miền Trung, du lịch Đà Nẵng có nhiều lợi thế nhưng đang thiếu một định hướng, chiến lược phát triển mang đẳng cấp cao của thế giới.
Năm 2013, xét trên lĩnh vực thu hút khách du lịch, ngành du lịch thành phố chưa cạnh tranh được với một số địa phương trong vùng, chỉ đứng thứ 3 về tổng lượt khách thu hút và khách quốc tế.
Cụ thể, tổng lượt khách du lịch Đà Nẵng là 3.117 triệu lượt khách, đứng sau Bình Thuận (3.525 triệu lượt khách) và Quảng Nam (3.400 triệu lượt khách). Về thu hút khách quốc tế, Đà Nẵng có 743.200 lượt khách, trong khi đó Quảng Nam đón 1,65 triệu lượt khách và Thừa Thiên Huế đón 927.828 lượt khách. Tình trạng khách du lịch trung chuyển qua Đà Nẵng để tiếp tục đi Huế hay vào Hội An, Nha Trang còn chiếm tỷ lệ cao.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch cũng chưa đáp ứng được nhu cầu, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia, lực lượng quản lý, lao động trình độ cao. Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch vừa yếu, vừa thiếu chuyên nghiệp cũng là một lý do tác động không nhỏ tới ngành du lịch Đà Nẵng.
PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lại cho rằng, các tỉnh miền Trung đều có lợi thế tương đồng nhau về bãi biển, cảng biển nước sâu, khu kinh tế, khu công nghiệp nhưng chưa tạo được quan hệ liên kết vùng hợp lý, chưa thật sự cùng dựa trên một tầm nhìn chiến lược (toàn cầu và thời đại) và một hệ quan điểm phát triển thống nhất (hiện đại-đẳng cấp) nên chưa tạo được sức hấp dẫn nhờ quy mô và sức mạnh đồng thuận, cũng chưa tạo ra sự lan tỏa mạnh trong phát triển dịch vụ nên cả vùng - trong đó có Đà Nẵng với tư cách là “tọa độ đột phá vùng” - còn gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư.
Định hướng thành trung tâm du lịch của toàn vùng
Cũng có lợi thế bờ biển đẹp nhưng mỗi năm đảo Bali của Indonesia tiếp đón khoảng 8 triệu khách du lịch mà trong đó chỉ có 1/3 là người nước ngoài. Tại sao lại có sự chênh lệch này?
Kiến trúc sư Robert Day, chuyên gia tư vấn quy hoạch du lịch, Phó Chủ tịch, Giám đốc về quy hoạch Tập đoàn WATG (Hoa Kỳ) phân tích, dù đảo Bali chưa có quy hoạch tổng thể chung thực sự nhưng bản thân nó đã tự chia thành nhiều vùng riêng biệt, có thể đáp ứng tất cả các thị trường khác nhau như: bãi biển Kuta được phát tiển cho nhóm du khách trẻ, nơi nghỉ ngơi phù hợp cho những người thích lướt sóng, những hoạt động ồn ào và năng động; Sanur lại là nơi yên tĩnh phù hợp với những người già; Seminyak là khu dành cho nhím khách giàu có và sành điệu…
Như vậy, Bali đã tạo ra nhiều phân khúc thị trường phục vụ từ du khách “ba lô” đến “ông trùm kinh doanh” để cùng tồn tại với nhau trên một hòn đảo tương đối nhỏ.
Còn Đà Nẵng dù nổi tiếng với hai khu bãi biển dài tuyệt đẹp song chúng chỉ là một phần thu hút tạo nên điểm đến dành cho các hoạt động du lịch biển.
"Cần quy hoạch không gian tiềm năng để Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch của toàn vùng. Các hoạt động du lịch theo tuyến đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền bá hình ảnh và dịch vụ du lịch. Đà Nẵng may mắn nằm ở trung tâm của tuyến du lịch di sản từ Huế đến Mỹ Sơn nhưng để nâng cao chất lượng và mở rộng các điểm đến du lịch trong vùng thì cần phát triển trọn gói các hoạt động tuyến này”, KTS Robert Day nhấn mạnh.
Trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để chúng ta mang được nhiều khách du lịch đến Đà Nẵng”, chuyên gia nghiên cứu lịch sử Chăm, Nathan Lauer cho rằng lời quảng cáo truyền miệng là cách đơn giản, hiệu quả nhất để mang lại cho khách hàng một doanh nghiệp.
Việc tạo ra những sản phẩm du lịch tại các điểm du lịch được khách mua và sử dụng không chỉ quảng bá cho điểm đến đó mà còn đem lại lợi nhuận cho người bán và khu vực của người bán. Vì vậy theo ông, một hệ thống các cửa hàng bảo tàng, hoặc thậm chí chỉ là một cửa hàng bảo tàng duy nhất cũng có thể hoạt động như một đại lý tiếp thị mạnh mẽ cho điểm du lịch của thành phố.
Để Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế có sức cạnh tranh cao, PGS.TS. Trần Đình Thiên chỉ ra rằng, Đà Nẵng cần có một số khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp. Đà Nẵng đã có nhưng xung quanh các khu này không có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí.
Đến bây giờ Đà Nẵng vẫn không có trung tâm thành phố theo đúng nghĩa “du lịch”, không có nơi cho khách giải trí tiêu dùng thời gian và tiền bạc. Bước ra khỏi khu nghỉ dưỡng, khách không có nhiều lựa chọn nên thường lưu lại ngắn ngày (3-4 ngày), trong khi thời gian du khách lưu lại ở Bali (Indonesia) hay Phuket (Thái Lan) có thể lên tới 7 ngày, thậm chí 15-20 ngày bởi ở những địa điểm này, du khách có nhiều loại hình du lịch hơn so với Đà Nẵng để họ có thể trải nghiệm và tận hưởng.
Do đó, cần làm phong phú các hoạt hình du lịch trải nghiệp đẳng cấp cao, phải có sự tương xứng giữa điểm đến và những hoạt động vui chơi giải trí, điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thực hiện mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành đô thị du lịch đẳng cấp quốc tế và mang tính cạnh tranh cao.
Bài và ảnh: Thu Hà