.

Giải pháp nào phát triển hướng dẫn viên "tiếng hiếm"?

.

ĐNĐT - Du khách từ một số thị trường như Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản… đến Đà Nẵng ngày càng tăng, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực thành thạo các ngoại ngữ này đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên (HDV).

Trước thực trạng đó, ngày 31-10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng đã tổ chức buổi tọa đàm “Giải pháp nâng cao số lượng và chất lượng hướng dẫn viên tiếng hiếm trên địa bàn TP Đà Nẵng” nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt đội ngũ HDV của những thị trường này và xây dựng nguồn nhân lực cho các thị trường tiềm năng khác.

Một chương trình du lịch thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ hướng dẫn viên.
Một chương trình du lịch thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ hướng dẫn viên.

Nhiều nhưng vẫn thiếu

Đà Nẵng có 1.612 HDV du lịch (bao gồm cả nội địa và quốc tế), chiếm 8,7% nguồn nhân lực của thành phố (18.508 lao động) và chiếm 10,5% trên tổng số HDV du lịch cả nước (15.314HDV), trong đó HDV quốc tế là 916 người chiếm 56,8% số HDV trên địa bàn.

Theo thống kê của Sở VH,TT&DL, lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng trong thời gian qua tăng trưởng nhanh chóng và tập trung ở một số thị trường các nước Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản), một số nước châu Âu và Thái Lan.

Tuy số lượng HDV đông nhưng chất lượng chưa cao, các công ty lữ hành sử dụng chưa tới một nửa số lượng HDV được cấp thẻ, bởi trong số những HDV này, chỉ có khoảng1/2 là người Đà Nẵng. Số còn lại đến từ các địa phương lân cận, sau khi được cấp thẻ lại công tác ở địa phương khác nên khó quản lý.

Hiện số lượng HDV ngày càng được trẻ hóa nên chưa có kinh nghiệm. Thực tế cho thấy, HDV nói tiếng Pháp, Đức, Nga có kinh nghiệm, giỏi nghiệp vụ thì đa số đều lớn tuổi, chủ yếu là các du học sinh, những người đi lao động về nước chuyển nghề làm HDV.

Trong khi đó, với các thị trường tiếng khác như Trung Quốc (có 192 HDV), Hàn Quốc (có 4 HDV), Nhật Bản (có 41 HDV), Tây Ban Nha (có 22 HDV)… thì các bạn trẻ mới tốt nghiệp đại học, chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về điểm đến du lịch tại Đà Nẵng cũng như các tỉnh miền Trung nên các đơn vị lữ hành chưa tìm được đội ngũ HDV phù hợp.

Trước tình trạng thiếu HDV, một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế chuyên khai thác khách quốc tế (khách Hàn Quốc) đã sử dụng người nước ngoài lao động tại Việt Nam (người Hàn Quốc) trực tiếp hướng dẫn cho đoàn khách tham quan nhưng những người này lại chưa am hiểu hết văn hóa Việt Nam và thành phố Đà Nẵng nên thông tin đến du khách một số nội dung chưa chính xác, dẫn đến hiểu sai về điểm đến, lâu dài ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố Đà Nẵng và Việt Nam.

Xác định mục tiêu lâu dài

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho rằng, phải xác định định hướng trung, dài hạn các nguồn khách đến với Đà Nẵng là gì và thiếu hụt ở đâu sau đó mới xác định các biện pháp đào tạo, hướng dẫn cho đội ngũ kế cận.

Bên cạnh đó, cũng cần có chế tài, quy định nhất định đối với đội ngũ HDV tự do để tránh tình trạng có những HDV yếu kém, làm ảnh hướng xấu đến việc quảng bá, giới thiệu các điểm đến trong mắt du khách.

“Còn với một số tiếng thực sự hiếm do Đà Nẵng không có các cơ sở đào tạo như tiếng Ý, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy…, chúng ta có thể tìm kiếm, mời giáo viên về mở lớp hoặc tập hợp các nhu cầu và gửi đi đào tạo ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Có như thế mới từng bước giải quyết được tình trạng thiếu HDV tiếng hiếm”, Ông Dũng “hiến kế”.

Đưa ra giải pháp phát triển HDV tiếng hiếm, theo ông Trần Trà, Chủ tịch CLB HDV du lịch Đà Nẵng, cần có biện pháp quản lý để HDV thực hiện nhiệm vụ của mình sao cho đúng tiêu chuẩn là một HDV quốc tế. Dù mỗi năm Sở có tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của HDV.

Ông Trà cũng đề xuất các HDV hiện nay học tiếng nào nên thuyết minh tiếng đó, có như thế mới đánh giá được chất lượng ngôn ngữ cũng như nghiệp vụ chuyên môn của từng người.

Về phía đào tạo, TS. Dương Quốc Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại Ngữ, Đại học Đà Nẵng cho biết từ năm 2009-2010, trường đã bắt đầu đào tạo chuyên sâu ngành cử nhân ngoại ngữ du lịch ở bậc đại học tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung… nhằm cung cấp cho sinh viên kiến thức khoa học cơ bản và kiến thức chuyên ngành ngoại ngữ du lịch để sau khi tốt nghiệp học có thể dễ dàng nhập cuộc.

Tuy nhiên, muốn làm tốt điều này, bên cạnh công tác đào tạo, cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với Sở VH,TT&DL cùng các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn. Qua đó, đảm bảo nguồn nhân lực kế cận, thúc đẩy và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ cho sự phát triển ngành du lịch Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL TP Đà Nẵng cho rằng cần phải xây dựng các mô hình liên kết đào tạo. Theo đó, Sở sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường nhu cầu và đánh giá, kiểm tra cấp thẻ. Song song đó, các công ty du lịch cần chủ động xử lý, bổ sung đội ngũ HDV theo nhu cầu thị trường và tăng cường công tác kiểm tra để đảm bảo môi trường làm việc, chất lượng HDV đáp ứng yêu cầu của du khách.

Bài, ảnh: Thu Hà

;
.
.
.
.
.
.