.
Đà Nẵng vào top "10 điểm đến mới nổi sáng giá nhất thế giới"

Ngành du lịch Đà Nẵng cần làm gì?

.

Trước sự kiện TripAdvisor, trang mạng uy tín của Mỹ chuyên tư vấn về những địa điểm du lịch đáng chú ý trên thế giới chọn Đà Nẵng vào vị trí dẫn đầu trong top “10 điểm đến mới nổi sáng giá nhất thế giới” cho năm 2015, ngành Du lịch Đà Nẵng phải làm gì để xứng đáng là điểm đáng đến nhất năm 2015 và những năm tiếp theo. Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với những chuyên gia, những người hoạt động trong ngành du lịch chung quanh vấn đề này.

Ngành du lịch Đà Nẵng nên tạo ra những sự kiện quốc tế cũng như sản phẩm du lịch của riêng mình để tạo sức hút dành cho du khách.Ảnh: THU HÀ
Ngành du lịch Đà Nẵng nên tạo ra những sự kiện quốc tế cũng như sản phẩm du lịch của riêng mình để tạo sức hút dành cho du khách.Ảnh: THU HÀ

Ông Lê Tấn Thanh Tùng: Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitour): Tăng cường sản phẩm để thu hút khách quốc tế

Kết quả bình chọn của TripAdvisor rất có ý nghĩa với Đà Nẵng ở thời điểm này. Trong khi Huế và Hội An mùa này rất khó có thể đặt được phòng thì Đà Nẵng đang thiếu khách quốc tế. Việc Đà Nẵng dẫn đầu điểm đến mới nổi trong năm 2015 sẽ là lợi thế cho Đà Nẵng trong năm sau, phần nào giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt khách quốc tế.

Tuy nhiên, để thực sự thu hút khách, ngành du lịch Đà Nẵng phải xác định rõ sản phẩm nào dành cho khách nước ngoài, phải xây dựng tour, tuyến phù hợp và chủ động tạo ra những sự kiện quốc tế riêng của ngành du lịch. Khách quốc tế đến Đà Nẵng có nhiều mục đích, có thể là tham quan các điểm đến nổi tiếng, trong đó có Huế và Hội An, vì thế chúng ta nên có những chuyến xe bus miễn phí của các đơn vị tư nhân để hạn chế tình trạng khách ngủ đêm ở Hội An; hoặc với đối tượng khách đi nghỉ mát ở các resort sang trọng, thích đi mua sắm thì chúng ta phải có các điểm vui chơi, mua sắm nhiều hơn nữa để tăng sức mua.

Mặt khác, nhiều khách quốc tế thường thích gói sản phẩm truyền thống, đến những điểm nổi tiếng của Đà Nẵng, vậy tại sao chúng ta không làm phong phú hơn nhưng điểm đến này? Ví dụ như, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một trong những điểm khách quốc tế rất muốn đến, bên cạnh việc trưng bày, chúng ta có thể xây dựng thêm sản phẩm múa Chăm, hay có cách thuyết minh hiện đại, sinh động hơn… Để làm được điều này cần có sự nghiên cứu cụ thể, chuyên sâu để tạo ra những sản phẩm thu hút
khách quốc tế.

Bà Doris Gallan, giảng viên khoa Du lịch, Đại học Duy Tân: Hướng đến đối tượng khách nhiều tiền

Đa số những người bình chọn của TripAdvisor là những khách trẻ, dưới 40 tuổi. Với người Mỹ, đây không phải là top khách có nhiều tiền, tuy nhiên được tin tưởng bình chọn như thế này là niềm vinh dự của Đà Nẵng và Đà Nẵng nên có những kế hoạch để thu hút những đối tượng khách trên tuổi 40, bởi đây là nhóm tuổi (40-60 tuổi) nắm giữ gần 2.100 tỷ USD thu nhập sau thuế tại Mỹ.

Theo khảo sát của Vibrant Nation (Mỹ), 58% phụ nữ ở độ tuổi 40-60 thường xuyên chi tới 2.500 USD cho mỗi chuyến du lịch và 70% trong số được khảo sát cho biết họ là người tự quyết định địa điểm du lịch. Do đó, để thu hút được đối tượng khách này, Đà Nẵng cần nghiên cứu và xem nhu cầu, mong muốn của khách là gì để đáp ứng mối quan tâm của họ.

Vì là đối tượng khách có nhiều tiền, thoải mái trong chi tiêu nên họ thường tìm kiếm những dịch vụ, sản phẩm tốt thay vì các dịch vụ thông thường nên ngành du lịch Đà Nẵng phải có những sản phẩm thực sự độc đáo, giá cả cạnh tranh và bắt nguồn từ mục tiêu phục vụ cộng đồng thì sẽ giữ chân được đối tượng khách nhiều tiền này.

Ông Peter R. Ryder, Tổng Giám đốc Tập đoàn Indochina Capital: Nên gia tăng các chuyến bay quốc tế và đơn giản hóa thủ tục visa

Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến ngành hàng không và thu hút các nhà vận chuyển mới từ các điểm đến mới là phí tiếp sân bay. Nói một cách đơn giản, chi phí cho một chuyến bay tiếp đất ở Đà Nẵng hiện gấp đôi các nơi khác. Điều này ngăn cản các hãng hàng không bay đến Đà Nẵng vì họ không thể có lợi nhuận.

Các hãng hàng không nên được khuyến khích bay vào Đà Nẵng, vì nếu xem xét mức chi tiêu trung bình của một du khách tại Đà Nẵng là khoảng 500 USD với thời gian lưu trú 3 đêm, sẽ đem lại khoảng 100.000 USD cho kinh tế thành phố mỗi khi có chuyến bay quốc tế đáp xuống Đà Nẵng; nếu chuyến bay diễn ra hằng ngày thì sẽ đem lại thu nhập cao hơn nữa.

Mặt khác, các thủ tục visa cũng cần được tinh giản, nên mở rộng đối tượng miễn visa cho nhiều quốc gia và cho phép lưu trú tối thiểu 15 ngày hoặc hơn. Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới và Hội đồng Du lịch và tham quan thế giới: “Việt Nam có thể tăng số lượt khách quốc tế khoảng 8-18% nếu triển khai thủ tục cấp phép visa ngay tại nơi đến”.

Nếu việc đơn giản thủ tục visa cộng với chính sách miễn visa cho một số quốc gia được thông qua thì lượng du khách đến Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng tăng nhiều hơn nữa.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bản sắc văn hóa của địa phương

Việc Đà Nẵng được TripAdvisor - trang mạng uy tín chuyên tư vấn về những địa điểm du lịch đáng chú ý trên thế giới của Mỹ bình chọn vị trí dẫn đầu trong top 10 điểm đến mới nổi sáng giá nhất thế giới năm 2015 là niềm vui lớn đối với ngành du lịch cũng như nhân dân thành phố. Nó góp phần đưa Đà Nẵng có tên trên bản đồ du lịch thế giới như nhiều thành phố ở khu vực Đông Nam Á đã làm được trước đây như Bali (Indonesia), Phukhet (Thái Lan)…

Mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến du lịch mang tầm quốc tế đã không còn xa vời. Để xứng đáng với sự bình chọn này, theo tôi trong thời gian tới ngành du lịch thành phố nên tập trung vào 5 giải pháp chủ yếu sau:

Trước hết, phải tổ chức việc khảo sát trên trang TripAdvisor xem lượng khách đã tham gia bình chọn, đánh giá về du lịch Đà Nẵng là đối tượng, lứa tuổi, châu lục nào, qua đó sẽ có được những thông tin sơ bộ ban đầu để chúng ta định vị được thị trường, lượng khách sẽ đến trong thời gian tới.

Lên kế hoạch quảng bá du lịch đến lượng khách mới, khách tiềm năng, tất nhiên sẽ không lơ là đối với du khách chúng ta đã khai thác lâu nay như khách nội địa, Nhật Bản, Trung Quốc…; xây dựng các sản phẩm du lịch tương ứng với từng loại khách như khách đến để nghỉ dưỡng ven biển, tham quan di sản hay hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng…

Ttập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các dịch vụ trong ngành du lịch nhằm đáp ứng được yêu cầu của đa dạng du khách khi đến Đà Nẵng, đào tạo nguồn hướng dẫn viên các thứ tiếng hiếm như Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản…; phát triển du lịch nhưng phải gắn với việc bảo vệ sự bền vững, không phá vỡ tài nguyên môi trường hay bản sắc văn hóa của địa phương, đây cũng là xu thế phát triển du lịch chung trên thế giới hiện nay.

Việc phát triển ngành du lịch không chỉ gói gọn riêng trong thành phố mà cần liên kết với các địa phương lân cận như Hội An (Quảng Nam), Huế… để tạo ra được những sản phẩm du lịch đặc sắc, mới mẻ, quảng bá rộng rãi lợi thế của ngành du lịch khu vực miền Trung trong thời gian tới…

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Viện trưởng Viện  Nghiên cứu Phát triển KT-XH thành phố Đà Nẵng: Tiếp tục xây dựng hình ảnh Đà Nẵng, thành phố thân thiện và môi trường.

Theo tôi, với những nỗ lực, đầu tư không ngừng trong thời gian qua, ngành du lịch Đà Nẵng xứng đáng với việc được trang web uy tín TripAdvisor bình chọn lọt top 10 điểm đến mới nổi hấp dẫn nhất hành tinh. Một lần nữa, thương hiệu thành phố Đà Nẵng thân thiện, đáng sống được vươn tầm thế giới.

Để tận dụng được lợi thế này, theo tôi, trong thời gian tới ngành du lịch thành phố nên tập trung hoàn thiện các dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm đạt chuẩn; có kế hoạch cụ thể nhằm liên kết hợp lý giữa các điểm với nhau, kể cả tính đến phương án liên kết thêm với các địa phương lân cận.

Hiện nay, nhiều công trình, khu vui chơi giải trí, mua sắm lớn như Trung tâm giải trí phức hợp Helio, Bến đỗ du thuyền, CLB thể thao dưới nước, Vòng quay Mặt Trời, Chợ đêm ở đường Trần Hưng Đạo, Phố chuyên doanh ở đường Lê Duẩn… đã và đang hoàn thiện để phục vụ du khách và bước đầu đã tạo được sức hút nhất định; quy hoạch mạnh mẽ các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo mang đặc trưng riêng của Đà Nẵng; đồng thời có chính sách ưu tiên đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nhằm góp phần giữ chân du khách lưu trú tại thành phố lâu hơn, số lượng khách quay lại lần 2, lần 3 tăng cao hơn.

Năm 2015 được thành phố chọn là “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, chính vì vậy cần làm quyết liệt để cải thiện hơn nữa thương hiệu của Đà Nẵng, một thành phố thân thiện, có môi trường xanh - sạch - đẹp, xử lý rốt ráo nạn chèo kéo khách. Nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch không chỉ là phần việc của các ngành chức năng mà còn là nghĩa vụ của mỗi người dân Đà Nẵng.

THU HÀ - KHÁNH HÒA ghi

;
.
.
.
.
.
.