.

Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp giải trí

.

ĐNĐT - Tại hội thảo quốc tế “Phát triển du lịch Đà Nẵng” do Trường Đại học Duy Tân phối hợp với Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Đà Nẵng và Khoa Du lịch Đại học San Jose State, Hoa Kỳ tổ chức ngày 13-12, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong và ngoài nước đã đưa ra những ý tưởng, chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp giải trí thành phố Đà Nẵng.

Đà Nẵng cần có thêm nhiều khu vui chơi giải trí  dành cho du khách trong và ngoài nước như vòng quay mặt trời Sunwhell.
Đà Nẵng cần có thêm nhiều khu vui chơi giải trí dành cho du khách trong và ngoài nước. Trong ảnh: Vòng quay mặt trời Sun Wheel.

Dịch vụ giải trí phát triển còn yếu

Theo PGS.TS Lê Đức Toàn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân, các hoạt động vui chơi, giải trí ở Đà Nẵng còn hạn chế, các dịch vụ giải trí ít, chưa đa dạng và chất lượng chưa cao. Kèm theo đó là thiếu các khu trung tâm thương mại hiện đại với các loại hình như mua sắm, biểu diễn thể thao, nghệ thuật... Phần đóng góp của dịch vụ giải trí vào GDP thành phố còn thấp, giá trị sản xuất của ngành còn hạn chế, chưa phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. 

Được biết, GDP năm 2012 của các hoạt động vui chơi giải trí là hơn 4.866 tỷ đồng, bằng 10,94% GDP toàn thành phố. Tỷ lệ lao động tham gia vào hoạt động giải trí mới chỉ đạt 13-14%, chưa phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Lao động làm việc năm 2012 của các hoạt động này là 69.600 người, bằng 14,3% tổng số lao động đang làm việc toàn thành phố.

Trước bức tranh thực trạng của ngành dịch vụ giải trí Đà Nẵng, Tiến sĩ Tsu Hong Yen, Khoa quản trị Du lịch và Khách sạn Đại học San Jose, chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp du lịch và giải trí tại Las Vegas.

Tại Las Vegas, các hoạt động giải trí rất phát triển, nổi tiếng về ăn uống, mua sắm và sòng bạc… Theo đó, Đà Nẵng phải xác định được sự phát triển dịch vụ của địa phương mình, từ đó có chiến lược quảng bá tới các đối tượng khách hàng thuộc các thị trường mục tiêu. Việc phân chia thị trường tổng thể của một dịch vụ thành những nhóm người có chung đặc điểm rất quan trọng, khi đó chúng ta sẽ xác định được họ cần gì.

Tiến sĩ Tsu Hong Yen cho rằng Đà Nẵng cần xác định tầm nhìn của thành phố đối với sự phát triển của ngành du lịch, cần có những buổi trình diễn nghệ thuật riêng của mình dựa trên nền tảng văn hóa địa phương. Các loại hình giải trí cần phải đáp ứng được sự kỳ vọng của du khách, có như vậy mới tạo sức hút và giữ chân được du khách dài ngày.

Tạo môi trường du lịch thân thiện, chuyên nghiệp

Tiến sĩ Kate Sullivan, Giáo sư trường Đại học bang San Jose, lại chia sẻ về sự kỳ diệu đến từ đội ngũ phục vụ ngành dịch vụ du lịch Disney. Bà nhấn mạnh việc thân thiện với khách là điều rất quan trọng. Việc làm cho khách cảm thấy được chào đón theo những cách đặc biệt khác nhau ở những nơi khác nhau là rất cần thiết bởi nó khiến khách cảm thấy vui vẻ và hài lòng.

Tiến sĩ Kate Sullivan cho rằng, ấn tượng ban đầu thường được nhớ rất lâu nên chỉ một cử chỉ, hành động tốt của đội ngũ nhân viên sẽ tác động rất nhiều đến tâm lý khách. Bên cạnh điểm đến thú vị thì việc họ có yêu thích, muốn trở lại hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào hình ảnh, phong cách chuyên nghiệp của đội ngũ phục vụ.

Nhận thấy việc xây dựng và phát triển ngành công nghiệp giải trí ở Đà Nẵng là rất cần thiết, ông Trương Nam Thắng, chuyên gia dự án du lịch nâng cao năng lực có trách nhiệm với Môi trường và Xã hội (ESRT program), đưa ra các quan điểm về chính sách phát triển du lịch bền vững ở Đà Nẵng.

Theo ông, việc hợp tác liên vùng là rất cần thiết, phải thực sự coi trọng giá trị của hai địa phương Thừa Thiên Huế và Quảng Nam không chỉ trong lời nói mà cả hành động. Đà Nẵng nên chủ động vươn lên, đóng vai trò đầu tàu trong liên kết, chủ động với vai trò là trung tâm đầu mối giao thông chính của cả vùng. Và điều quan trọng nhất là phải đánh giá được giá trị thực của Đà Nẵng và từ quan điểm này, khi xây dựng ngành dịch vụ giải trí nên để cho khách được hưởng dịch vụ tốt nhất của giá thành, dịch vụ nào thì giá tiền đó.

Chuyên gia Trương Nam Thắng cũng cho rằng Đà Nẵng nên mạnh dạn sử dụng những nhà tư vấn quốc tế, những chuyên gia giỏi để có được quy hoạch du lịch có chất lượng tốt với quan điểm và tầm nhìn chiến lược, hiện đại.

So với nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, Đà Nẵng gần như là đơn vị đầu tiên trong cả nước tạo ra được môi trường du lịch tốt, theo đó, lãnh đạo thành phố nên khuyến khích các đơn vị lữ hành tạo ra những sản phẩm dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường. Mặt khác, Đà Nẵng cũng đang bỏ ngỏ việc đào tạo nguồn nhân lực. Những người làm quản lý cấp trung và cấp cao ở Đà Nẵng đang rất thiếu, nên thông qua các tập đoàn lớn, kết hợp doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo để bổ sung đội ngũ này.

Tuy nhiên, ở phía đơn vị lữ hành địa phương, ông Trần Lực, Phó giám đốc Chi nhành Công ty Saigontourist tại Đà Nẵng, cho rằng thực trạng của Đà Nẵng là khách du lịch đến với Đà Nẵng ngày càng tăng cao nhưng dịch vụ giải trí lại chưa có, đòi hỏi không chỉ các doanh nghiệp mà cần có sự phối hợp của nhiều sở, ban, ngành. Muốn phát triển khu vui chơi giải trí phải quy hoạch nó nằm ở đâu, phải có sản phẩm, các chính sách cụ thể… Vì vậy, Đà Nẵng nên có những dự án cụ thể và kêu gọi đầu tư, xã hội hóa, có như vậy ngành du lịch Đà Nẵng mới phát triển.

Thu Hà

;
.
.
.
.
.