.

Học cách làm du lịch

.

Trở về sau chuyến đi Bangkok-Pattaya (Thái Lan) hồi cuối tháng 11-2014 do Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tổ chức, hơn 20 hộ làm kinh doanh dịch vụ dọc bãi biển Mỹ Khê rất ngạc nhiên trước cách người Thái làm du lịch. Trong suy nghĩ của mọi người, dường như người dân nào của Thái Lan cũng có thể làm du lịch.

Người làm kinh doanh phải biết cách khai thác lợi thế biển Đà Nẵng để thu hút khách hơn nữa.
Người làm kinh doanh phải biết cách khai thác lợi thế biển Đà Nẵng để thu hút khách hơn nữa.

Du khách tiêu nhiều tiền vẫn vui

Mặc dù đã được nghe nhiều về sự giỏi giang của người Thái trong việc thu hút khách du lịch, nhưng khi đến Thái Lan, nhiều du khách đều không khỏi ngạc nhiên và thán phục trước sự phát triển của ngành công nghiệp không khói. Với bất kỳ dịch vụ nào, ở đâu người Thái luôn có cách khiến du khách vui vẻ mở hầu bao để chi tiền.

Lần đầu tiên đi Thái Lan, chị Nguyễn Thị Quyến, tổ kinh doanh dịch vụ bãi tắm Phước Mỹ nhận thấy rằng, người Thái rất nhạy bén trong cách kiếm tiền. Chị cho biết, ở bất kỳ điểm du lịch nào cũng có các nhiếp ảnh gia tự do người Thái đang tác nghiệp. Họ chụp ảnh  du khách rất nhanh, sau đó in ra và gắn lên các đồ như bát, đĩa sứ hoặc các tấm bưu thiếp rồi để cho du khách tự tìm ảnh hoặc đưa tận tay cho khách.

Tuy nhiên, có một điều rất thú vị là khách xem xong tấm hình của mình có thể lấy hoặc không. Không hề có tình trạng chèo kéo hay ép khách phải lấy những tấm hình của mình. Theo chị Quyến, giá của mỗi tấm ảnh chụp được in sẵn như thế là 100 baht (khoảng 70.000 đồng), nhưng điều quan trọng người Thái đã đánh vào tâm lý của khách khi đi du lịch, ai cũng muốn có một vài tấm hình của mình để làm kỷ niệm, do đó sẵn sàng trả tiền để lấy hình. Theo chị, mỗi đoàn chỉ cần một nửa khách trả tiền lấy ảnh là người chụp ảnh đó đã có lãi.

Hay tại một điểm tham quan Cung điện vàng ở Pattaya, mỗi du khách là nữ vào thăm cung điện phải mua một chiếc Sarong (giá 100 baht) để cuốn từ ngang hông trở xuống mới được vào, còn nam giới nếu mặc quần ngắn cũng phải cuốn thêm chiếc Sarong này. “Đang háo hức được vào các điểm tham quan, khi họ nói thế chẳng lẽ du khách lại không mua để vào. Dù biết rằng họ đang “lấy” tiền của khách mà khách vẫn vui vẻ, không thấy bực mình. Đó là cái giỏi của họ”, chị Quyến cho biết thêm.

Quả thực, khi đến với Pattaya, các hộ kinh doanh dịch vụ ở Đà Nẵng rất ngạc nhiên khi thấy ngoài những lợi thế có sự ưu đãi của thiên nhiên thì các dịch vụ khách đều có bàn tay kiến tạo của con người. Biển Pattaya không đẹp, nhưng vẫn có những dịch vụ ăn uống, nơi cho khách nghỉ, tắm biển, ngắm cảnh và đặc biệt dịch vụ thể thao biển của Thái Lan rất phát triển.

Anh Nguyễn Hồng Vân, Đội trưởng đội trật tự biển cho biết, bãi biển của họ tuy không dài và đẹp bằng Đà Nẵng, nhưng do người Thái biết kết nối nhiều điểm tham quan nên lượng khách mỗi ngày đến Pattaya rất đông và các môn thể thao biển của họ như ca-nô, lướt ván, dù bay, dù lượn rất phát triển. Ngay từ sáng sớm, dù lượn, dù bay của họ đã bay rợp bờ biển do số hộ kinh doanh dịch vụ đông và giá dịch vụ cũng rẻ nên khách đến đây đều muốn chơi các môn thể thao này.

Biết nắm bắt cơ hội

Nhiều năm kinh doanh dịch vụ trên bãi biển Đà Nẵng, bà Hồ Thị Lài, tổ kinh doanh dịch vụ số 3 chia sẻ, có ra ngoài mới thấy được họ hơn và chưa bằng mình ở những điểm nào. Tại các bãi biển của Thái Lan họ đều phân chia các khu vực bán đồ hải sản, khu tắm, khu thể thao…, thậm chí những hàng ghế được kê sát nhau khiến khách đặt chân đến bãi biển là muốn được ngồi ghế ngắm biển. Do đó, đã ra biển là khách sẽ không sử dụng dịch vụ này thì sử dụng dịch vụ khác.

Bãi biển của Đà Nẵng rộng hơn, sạch hơn và không có bán hàng rong, mang lại cảm giác thoải mái cho du khách khi đi tắm biển nhưng các dịch vụ trên biển của các hộ kinh doanh lại hạn chế, loanh quanh vẫn chỉ có ngồi ghế, các đồ uống đóng chai hoặc có thêm mực nướng khô nên nhiều du khách than phiền muốn ngồi lâu nhưng không bán đồ ăn nên cũng bất tiện.

Chị Trần Thị Ngọc Hà, Tổ kinh doanh dịch vụ số 2 cho biết, mình đi tham quan, học hỏi về tình hình buôn bán để biết cách họ làm kinh doanh như thế nào. Cách phục vụ du khách ở biển của các hộ kinh doanh ở Đà Nẵng chu đáo, nhiệt tình hơn rất nhiều so với Thái Lan, tuy nhiên ở mỗi điểm du lịch, các dịch vụ ở Thái Lan lại đa dạng và phong phú hơn rất nhiều, người Thái nhã nhặn, vui vẻ nên lúc nào cũng được lòng du khách. “Bãi biển Đà Nẵng có nhiều lợi thế nên đưa ra những mô hình kinh doanh đẹp và bắt mắt. Ngoài ra, cũng nên mở rộng mô hình kinh doanh với các tiêu chí nhất định như bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… thì những hộ kinh doanh dịch vụ như chúng tôi mới có cơ hội thu hút và giữ chân được nhiều khách hơn”, chị Hà góp ý.

Theo ông Phan Minh Hải, Phó trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, bãi biển và các dịch vụ biển của Pattaya gần giống với biển của Đà Nẵng. Qua chuyến đi này, những người làm dịch vụ kinh doanh ở bãi biển Đà Nẵng sẽ tận mắt thấy được cách người Thái kiếm tiền từ du khách, từ đó về Đà Nẵng, mỗi hộ sẽ rút ra được những kinh nghiệm của riêng mình cũng như có những đề xuất góp ý với Ban quản lý để xem xét, sắp xếp và có những thay đổi sao cho phù hợp với điều kiện của mình, đẩy mạnh hoạt động phục vụ và thu hút khách hơn nữa.

Bài và ảnh: THU HÀ

;
.
.
.
.
.