.

Du lịch Đà Nẵng 2015: Biến khó khăn thành cơ hội

.

ĐNĐT - Năm 2014, ngành du lịch Đà Nẵng gặp không ít khó khăn do lượng khách quốc tế sụt giảm mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu toàn ngành. Tuy nhiên, du lịch Đà Nẵng vẫn có những bước đi đột phá mạnh mẽ, đưa thương hiệu “ngành công nghiệp không khói” của thành phố đến với thị trường quốc tế.

Khách nước ngoài tham quan thành phố bằng xích lô.
Năm 2015, ngành du lịch Đà Nẵng phấn đấu đạt hơn 4,43 triệu lượt khách du lịch

Chủ động chuyển hướng thị trường

Có thể nói chưa năm nào ngành du lịch Đà Nẵng lại gặp nhiều khó khăn như năm 2014, nhất là vào những ngày đầu tháng 5, khi sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã khiến lượng khách Trung Quốc và thị trường Hoa ngữ sụt giảm mạnh.

Sức bền vững của ngành du lịch Đà Nẵng bị phá vỡ do từ lâu phụ thuộc quá nhiều vào thị trường truyền thống nhưng tiềm ẩn nhiều bất ổn này. Chỉ trong vòng 1 tháng, 15 chuyến bay kết nối từ các tỉnh, thành lớn của Trung Quốc đến Đà Nẵng bị hủy bỏ. Các tour, tuyến được các hãng lữ hành lên lịch sẵn từ nhiều tháng trước bị khách hàng trả lại đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của nhiều doanh nghiệp du lịch.

Thế nhưng, sự chỉ đạo kịp thời và sát sao của lãnh đạo ngành du lịch thành phố cũng như sự bứt phá vươn lên của các doanh nghiệp địa phương đã đưa “con thuyền” du lịch Đà Nẵng “cập bến” an toàn.

“Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường du lịch cả nước thì thành công lớn nhất của ngành du lịch Đà Nẵng trong năm 2014 là lượt khách đến thành phố đạt con số ấn tượng cũng như doanh thu toàn ngành vượt xa so với năm ngoái”, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng chia sẻ.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2014, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 3,8 triệu lượt, tăng 21,9% so với năm 2013. Tổng thu du lịch ước đạt 9.740 tỷ đồng, tăng 25,1% so với năm 2013.

Có được kết quả trên, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, ngành du lịch Đà Nẵng đã biến khó khăn thành cơ hội khi chủ động chuyển hướng khai thác các thị trường quốc tế tiềm năng khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và một số thị trường xa như Úc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ấn Độ…

Bên cạnh đó, ngành du lịch thành phố cũng nhạy bén lấy nguồn khách nội địa truyền thống ở 2 đầu đất nước bù đắp lại sự thiếu hụt khi nguồn khách Trung Quốc sụt giảm sâu.

Xây dựng trung tâm du lịch biển

Không phải ngẫu nhiên, 2 năm liên tiếp Đà Nẵng lọt vào “Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á” do Tạp chí du lịch trực tuyến châu Á Smart Travel Asia bình chọn. Vinh dự hơn nữa khi những ngày cuối năm 2014, trong bảng danh sách top 10 địa điểm mới thu hút nhất thế giới do website uy tín về du lịch TripAdivisor công bố, địa điểm nhận được nhiều sự yêu mến và bình chọn nhất của du khách lại là thành phố Đà Nẵng.

Việc Đà Nẵng lọt vào bản đồ du lịch thế giới đã đại diện cho du lịch Việt Nam trên “đấu trường” quốc tế, góp phần quảng bá vẻ đẹp, con người của dải đất miền Trung nói riêng và của cả nước nói chung.

Ông Amir Ahmad Mohamad, Tổng quản lý Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai Đà Nẵng cho biết, trong tổng số khách đặt phòng tại khách sạn thì có đến 20% nguồn khách đặt phòng qua mạng online. Như vậy, việc nhận được vị trí danh giá do các trang mạng du lịch trên thế giới bình chọn sẽ khiến cái tên “Đà Nẵng” được lặp đi lặp lại nhiều lần, hình ảnh du lịch Đà Nẵng ngày càng có mặt ở nhiều thị trường du lịch quốc tế.

Năm 2015, ngành du lịch Đà Nẵng phấn đấu đạt hơn 4,43 triệu lượt khách du lịch (tăng 16,6% so với năm 2014); trong đó có 1,15 triệu lượt khách quốc tế (tăng 20,4% so với năm 2014), 3,28 triệu lượt khách nội địa (tăng 15,3% so với năm 2014).

Tổng thu du lịch đạt 11.800 tỷ đồng, tăng 21,2% so với ước thực hiện năm 2014.

Tuy nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, Đà Nẵng không nên “ngủ quên trên chiến thắng”. “Việc Đà Nẵng lọt vào danh sách điểm đến mới nổi và hấp dẫn thì thách thức của ngành du lịch thành phố là rất lớn. Thách thức lớn nhất là làm sao chúng ta giữ vững được vị trí này trong những năm tiếp theo. Công việc trước mắt là cần cải thiện chất lượng sản phẩm mang tầm quốc tế”, ông Guillaume Van Grinsven, chuyên gia cao cấp Hà Lan nhận định.

Ông Guillauma dẫn chứng, đa số các khách sạn 5 sao, cao cấp ở Đà Nẵng đều dành cho loại khách nước ngoài thượng hạng và khách nội địa “nhà giàu”; trong khi đó, lượng khách quốc tế đặt phòng qua các trang mạng chiếm đa phần là khách trung lưu.

Vì vậy, bên cạnh việc khai thác thị trường du lịch cao cấp, ngành du lịch Đà Nẵng cần chú trọng đến thị trường khách quốc tế trung lưu bằng việc xây dựng hệ thống khách sạn 2-3 sao mang tầm quốc tế với dịch vụ không quá đắt đỏ mà chất lượng vẫn bảo đảm.

Một trong những cái “thiếu” nữa của Đà Nẵng để biến nơi đây thành điểm đến hấp dẫn là thiếu các hoạt động du lịch sáng tạo và ấn tượng để lôi kéo khách, nhất là nên khai thác thương hiệu du lịch biển vốn là thế mạnh và tiềm năng của ngành du lịch thành phố.

Để bù đắp sự thiếu hụt đó, các chuyên gia du lịch cho rằng, trước mắt Đà Nẵng cần xây dựng một Trung tâm du lịch biển với những quy hoạch cụ thể và rõ ràng để góp phần giải quyết vấn đề tập trung mật độ du lịch quá dày ở khu vực trung tâm thành phố hiện nay, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho du khách về vấn đề giao thông, đảm bảo an ninh và nhiều tiện ích khác.

Dù thách thức của ngành du lịch Đà Nẵng trong năm 2015 là rất lớn nhưng việc đầu tư các sản phẩm mới, cải tạo và nâng cấp hạ tầng du lịch cũng như sự vào cuộc của lãnh đạo ngành và các doanh nghiệp địa phương sẽ mở ra kỳ vọng cho “ngành công nghiệp không khói” của thành phố gặt hái được nhiều thành công.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.